Năm 2024, huy động vốn qua kênh cổ phiếu và trái phiếu đạt hơn 173.000 tỷ đồng

Năm 2024 khép lại với nhiều thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam, trong đó thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những kết quả quan trọng.

Tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo điều hành năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức chiều 18/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024 là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, nhưng nền kinh tế trong nước khẳng định sự phục hồi rõ nét, dự kiến đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%); lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, uy tín và vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong đó, thị trường chứng khoán cũng ghi nhận những kết quả ấn tượng, tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, khẳng định là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Cụ thể, tính đến ngày 16/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.263,79 điểm, tăng 11,8% so với cuối năm trước. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 227,04 điểm, giảm 1,7% so với cuối năm trước. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và quy mô niêm yết duy trì đà tăng trưởng. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 16/12/2024 đạt 7.085 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cuối năm trước, tương đương 69,3% GDP ước tính năm 2023.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư đến nay đã chính thức vượt mục tiêu Chính phủ đề ra với 9,15 triệu tài khoản luỹ kế từ đầu năm, tăng thêm 1,86 triệu tài khoản trong năm, tương đương khoảng 9% dân số. Đồng thời, hướng đến con số 11 triệu tài khoản vào năm 2030 được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/HT)

Thị trường trái phiếu cũng tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11.542 tỷ đồng, tăng 77,1% so với bình quân năm trước. Quy mô niêm yết tiếp tục đà tăng trưởng với 466 mã trái phiếu niêm yết, có giá trị niêm yết đạt hơn 2.304.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2023, tương đương 22,5% GDP ước tính năm 2023.

Tính đến ngày 30/11/2024, tổng mức huy động vốn qua chào bán cổ phiếu và chào bán trái phiếu của công ty đại chúng là 173.052 tỷ đồng. 11 tháng năm 2024, huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ ước đạt 323.000 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chủ động, tích cực trong việc xây dựng chiến lược, các văn bản quy phạm pháp luật. Đáng chú ý, Luật Chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, khóa XV, ngày 29/11/2024 và Thông tư số 68/2024/TT-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 18/9/2024.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao nỗ lực của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, bảo vệ nhà đầu tư, tạo thuận lợi để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết cần tập trung hoàn thiện các Nghị định và văn bản hướng dẫn thi hành sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán trong Luật số 56/2024/QH15; triển khai đồng bộ các giải pháp được đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tập trung triển khai kế hoạch chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ để tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả; tăng cường công tác hợp tác quốc tế, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, hướng tới nâng hạng thị trường trong năm 2025.

Đồng thời, tiếp tục xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán theo hướng hiệu quả, hiện đại, ngày càng tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Trong đó, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới như trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, trái phiếu cơ sở hạ tầng; tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư thông qua việc phát triển các định chế quỹ, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính cho các công ty quản lý quỹ nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức vào thị trường; đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán./.

Lan Anh