"Gam hồng" thương mại điện tử trong dịch Covid-19
Vì sao những tháng đầu năm 2020, thương mại điện tử của Việt Nam lại có sự phát triển nhanh chóng là chủ đề được nhiều chuyên gia bàn luận nhiều nhất trong một hội thảo chủ đề về kinh tế số vừa được Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức.
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thương mại điện tử và kinh tế số trong 5 tháng qua tại Việt Nam "với gam màu hồng" là chủ đạo đang phủ khắp các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất lợi đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang ở thời điểm có đà phát triển tốt và được đánh giá là đất nước có những tiền đề, lợi thế trong thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển kinh tế số. Nắm bắt xu hướng, thời cuộc và cơ hội, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dồn nguồn lực đầu tư mạnh cho công nghệ và công cuộc chuyển đổi số.
Do đó, việc tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số là một quá trình với rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải đi đồng thời cả "2 chân" là "thoát cũ" và "xây mới".
Hàng nhái vẫn là mặt trái của thương mại điện tử
Tuy nhiên, có lẽ phải "vội vàng" đi bằng "2 chân" trong bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng lên do dịch Covid-19 như TS. Thành nói nên đã khiến thương mại điện tử va vấp và bộc lộ những mặt trái.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Khóa Việt Tiệp cho biết, doanh nghiệp này đã tận dụng sự phát triển của thương mại điện tử để đưa sản phẩm đến gần hơn với khách hàng, đặc biệt trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, cũng có những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới khóa Việt Tiệp, như hàng giả, hàng nhái xuất hiện tràn lan trên kênh bán hàng trực tuyến. Các sàn thương mại điện tử không kiểm duyệt kỹ, kiểm soát đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín doanh nghiệp, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm.
Do đó, đại diện doanh nghiệp này kiến nghị, để thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, cơ quan quản lý nên có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, có chế tài xử phạt nặng với vi phạm nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Mặt khác, theo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, những mặt trái đang ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp. Đơn cử hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên kênh thương mại điện tử đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh, làm mất uy tín doanh nghiệp, người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến - người mua không trực tiếp nhìn thấy sản phẩm - đã thực hiện những hành vi gian dối như giao hàng sai, không đúng với sản phẩm người mua đặt hàng. Bên cạnh đó là chế độ chăm sóc khách hàng cũng thiếu chuyên nghiệp, người mua nhận được hàng kém chất lượng khi khiếu nại cũng không nhận được thái độ chia sẻ, cầu thị của người bán...
Do đó, để thị trường thương mại điện tử phát triển lành mạnh, trong khuôn khổ hội thảo "Phát triển thương mại điện tử: Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam" các chuyên gia cũng đưa ra kiến nghị, cần có các quy định, điều kiện tham gia vào hệ thống bán hàng trực tuyến chặt chẽ hơn, các chế tài xử phạt thật nặng đối với các vi phạm, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng sử dụng thương mại điện tử đến nơi đến chốn hơn trong thời gian tới.
Trước làn sóng phản hồi về sản phẩm của thương mại điện tử, mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phải cung cấp cả một đường dây nóng để hỗ trợ người dân, đồng thời đưa ra khuyến cáo lưu ý người tiêu dùng để hạn chế rủi ro khi mua sắm và giao dịch trực tuyến. Theo đó, khi người dân tham gia mua bán trực tuyến cần phải có những kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc lựa chọn. Những kiến thức như sử dụng các công cụ tìm kiếm tìm hiểu kỹ về sản phẩm/dịch vụ đó cũng như người bán hàng; Kiểm tra, so sánh giữa các sàn thương mại điện tử, nhà phân phối trực tuyến. Việc này giúp cho người tiêu dùng có được giá chính xác của sản phẩm, từ đó giúp cho trải nghiệm mua sắm tốt hơn, thuận tiện hơn, hạn chế được tình trạng phản ánh/khiếu nại do hiểu sai về giá sản phẩm. Cùng với đó, cần xem xét các phiếu mua hàng giảm giá và cẩn trọng với những trang web yêu cầu tải phần mềm hay yêu cầu điền các thông tin tài chính/thông tin cá nhân để nhận mã giảm giá, do hành vi này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng… Cũng nên cân nhắc lựa chọn kênh thanh toán an toàn như thẻ tín dụng, ví điện tử hay thanh toán khi nhận hàng (Cash on Delivery - COD)... Đặc biệt, trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền lợi khi mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng tham khảo thực hiện các phương thức như liên hệ với nhà bán hàng/ sàn thương mại điện tử để giải quyết tranh chấp. |