Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn không nhất thiết phải dùng thịt lợn mà có thể thay thế bằng các loại thực phẩm khác có giá thành hợp lý hơn mà giá trị dinh dưỡng lại tương đương...
Bà Lập (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn thường xuyên mua thịt lợn để làm thực phẩm chính cho bữa ăn của gia đình, thế nhưng thời gian gần đây, bà cũng đã sử dụng các loại thực phẩm khác thay thế thịt lợn khi giá thịt lợn vẫn ở mức khá cao. “Việc lựa chọn các loại thực phẩm khác vừa giúp tôi có thể đa dạng hóa bữa ăn, đồng thời cũng giảm được phần nào chi phí khi giá thịt lợn vẫn còn ở mức cao so với mặt bằng chung của các loại thực phẩm khác”, bà Lập chia sẻ.
Cùng với nhiều loại thực phẩm khác, cá là một trong những mặt hàng có thể thay thế thịt lợn trong bữa ăn của mỗi gia đình. Ảnh: N. Đăng |
Các chuyên gia cho biết, giá lợn tăng do khủng hoảng nguồn cung, dịch tả lợn châu Phi làm giảm sản lượng thịt lợn. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ trong vùng dịch cơ bản là không còn lợn, nguồn lợn thịt chủ yếu ở Cty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Tuy nhiên, người chăn nuôi lớn không muốn xuất bán lẻ do e ngại người mua có thể đem dịch vào cơ sở chăn nuôi, dẫn đến những hộ giết mổ nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung thịt lợn.
Hộ giết mổ phải mua của thương lái, làm cho giá lợn thịt ở một số khu vực tăng cao. Ngoài ra, giá lợn tăng cao còn do yếu tố tâm lý lo lắng thị trường trong nước thiếu nguồn cung. Người chăn nuôi có tư tưởng găm hàng, nuôi lợn lên đến 170-180kg/con thay vì 90-110kg như thông thường để chờ tăng giá. Việc này đã tạo ra tình trạng khan hiếm nguồn cung tại một số địa phương.
Hiện, giá thịt lợn có thời điểm cao gấp hơn 2 lần so với các loại thực phẩm khác như cá, trứng các loại, thịt gà, đậu đỗ,… Theo ThS, BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) thì người tiêu dùng có thể lựa chọn những thực phẩm thay thế có giá tiền thấp hơn như: cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng, nhưng giá trị dinh dưỡng cũng rất cao và tốt cho sức khỏe.
Khi chọn thực phẩm, người tiêu dùng cần lưu ý, đối với thịt (lợn, gà, bò...) cần chọn những loại có màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, không có mùi lạ, mùi ôi thiu, mùi thuốc kháng sinh. Màu sắc bình thường, thịt lợn màu hồng tươi, thịt bò màu đậm vừa phải không quá sẫm), thịt trâu màu tím đỏ; khối thịt săn chắc, có độ dính, mềm và đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra; mỡ lợn màu trắng, dày bì không có những chấm xuất huyết màu đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu...
Đối với cá, cần chọn loại tươi, tốt nhất là cá đang sống. Nếu cá vừa mới chết nhưng thân cá co cứng khi để cá lên bàn tay thân cá không thõng xuống; mắt cá trong suốt, nhãn cầu lồi, giác mạc đàn hồi, miệng ngậm cứng; mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế không có nhớt và không có mùi hôi; vây tươi, sáng óng ánh, dính chặt vào thân, không có niêm dịch hoặc có ít niêm dịch trong, không có mùi ươn ôi; bụng lép, không phình, hậu môn thụt sâu và màu trắng nhạt.
Đối với mực nên chọn con to, dày mình, trắng trong, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang. Với mực ống thì chọn con có lớp thịt màu sáng hơi hồng, đầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ. Trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, trứng có đủ các thành phần dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, can-xi, sắt, kẽm, se-len, vi-ta-min B12, vi-ta-min D, các a-xít béo, a-xít béo no, a-xít béo không no, cholesterol... Thực phẩm chế biến sẵn (giò, chả, thịt hun khói, đồ đông lạnh...) cần chọn sản phẩm có thương hiệu, cơ sở sản xuất uy tín, đầy đủ nhãn mác, thành phần dinh dưỡng, ngày sản xuất, hạn sử dụng…