Sẽ có "quầy cơ chế" để hỗ trợ doanh nghiệp tại "phi trường"
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, với EVFTA , lần đầu tiên Việt Nam đạt được tỷ lệ ưu đãi cao nhất trong số các đối tác thương mại của Việt Nam, khi trong 7 năm đầu tiên, việc cắt giảm thuế quan cho các mặt hàng sản phẩm của Việt Nam sang EU lên tới 97%.
Điều kiện cạnh tranh và năng lực cạnh tranh của chúng ta sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, trong bối cảnh chung của thế giới mới vẫn đang tiếp tục toàn cầu hóa. Đồng thời đang phải đối mặt với rất nhiều biểu hiện của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đơn phương trong các quan hệ thương mại và hệ thống chính trị toàn cầu", ông Tuấn Anh nói.
Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam tham gia vào tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng mới đang bị đứt gãy do Covid-19, mở ra cơ hội về công nghệ, nguồn vốn tín dụng, lao động, tạo nên sức bật mới, tăng trưởng nhanh và bền vững khi cộng hưởng trong chuỗi giá trị gia tăng.
Bước khởi động đầu tiên để các hồ sơ hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu sang EU theo EVFTA, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết sẽ cử ngay đoàn công tác vào làm việc với doanh nghiệp để hướng dẫn hỗ trợ. Trên cơ sở đó sẽ mở rộng mô hình và thông tin cho các doanh nghiệp khác thuộc các ngành nghề nông lâm nghiệp có đầy đủ thông tin và tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA mang lại cho Việt Nam.
Đồng quan điểm với Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định sẽ đơn giản hóa tất cả các thủ tục liên quan để hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng hưởng các ưu đãi từ Hiệp định này.
"Quan điểm của chúng tôi là phải thực hiện theo yêu cầu của thị trường nhập khẩu nhưng không phải là ban hành thêm thủ tục hay giấy phép con làm khó cho doanh nghiệp. Thậm chí có những điều kiện mà nếu nghị định trình Chính phủ chưa kịp thông qua chúng tôi cũng nghiên cứu có cơ chế tạm thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp", người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) chỉ là chuyện nhỏ
Như vậy, thời gian chỉ còn tính bằng ngày để Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (ngày 1/8/2020) nhưng vấn đề mà phía doanh nghiệp "áp lực" nhất là giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) bởi vì C/O là mảng "tốn công" nhất khi xuất khẩu sang các thị trường. Trong khi để doanh nghiệp sở hữu một C/O phải mất 2,5 tháng mới có được, điều này khiến nhiều lô hàng bị lỗ vì không lấy được C/O và không thông quan được hàng.
Về vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), với vai trò Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương ) bà Nguyễn Cẩm Trang cho rằng, xuất xứ là một nội dung quan trọng. Xuất xứ của hàng hóa chính là tạo sự khác biệt của hàng hóa nội khối và hàng hóa bên ngoài. Nếu hưởng những ưu đãi thuế quan trong một Hiệp định thì phải chứng minh hàng hóa có xuất xứ, đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định của Hiệp định.
Cho nên, nhiều khi khó khăn không phải do câu chuyện cấp giấy chứng nhận đó, mà bởi nguồn nguyên liệu đang sử dụng không phải nguyên liệu nội khối, không đáp ứng quy định của quy tắc xuất xứ, bà Trang khẳng định.
Còn về phía Tổng cục Hải quan, ông Mai Xuân Thành - Phó Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, với vướng mắc C/O, cơ quan hải quan sẵn sàng phối hợp đầu mối với Bộ Công Thương, VCCI để chia sẻ những số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá doanh nghiệp, xếp hạng doanh nghiệp để dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xin cấp C/O, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tuân thủ đầy đủ quy định và minh bạch.
Vì vậy, để có thể chủ động tại "phi trường" EVFTA, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung về Hiệp định . Muốn tận dụng hiệu quả thì cần phải chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu không chỉ của Hiệp định mà của cả thị trường EU.