Thị trường nội địa: Không thể lãng phí mảnh đất tiềm năng

Khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến khó lường, thị trường trong nước có vai trò không thể thay thế. Trong khi hàng Việt xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn ngắn hạn, thì vẫn có những doanh doanh nghiệp duy trì được tăng trưởng.

Đây được coi là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp, là động lực tăng trưởng của cả nền kinh tế. Đến lúc này, không ít doanh nghiệp nhận ra, thị trường nội địa vẫn là mảnh đất tiềm năng và buộc phải giữ trước khi "mang chuông đi đánh xứ người".

Thị trường nội địa đang bị "bỏ ngỏ"

Câu chuyện cá tra - vốn được mệnh danh là ngành xuất khẩu tỷ USD gặp khó gần một năm nay và buộc Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường phải ra tay "giải cứu". Mặc dù được "truyền thông" tích cực là người Việt dùng hàng Việt, nhưng dù là sản phẩm Made in Viet Nam thì cá tra vẫn xa lạ trong thực đơn của người Việt. Nhiều lý lẽ được đưa ra biện minh, nhưng câu hỏi: "Tại sao cá tra được cả thế giới tin dùng còn người dân mình lại thờ ơ?" thì lại chẳng có ai trả lời. Theo các chuyên gia, trước đây các doanh nghiệp thường chỉ đẩy mạnh xuất khẩu, do việc bán sản phẩm ra nước ngoài chỉ cần cung cấp cho một đầu mối và số lượng lại lớn. Trong khi ở thị trường nội địa họ ngại vì phải "ngồi lê - bán lẻ", cho nên mặt hàng này trở nên xa lạ.

EVFTA là Hiệp định tương đối đặc biệt
EVFTA là Hiệp định tương đối đặc biệt "mở và mạnh nhất" cũng như có tác động đa diện hơn so với các Hiệp định trước. Do đó, các doanh nghiệp nội cũng có nhiều cơ hội hơn.

Thực tế cũng cho thấy, trên thị trường nếu cá tra Vĩnh Hoàn đại diện cho doanh nghiệp thực phẩm xuất khẩu, thì Vissan là doanh nghiệp đại diện cho ngành thực phẩm nội địa. Nhưng cái hơn của Vissan là sản phẩm của họ có mặt trong tất cả các siêu thị, cửa hàng, chợ lớn, chợ bé nên người tiêu dùng Việt Nam, từ cao cấp đến bình dân đều biết đến Vissan. Cho nên, nửa năm nay dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp phục vụ thị trường nội địa này vẫn không hề "nao núng", thậm chí họ còn có sẵn một nguồn lực vững chắc để hỗ trợ người lao động và cộng đồng.

Không chỉ cá tra, đã có nhiều doanh nghiệp nhận ra, EVFTA không phải là "giấc mơ màu hồng", để đưa được sản phẩm vào EU phải đáp ứng rất nhiều các quy định. Như với ngành dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương - CTHĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên cho biết, ngay khi Hiệp định EVFTA tuy có hiệu lực từ tháng 8/2020 thì có một số dòng sản phẩm còn bị tăng thuế cao hơn mức thuế hiện tại, rồi sau đó mới giảm. Với các dòng sản phẩm để được hưởng ưu đãi thuế thì phải đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ "từ vải", trong khi đó nguồn nguyên liệu dùng cho may xuất khẩu chủ yếu nhập từ Trung Quốc. Với mức thuế được giảm trong 3 năm đầu vào thị trường EU không đủ bù cho phần chênh lệch về giá vải giữa 2 thị trường này. Vì thế vấn đề tăng lượng vải nhập khẩu từ Hàn Quốc về Việt Nam để xuất khẩu vào châu Âu là không nhiều.

Đối diện với thực tế này, một số doanh nghiệp đã có phương án chuyển hướng về thị trường nội địa. Theo TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn, doanh nghiệp làm chủ thị trường trong nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Từ đó, tạo ra độ an toàn chắc chắn và yếu tố bền vững cao hơn cả ở trước mắt và tương lai. Về lâu dài, các doanh nghiệp mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để doanh nghiệp phát triển và lấn sân sang thị trường khác một cách mạnh mẽ hơn. Còn đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, thị trường nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu. Nhưng ít nhất, việc hướng nội cũng tạo được cho doanh nghiệp một thị trường ổn định để duy trì sản xuất, duy trì lao động, khi thị trường thế giới ổn định hơn sẽ tăng "sức bật" cho chính doanh nghiệp.

Các chuyên gia cho rằng, nếu không tận dụng được thị trường nội địa thì chính doanh nghiệp Việt Nam đang tự "đá vào lưới nhà". Thậm chí, việc "đứng núi này trông núi nọ" để thị trường nội địa bị chiếm lĩnh không chỉ riêng chuỗi cung ứng mà ngay cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng "thiệt đơn thiệt kép".

