Năm 1996, Steve Jobs, CEO của Apple từng nói: "Bản chất cốt lõi để web và internet phát triển trong tương lai chính là thương mại. Các trung tâm thương mại trên mạng internet sẽ xuất hiện. Nó sẽ giúp các nhà cung cấp sản phẩm tiếp cận trực tiếp và nhanh nhất với người tiêu dùng".
Đến ngày nay, "lời tiên tri" ấy đã trở thành sự thật.
Steve Jobs nói thêm: "Trên mạng, doanh nghiệp nhỏ nhất cũng có thể trông giống một doanh nghiệp lớn nhất hiện tại." Sự bùng nổ của công nghệ thông tin chính là điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực Thương mại điện tử ngày càng phát triển. Nó đã trở thành một phương tiện giao dịch quen thuộc của các công ty thương mại lớn trên thế giới. Nó không chỉ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp mà còn giúp khách hàng hưởng lợi nhiều nhất. Khách hàng sẽ mua được sản phẩm rẻ hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và thuận lợi hơn, còn doanh nghiệp có thể đưa sản phẩm của mình đến với thị trường một cách nhanh nhất, bán hàng thuận lợi hơn.
Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử, tiếng Anh là Electronic Commerce (EC), còn được viết là e-Commerce hoặc eCommerce. Đây là một mô hình kinh doanh cho phép các công ty và cá nhân thực hiện việc kinh doanh qua các mạng điện tử, đặc biệt là qua Internet. (Theo định nghĩa của Investopedia).
Theo định nghĩa ngắn gọn của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO), "Thuật ngữ Thương mại điện tử được hiểu là sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hàng hoặc phân phối hàng hóa và dịch vụ bằng phương tiện điện tử".
Theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử của Chính phủ, "Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác".
Về cơ bản, thương mại đóng vai trò luân chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các doanh nghiệp, nhóm và cá nhân; là phần không thể thiếu đối với bất cứ một hoạt động kinh doanh hay bất cứ doanh nghiệp nào. Nên thực chất, thuật ngữ thương mại điện tử là nói đến các hoạt động thương mại thông qua mạng Internet.
Thương mại điện tử được phát triển từ khi nào?
Lịch sử hình thành thương mại điện tử có thể được bắt đầu vào những năm 1960, khi các doanh nghiệp manh nha sử dụng các trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) để chia sẻ tài liệu kinh doanh với các công ty khác.
Năm 1979, Viện tiêu chuẩn quốc gia Mỹ đã phát triển hệ thống dữ liệu điện tử ASC X12 như một tiêu chuẩn phổ quát cho các doanh nghiệp để chia sẻ tài liệu thông qua mạng điện tử. Sau khi số lượng người dùng cá nhân chia sẻ tài liệu điện tử với nhau tăng lên chóng mặt trong những năm 1980, sự gia tăng các kênh cung cấp các dịch vụ, sản phẩm như eBay và Amazon trong những năm 90 đã cách mạng hóa ngành công nghiệp thương mại điện tử. Người tiêu dùng có thể mua không giới hạn số lượng các sản phẩm, dịch vụ trực tuyến.
Ghi nhận đơn hàng đầu tiên thông qua hình thức thương mại điện tử được thực hiện vào ngày 11 tháng 8 năm 1994 một người đàn ông bán một chiếc đĩa CD cho bạn bè của mình thông qua trang web của anh ta qua một kênh bán lẻ của Mỹ. Và anh ta đã có người tiêu dùng mua sản phẩm của anh từ một doanh nghiệp thông qua World Wide Web và nó được công nhận là giao dịch thương mại điện tử đầu tiên trong lịch sử.
Sau đó, rất nhiều người đã sử dụng dịch vụ mua bán trực tuyến này nhưng không hề biết thương mại điện tử là gì và họ đã tham gia vào môi trường này từ lúc nào không hay.
Các loại hình giao dịch Thương mại điện tử
Căn cứ vào sự phân chia thành 2 nhóm nhà cung cấp/nhà sản xuất và người tiêu dùng/khách hàng, có thể phân loại thương mại điện tử thành các nhóm sau đây:
Business To Business hay B2B (Doanh nghiệp - Doanh nghiệp): Mô tả giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp, chẳng hạn như giữa nhà sản xuất và người bán buôn hay giữa người bán buôn và người bán lẻ.
