Hà Nội xử lý hành chính 12.787 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã tổ chức thanh tra, kiểm tra 15.199 vụ; xử lý hành chính 12.787 vụ (tăng 14% số vụ xử lý hành chính so với cùng kỳ năm 2019).

Các vụ việc xử lý hành chính gồm: Hàng cấm, hàng lậu 1.472 vụ; tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là gần 1.748 tỷ đồng.

ha noi xu ly hanh chinh 12787 vu vi pham buon lau gian lan thuong mai hang gia


Tổng số tiền xử phạt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 2,432 tỷ đồng. Hàng hóa vi phạm gồm: 1.749.614 chiếc khẩu trang y tế các loại, 13.227 sản phẩm nước rửa tay sát khuẩn; 4.551 sản phẩm dung dịch cồn các loại; 35.600 đôi găng tay y tế; 1.597 bộ quần áo phòng dịch; 185 chiếc kính bảo hộ y tế; 927 chiếc áo phẫu thuật; 1.050 bộ quần áo phòng dịch; 605 chiếc thẻ đeo khử khuẩn; 847 chiếc nhiệt kế điện tử.Về kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, tính đến ngày 15-6-2020, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 thành phố đã thanh tra, kiểm tra 758 vụ; xử lý hành chính 318 vụ. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chuyển 4 hồ sơ vụ việc sang cơ quan công an để tiến hành điều tra theo quy định. Công an đã có quyết định khởi tố 1 vụ án đối với 4 đối tượng. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài đã có quyết định khởi tố 3 vụ đối với 3 đối tượng.

6 tháng cuối năm 2020, Ban Chỉ đạo 389 thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chi đạo quyết liệt, sâu sát, không có vùng cấm. Thủ trưởng các lực lượng chức năng, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra công khai, thường xuyên trên địa bàn; để cán bộ, công chức tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ.

Các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cần thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thời gian qua để có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu; các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; nâng cao hơn nữa công tác phòng để đánh trúng, đánh đúng, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp tốt với các lực lượng chức năng trong thành phố, ở Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm... bảo đảm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội để tiêu thụ.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng; thông tin về tác hại, hậu quả của việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, không tham gia hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Theo Pháp luật và Xã hội