WHO cảnh báo làn sóng thứ hai ở những khu vực dịch Covid-19 giảm

Các quốc gia, nơi tình trạng nhiễm virus Corona đang giảm, vẫn có thể phải đối mặt với đỉnh điểm thứ hai ngay lập tức nếu họ nới lỏng hạn chế quá sớm để ngăn chặn sự bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết.

Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo nguy cơ làn sóng thứ hai của dịch bệnh Covid-19 có thể bùng phát nếu các quốc gia nới lỏng các hạn chế quá sớm - Ảnh: Reuters

“Thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng bùng phát virus Corona đầu tiên”, bác sĩ Mike Ryan, người đứng đầu bộ phận trường hợp khẩn cấp của WHO nói trong một cuộc họp ngắn, và lưu ý rằng trong khi các trường hợp nhiễm virus đang giảm ở nhiều quốc gia, dịch bệnh vẫn đang gia tăng ở Trung và Nam Mỹ, Nam Á và Châu Phi.

Bác sỹ Ryan cho biết, dịch bệnh thường xuất hiện theo đợt, điều đó có nghĩa là dịch bệnh có thể quay trở lại vào cuối năm nay, tại những nơi mà đợt sóng đầu tiên đã lắng xuống. Cũng có khả năng tỷ lệ lây nhiễm sẽ tăng trở lại nhanh hơn, nếu các biện pháp ngăn chặn làn sóng đầu tiên được dỡ bỏ quá sớm.

“Khi chúng ta nói về một làn sóng thứ hai một cách cổ điển, điều chúng ta thường nghĩ là sẽ có một đợt bệnh đầu tiên, và sau đó nó tái phát nhiều tháng sau đó. Đó có thể là một thực tế đối với nhiều quốc gia trong một vài tháng” bác sỹ Ryan nói.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thức được thực tế rằng, căn bệnh này có thể tăng lên bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể đưa ra các giả định rằng, chỉ vì căn bệnh này đang giảm dần và nó sẽ tiếp tục giảm và chúng ta sẽ có một vài tháng để sẵn sàng cho đợt thứ hai. Chúng ta có thể có một đỉnh dịch thứ hai ngay trong làn sóng này”.

Người đại diện của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ “nên tiếp tục áp dụng các biện pháp xã hội và y tế công cộng, các biện pháp giám sát, kiểm tra và chiến lược toàn diện, để đảm bảo rằng dịch bệnh tiếp tục đi theo quỹ đạo đi xuống, và chúng ta không có ngay lập tức đỉnh thứ hai”.

Nhiều quốc gia châu Âu và các tiểu bang của Hoa Kỳ đã thực hiện các bước trong những tuần gần đây để dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh nhưng gây ra tác hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế.

Cho đến hiện tại, thế giới ghi nhận 5.582.391 người nhiễm Covid-19 và 347.563 người tử vong. 

Theo Công Luận