Lo ngại mỹ phẩm không đảm bảo chất lượng khi bỏ giấy chứng nhận lưu hành tự do

Các doanh nghiệp đề xuất bỏ giấy chứng nhận lưu hành tự do với mỹ phẩm (CFS). Tuy nhiên, cơ quan quản lý lo ngại việc từ bỏ CFS có thể làm tăng nguy cơ mỹ phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Ngày 14-7, Vụ Pháp chế và Cục Quản lý Dược-Bộ Y tế đã phối hợp tổ chức Hội thảo về "Quản lý CFS mỹ phẩm trong bối cảnh hiện nay và đề xuất giải pháp" nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý liên quan đến giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS). Đây là văn bản chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp cho thương nhân xuất khẩu hàng hóa để chứng nhận hàng hóa đó được phép lưu hành tự do tại nước xuất khẩu.

Bà Trần Phương Mai, Chủ tịch Chi hội Mỹ phẩm cho biết: với các quy định của pháp luật hiện nay, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, việc các doanh nghiệp xin cấp CFS và phải hợp pháp hóa các văn bản này để thực hiện công bố mỹ phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Đó là việc xin cấp CFS mất nhiều thời gian và chi phí, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp không xin được theo đúng quy định dẫn đến việc doanh nghiệp mất cơ hội kinh doanh hoặc bị chậm so với thị trường, không theo kịp xu hướng.

Theo bà Phương Mai, khó khăn nữa là việc bắt buộc phải có CFS chi phí sản phẩm tăng do người tiêu dùng phải chịu giá sản phẩm cao hơn và tiếp cận các phát minh mới chậm hơn, ít sự lựa chọn cho thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam mất tính cạnh tranh.

Yêu cầu về CFS không còn ý nghĩa quản lý thực tiễn vì không giúp quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm. Đây chỉ là một thủ tục hành chính đơn thuần để hạn chế việc nhập khẩu. Việc quản lý mỹ phẩm cần tập trung vào hậu kiểm theo đúng tinh thần của ASEAN và châu Âu, Chủ tịch Chi hội Mỹ phẩm đề xuất.

Ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch Hiệp hội Tinh dầu hương liệu và mỹ phẩm kiến nghị, Bộ Y tế cần nghiên cứu xem xét ban hành quy định cắt giảm yêu cầu CFS trong quá trình công bố mỹ phẩm nhập khẩu để thúc đẩy phát triển ngành mỹ phẩm. Đồng thời, triển khai công tác quản lý mạnh hơn theo hướng hậu kiểm để đảm bảo sản phẩm thực tế bán trên thị trường an toàn cho người sử dụng. Tập trung hậu kiểm vào nhóm có thể gây mất an toàn cao hơn; nghiêm khắc xử lý các vi phạm liên quan đến an toàn và chất lượng sản phẩm.

lo ngai my pham khong dam bao chat luong khi bo giay chung nhan luu hanh tu do
Ảnh minh họa

Tại Hội thảo, bà Trần Thị Xuân Hằng, chuyên viên chính Vụ Pháp chế- Bộ Y tế cho biết: Mỗi nước có một mẫu CFS khác nhau, một số quốc gia không có thông tin nhà sản xuất mà chỉ có thông tin công ty chịu trách nhiệm đưa sản ra thị trường. Một số mẫu CFS không có tên, chữ ký cũng như dấu của cơ quan, tổ chức CFS. "Quy định này là một bất cập hiện nay của các doanh nghiệp khi phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc xin cấp CFS để hoàn thiện hồ sơ nhập khẩu mỹ phẩm vào Việt Nam".

Về việc bỏ quy định về yêu cầu CFS trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm và thực hiện kiểm soát chất lượng bằng hình thức hậu kiểm, bà Trần Thị Xuân Hằng cho biết: Nhà nước sẽ không phải bố trí nhân lực (tiền lương, thời gian) để kiểm tra tính đầy đủ của hồ sơ và tính pháp lý của CFS như hiện nay. Do loại bỏ yêu cầu giấy chứng nhận lưu hành tự do trong hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm nên thủ tục hành chính về công bố sản phẩm mỹ phẩm sẽ đơn giản hơn và tiến hành nhanh hơn.

Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian dành cho cấp CFS là 32.000 - 315.000 tuần, chi phí mà các doanh nghiệp tiết kiệm được do không phải xin cấp CFS khoảng 96 - 560 tỷ đồng/năm. Hơn nữa, do chi phí để nhập khẩu vào Việt Nam giảm thì người dân có khả năng tiếp cận sản phẩm với giá thành rẻ hơn và thời gian tiếp cận nhanh hơn.

Tuy nhiên, việc không có giấy chứng nhận CFS có thể tăng nguy cơ mỹ phẩm nhập khẩu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điều này lại dẫn tới khả năng sẽ phát sinh chi phí để khám chữa bệnh do sử dụng sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng, bà Xuân Hằng nhấn mạnh.

Theo Pháp luật và Xã hội