Thương mại điện tử: Tăng trưởng về lượng cần đi kèm với đảm bảo về chất

Dịch COVID-19 và chủ trương giãn cách xã hội đã làm thay đổi thói quen mua sắm của phần lớn người dân, khiến các trang thương mại điện tử có cơ hội phát triển chưa từng có. Nhưng, sự bùng nổ về số lượng đơn hàng có đi kèm với cam kết về chất lượng?

Thương mại điện tử tăng trưởng đột phá thời đại dịch

Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua mạng thay vì đến các chợ, siêu thị và các trung tâm thương mại nhằm bảo vệ sức khỏe. Thương mại điện tử chỉ chiếm 5% giá trị bán lẻ trong năm 2019, đến nay, 76% người tiêu dùng mua sắm ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng qua và đạt mức tăng trưởng hơn 20% hàng năm. 

Ghi nhận của các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki hay Shopee cho thấy, số lượng đơn hàng trực tuyến tăng trung bình từ 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành của Shopee Việt Nam khẳng định: Lượt truy cập và khối lượng giao dịch trên Shopee có tăng mạnh trong thời gian gần đây. Đặc biệt, lượng người mua không chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà đến từ tất cả các tỉnh, thành trên cả nước.

thuong mai dien tu tang truong ve luong can di kem voi dam bao ve chat
Dịch COVID-19 trở thành "đòn bẩy" cho thương mại điện tử phát triển (Ảnh: Internet) 

Bên cạnh các trang thương mại trực tuyến lớn, một số thương hiệu cũng đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng trong thời kỳ dịch COVID. Đơn cử như Saigon Co.op, dù mới chú trọng kênh mua sắm online trong thời gian gần đây nhưng cũng có mức tăng trưởng ấn tượng. 

Theo đại diện của nhà bán lẻ này, chỉ tính từ ngày 16 tới hết ngày 31/3, Saigon Co.op đã ghi nhận 10.000 đơn hàng online từ người tiêu dùng thông qua ứng dụng Zalo, Viber. Một điểm đáng chú ý là các đơn hàng tập trung chủ yếu vào nhu thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, mì gói, nước uống, nước giải nhiệt…; trong đó có đơn hàng giá trị cao nhất lên tới 10 triệu đồng.

Cần kiểm soát chặt chẽ hơn về chất lượng

Có thể nói, ngành thương mại điện tử Việt Nam đã chớp được cơ hội phát triển chưa từng có, đồng thời mang đến rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Ai cũng có thể tiết kiệm thời gian mua sắm, thay vì chen chúc tại các khu thương mại đông người, chỉ cần ngồi một chỗ lựa chọn vô vàn mặt hàng được giới thiệu trên mạng, thao tác đặt mua đơn giản và chờ ship tận nơi.

Tuy nhiên, việc mua hàng online cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nếu không tìm hiểu cặn kẽ về đối tượng bán hàng và sản phẩm thì người mua hàng online có thể trở thành "con mồi", mua phải những món hàng không chỉ kém chất lượng, mang đến trải nghiệm không mong muốn. Rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khi mua hàng qua mạng được người tiêu dùng chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến nhiều người tiêu dùng có tâm lý dè dặt, thận trọng khi lựa chọn thương mại điện tử thay cho các mua hàng truyền thống. Thực tế, có đến 80% số người mua hàng muốn kiểm tra hàng trước rồi mới thanh toán tiền, để đảm bảo chất lượng hàng hóa đúng với những gì người bán mô tả.

Chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố khiến người tiêu dùng đắn đo khi lựa chọn mua sắm trực tuyến (Ảnh: Internet)

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho hay, Cục đã sớm chỉ đạo các sàn đảm bảo rà soát các sản phẩm, chống hàng giả hàng nhái. Đẩy mạnh triển khai hệ thống giải quyết khiếu nại bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, xử lý nghiêm hiện tượng các gian hàng bán thiết bị phòng dịch tăng giá... 

"Đến ngày 24/4, đã xử lý khoảng 17 nghìn gian hàng trên các sản TMĐT và khoảng 38,4 nghìn sản phẩm vi phạm", bà Huyền nói.

Tại Việt Nam, bộ khung pháp lý dù đã có những chế tài để xử phạt những trường hợp vi phạm như đã nói ở trên nhưng lại gặp khó khăn trong việc thẩm tra, xác minh các trường hợp trên mạng, khó hơn rất nhiều so với việc kiểm soát tương tự ở thị trường truyền thống.

Hiện nay, dù Việt Nam đang từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới, từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, khôi phục sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng thương mại điện tử vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong thời gian tới, bởi những tiện ích và các dịch vụ gia tăng kèm theo mà thương mại điện tử mang đến cho người tiêu dùng.

Chính vì thế, các nhà kinh doanh thương mại điện tử cần nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để duy trì sự tăng trưởng như thời gian qua. Những giải pháp này gồm: Đa dạng hóa sản phẩm trên sàn; cam kết đảm bảo nguồn cung của sản phẩm ổn định; luân phiên thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá mạnh cho nhiều sản phẩm; và quan trọng hơn cả là làm việc chặt chẽ với các thương hiệu, nhà cung cấp, đại lý có uy tín để mang đến những sản phẩm chất lượng;…

Theo Thảo Nhi/Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam