Đại dịch Covid-19 bùng nổ trở thành "thảm họa" cho nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới, trong đó có cả các thương hiệu đình đám lâu đời và những đơn vị khởi nghiệp (startup) mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường.
'Gã khổng lồ' gục ngã
Mới đây, những tín đồ yêu thời trang được một phen choáng váng khi nhiều thương hiệu nổi danh lâu đời như Victoria’s Secret và Zara cũng phải đóng cửa vô thời hạn hàng trăm, hàng ngàn cửa hàng trên khắp thế giới với lý do kinh doanh thua lỗ, hàng hóa ế ẩm.
Hãng thời trang lừng danh thế giới Chanel, Saint Laurent, Gucci và Michael Kors đã thông báo sẽ tách rời khỏi lịch diễn của các tuần lễ thời trang quốc tế trong năm 2020.
Thương hiệu đồng hồ nổi tiếng Patek Philippe đóng cửa nhà máy từ ngày 17 - 28/3, sau đó đã mở lại vào ngày 27/4. Rolex cũng tạm ngừng sản xuất vì đại dịch.
Hãng bán lẻ hàng xa xỉ Neiman Marcus, hãng bán lẻ thời trang J.Crew Group và chuỗi trung tâm thương mại Stage Stores đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản.
J.C. Penney thì đã 2 lần lỡ hẹn trả lãi và có thể phải nộp đơn xin phá sản. Tổng cộng, các hãng này có 2.500 cửa hàng và gần 120.000 nhân viên.
"Nếu đây không được gọi là ngày tận thế của ngành bán lẻ, tôi không biết như thế nào mới đúng nữa", Sarah Wyeth - nhà phân tích ngành nhà hàng - bán lẻ tại S&P Global Ratings cho biết.
Theo Reuters, cùng với túi xách xa xỉ và quần áo hàng hiệu chất đầy trong các cửa hàng, Italy đang nhiều lo ngại về tương lai kinh doanh của họ, khi các đơn đặt hàng đối với các mặt hàng xa xỉ giảm hẳn.
Và trong một vài trường hợp, các chương trình ưu đãi giảm giá hay kéo dài thời gian thanh toán đang được áp dụng trong thời gian gần đây.
Italy đóng góp khoảng 40% ngành sản xuất xa xỉ toàn cầu và hiện tại đang đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về doanh thu bán ra vì dịch bệnh Covid-19. Một số đại diện thương hiệu nói rằng họ không hề có đơn hàng mới trong mùa hè này.
Tập đoàn thời trang của Đức - Hugo Boss và công ty Italy - Max Mara đã đưa ra chương trình giảm giá đối với các đơn đặt hàng hiện tại lần lượt ở tỷ lệ 8% hoặc 7%, hãng Reuters cho biết.
Mới đây nhất, hãng bán lẻ hàng xa xỉ Harrods lớn bậc nhất nước Anh vừa tuyên bố sẽ cắt giảm gần 700 nhân viên để tiết kiệm chi phí vì làm ăn quá khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19.
Lượng nhân viên sắp bị sa thải chiếm khoảng 14% lực lượng lao động của "gã khổng lồ" bán lẻ này.
Giám đốc điều hành Michael Ward của hãng Harrods chia sẻ ông đang phải tìm cách giảm chi phí tối đa và tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khách hàng thưa vắng.
Đại dịch đã tạo nên thời kỳ vô cùng khó khăn cho doanh nghiệp, tạo áp lực tài chính rất lớn khi nhu cầu mua sắm của khách hàng sụt giảm, đi lại hạn chế.
"Cậu bé" startup chết yểu
Bên cạnh tác động tiêu cực đến các thương hiệu lớn lâu đời, đại dịch Covid-19 cũng giáng "đòn đau" lên các đơn vị khởi nghiệp (startup) trên toàn cầu.
Theo khảo sát từ tổ chức Startup Genome, có khoảng 74% startup tại 45 quốc gia buộc phải sa thải nhân viên toàn thời gian do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vì phần lớn các startup chỉ còn đủ vốn duy trì trong vài tháng, trong khi dịch Covid-19 còn kéo dài sẽ khiến 2/3 số startup buộc phải đóng cửa.
Theo kế hoạch năm 2020, Quỹ tầm nhìn của SoftBank đầu tư vào 88 startup, trong đó có WeWork, Uber và DoorDash. Tuy nhiên, đại diện của Quỹ cũng cho biết sẽ chỉ một số ít startup trong danh mục đầu tư này có thể nhận đủ tiền mặt theo kế hoạch vào cuối năm nay.
Các nhà đầu tư từ Greycroft, Menlo Ventures và Mayfield cũng cho biết các công ty đang phải cắt giảm chi phí, thu hẹp kế hoạch tăng trưởng và tập trung duy trì bảo tồn vốn, vì thế rất khó để mở rộng đầu tư vào các startup mới.
Tại Trung Quốc, trong tháng 3 và 4/2020, khoảng 57% các thương vụ đầu tư đã sụt giảm trong bối cảnh cả nước bị phong tỏa, cách ly cộng đồng do ảnh hưởng của Covid-19.
Trong khi đó, ở Mỹ, các nhà đầu tư mạo hiểm tại thung lũng Silicon hiện đã tạm dừng hoạt động đầu tư và chưa biết khi nào có thể nối lại đầu tư, khiến nhiều startup lâm vào cảnh khốn đốn.
Ước tính, có khoảng 1/4 số startup trên toàn thế giới đã cho 60% nhân viên nghỉ việc. Startup Genome đánh giá, đây là thảm họa đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các startup có quy mô nhỏ.
Tại Việt Nam, các startup cũng không ngoại lệ khi gặp áp lực rất lớn về tài chính. Mặc dù Chính phủ đã có gói hỗ trợ tín dụng để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng startup thực sự khó có tiếp cận gói tín dụng này.