Từ khi dịch bệnh xuất hiện, thay vì những hàng ngoại xách tay, thói quen mua hàng ngoại đã thay thế bằng những sản phẩm trong nước. Theo công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua người tiêu dùng đã ưu tiên hàng Việt Nam vì biết rõ nguồn gốc, và mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp Việt.
Hậu Covid-19, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng chuyển sang tiêu dùng các sản phẩm trong nước, thay vì hàng ngoại như trước kia.
"Với doanh nghiệp bán lẻ, chúng tôi nghĩ rằng rất nhiều cơ hội để mang tới cho người tiêu dùng sản phẩm tốt, và chất lượng. Bên cạn đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến các chiến lược giá hay khuyến mãi", bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen Hà Nội chia sẻ.
Tình hình dịch bệnh đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, khi sản phẩm có nguồn gốc địa phương có lợi thế hơn so với các sản phẩm ít quen thuộc khác. Tại nhiều hệ thống siêu thị, những khu vực sản phẩm địa phương được ưu tiên những vị trí bắt mắt.
Ngoài ra, các chuỗi siêu thị nước ngoài cũng đang bắt tay với các doanh nghiệp Việt, mang đến những sản phẩm nội đáp ứng thói quen tiêu dùng mới nổi của người dân.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 76% người Việt Nam ưu tiên dùng hàng nội địa. Đây là một con số đáng ngạc nhiên bởi trước kia, người tiêu dùng Việt Nam thường có tâm lý "sính ngoại", ưa chuộng sản phẩm nước ngoài, ngay cả khi sản phẩm trong nước có chất lượng tương đương và giá thành rẻ hơn.