Business To Consumer hay B2C (Doanh nghiệp - Người tiêu dùng): Mô tả giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp tới người tiêu dùng cuối cùng.
Consumer To Consumer hay C2C (Người tiêu dùng - Người tiêu dùng): Là giao dịch thương mại trực tuyến giữa những người tiêu dùng thông qua một bên thứ ba, chẳng hạn một trang web làm trung gian đấu giá trực tuyến hay trung gian bán hàng.
Consumer To Business hay C2B (Người tiêu dùng - Doanh nghiệp): Là mô hình kinh doanh trong đó người tiêu dùng tạo ra giá trị và bán lại giá trị đó cho doanh nghiệp.
Business To Employee hay B2E (Doanh nghiệp - Nhân viên): Đây là hình thức mà doanh nghiệp sử dụng một mạng lưới nội bộ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhân viên của mình.
Business To Government hay B2G (Doanh nghiệp - Chính phủ): Là một dạng của B2B, tiếp thị dịch vụ cho khu vực công nhằm cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các cơ quan Chính phủ ở các cấp khác nhau như Chính phủ, chính quyền địa phương thông qua các kĩ thuật truyền thông như quan hệ công chúng, xây dựng thương hiệu,...
Government To Government hay G2G (Chính phủ - Chính phủ): Là sự tương tác trực tuyến, phi thương mại giữa các cơ quan, ban ngành, tổ chức thuộc Chính phủ với các cơ quan, ban ngành, tổ chức khác thuộc Chính phủ.
Government To Business hay G2B (Chính phủ - Doanh nghiệp): Là sự tương tác trực tuyến, phi thương mại giữa các cơ quan Chính phủ với các doanh nghiệp với mục đích cung cấp thông tin và tư vấn doanh nghiệp.
Government To Citizen hay G2C (Chính phủ - Công dân): Là sự truyền thông giữa chính phủ với khu vực tư nhân hay công dân của mình. (Theo Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)
Các hình thức hoạt động chủ yếu của Thương mại điện tử
Thư điện tử: Các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước,.. sử dụng thư điện tử để gửi thư cho nhau một cách "trực tuyến" thông qua mạng, gọi là thư điện tử (electronic mail, viết tắt là e-mail).
Thanh toán điện tử (electronic payment): là việc thanh toán tiền thông qua bức thư điện tử (electronic message) ví dụ, trả lương bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản, trả tiền mua hàng bằng thẻ mua hàng, thẻ tín dụng,... Ngày nay, với sự phát triển của TMĐT, thanh toán điện tử đã mở rộng sang các lĩnh vực mới đó là:
+ Trao đổi dữ liệu điện tử tài chính (Financial Electronic Data Interchange, gọi tắt là FEDI)
+ Tiền lẻ điện tử (Internet Cash)
+ Ví điện tử (electronic purse)
+ Giao dịch điện tử của ngân hàng (digital banking)
Trao đổi dữ liệu điện tử (electronic data interchange, viết tắt là EDI) là việc trao đổi các dữ liệu dưới dạng "có cấu trúc" (stuctured form), từ máy tính điện tử này sang máy tính điẹn tử khác, giữa các công ty hoặc đơn vị đã thỏa thuận buôn bán với nhau.
Truyền dung liệu: Dung liệu (content) là nội dung của hàng hóa số, giá trị của nó không phải trong vật mang tin và nằm trong bản thân nội dung của nó. Hàng hoá số có thể được giao qua mạng.
Mua bán hàng hóa hữu hình: Đến nay, danh sách các hàng hóa bán lẻ qua mạng đã mở rộng, từ hoa tới quần áo, ôtô và xuất hiện một loại hoạt động gọi là "mua hàng điện tử" (electronic shopping), hay "mua hàng trên mạng"; ở một số nước, Internet bắt đầu trở thành công cụ để cạnh tranh bán lẻ hàng hữu hình (Retail of tangible goods).