Doanh nghiệp phải chủ động

Theo các chuyên gia, vài tháng tới đây hàng Việt sẽ phải chịu áp lực và cạnh tranh hàng nhập khẩu từ EU với chất lượng cao nổi tiếng toàn cầu như mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm...  Không những thế, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm từ EU vào Việt Nam cũng sẽ giảm theo lộ trình về đến 0%. Cùng với sự cắt giảm về thuế, các yếu tố khác như tâm lý người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh, chất lượng sẽ làm gia tăng cạnh tranh hàng Việt tại thị trường nội địa. Hơn nữa, người tiêu dùng Việt cũng đang tìm kiếm sự đảm bảo về chất lượng sản phẩm cũng như uy tín, thương hiệu. Nhiều khảo sát cho thấy, gần 2/3 người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng, sức khỏe và an toàn. Điều này sẽ tác động rất lớn tới các doanh nghiệp Việt Nam nhất là khi EVFTA đi vào thực thi, hàng hóa giảm thuế tràn vào sẽ tạo sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng Việt. Chính vì vậy, đây là thời điểm doanh nghiệp nội địa cần tối ưu hóa cũng như có chiến lược đúng đắn, cụ thể về giá, khuyến mại, đổi mới sản phẩm, bao bì, kích cỡ với nhiều mức giá khác nhau để phù hợp với chuẩn mực mới về giá trị cũng như sự chuyển đổi trong các kênh mua sắm.

Mặt khác, quyền Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) Nguyễn Văn Hoàng cho biết, EVFTA được ký kết sẽ đem lại cái lợi trước mắt đó là lượng đơn hàng tăng, mức giá sản phẩm cũng được tăng lên. Nhưng lợi thế càng nhiều thì thách thức cũng không ít, khi các doanh nghiệp nước ngoài họ nhòm ngó vào doanh nghiệp nội địa, họ sẵn sàng thu hút lao động của các doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp có thể được lợi về hàng hóa nhưng lại bị thiệt về cạnh tranh lao động. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư càng nhiều vào Việt Nam, lúc đó họ sẽ mở các nhà máy, xí nghiệp ở Việt Nam dẫn đến các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu cạnh tranh sòng phẳng thì doanh nghiệp Việt không sợ, nhưng họ cạnh tranh bằng cách chuyển giá, trốn thuế,... và lấy những lợi thế này thông qua đó chi trả tiền lương cao hơn các doanh nghiệp trong nước để thu hút cán bộ quản lý, quản trị cấp cao, thậm chí cả những công nhân, người lao động có trình độ tay nghề của các doanh nghiệp trong nước. Đây là sức ép rất lớn đối với các doanh nghiệp dệt may nội địa. Điều này, đòi hỏi Nhà nước phải có các cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay tác động tiêu cực tới nhu cầu tiêu thụ cũng như quá trình thông thương của ngành ngoại thương, doanh nghiệp cũng như thị trường nội địa càng chứng tỏ vai trò của mình, chính vì thế, đây là lúc không riêng gì doanh nghiệp mà các Bộ ban ngành cũng cần có những chính sách "trọng dụng" yếu tố nội địa hơn bởi chúng ta không thể "mang chuông đi đánh xứ người" nhưng lại để lãng phí nguồn lực ngay tại sân nhà.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại EU và Bỉ nhận định, với tác động của Covid-19, các doanh nghiệp trên thế giới đang chuyển dịch đầu tư trở về nội địa đối với một số hoạt động sản xuất mang tính chiến lược về bảo đảm sức khỏe cho dân chúng. Việt Nam cũng nên xem xét kỹ chiến lược này, nhưng mọi việc phải được thực hiện theo từng bước, từng giai đoạn với lộ trình rõ ràng.

Các chuyên gia cho rằng, Hiệp định EVFTA có hiệu lực, mọi lợi thế dường như được đưa về bằng không. Vì thế muốn thắng trên sân nhà, bản thân doanh nghiệp và chuỗi cung ứng liên kết buộc phải tuân thủ "luật chơi". Ngoài nhiệm vụ giữ chặt "khung thành" là thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú trọng tới trách nhiệm xã hội như: khai thác không làm ô nhiễm môi trường; đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động… Đặc biệt cần tuân thủ các cam kết để tránh làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng EU, cũng như phát huy được tối đa giá trị Hiệp định EVFTA đem lại. Nếu giữ được "thế thượng phong" trên sân nhà không chỉ giúp doanh nghiệp và chuỗi giá trị liên kết của Việt Nam "bội thu" mà còn gia tăng chất xúc tác để tấm "hộ chiếu" Made in Viet Nam được truy xuất thường xuyên và dần trở nên quyền lực hơn trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA.

Đặc biệt, đây cũng là lúc các ngành sản xuất trong nước cơ cấu lại thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp tăng sức cạnh tranh ở thị trường trong nước. Bởi ngoài các chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp hàng Việt phải đẩy mạnh phát triển thương hiệu, phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc sản để nâng cao lợi thế của hàng Việt Nam so với hàng nhập khẩu thì mới có thể cạnh tranh tốt trên sân nhà.

Theo Nhà báo và Công luận