Ưu, nhược điểm từ dịch vụ đi chợ hộ trong mùa dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc người tiêu dùng hạn chế ra đường là điều kiện tiên quyết để thực hiện phòng, chống dịch bệnh. Cũng nhờ đó mà dịch vụ đi chợ hộ đã thu hút sự chú ý của không ít người.

Mô hình dịch vụ đi chợ hộ không mới nhưng ở thời điểm dịch bệnh nguy hiểm như hiện nay thì ngày càng được chú ý và mở rộng quy mô.

Chỉ cần lên facebook, google gõ cụm từ “dịch vụ đi chợ hộ” sẽ ra hàng loạt website, fanpage cung cấp dịch vụ này, cùng với đó là các ứng dụng như Grab, Be, Now... cũng đã mở các dịch vụ đi chợ hộ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Ngoài ra, các ông lớn trong ngành thực phẩm như Vinmart, Coop mart, Big C… cũng đẩy mạnh dịch vụ giao hàng tận nơi đồng thời tăng nguồn cung hơn 40% so với ngày thường. 

Cụ thể, các đơn vị này sẽ đăng tải thông tin, giá cả các loại thực phẩm (bao gồm tươi sống, khô, đông lạnh không sơ chế hoặc có sơ chế, sản phẩm chế biến sẵn) trên website bán hàng. Nếu có nhu cầu đặt hàng, người tiêu dùng sẽ ấn trực tiếp vào sản phẩm trên website, cho vào giỏ hàng. Người tiêu dùng cũng có thể đặt hàng qua app, nhắn tin qua tổng đài hay gọi điện trực tiếp, nhắn tin qua facebook. 

Được biết, sau khi nhận được đơn hàng, đơn vị, cá nhân cung cấp dịch vụ sẽ xác nhận bằng điện thoại, tin nhắn; gửi hóa đơn qua email để người tiêu dùng kiểm tra loại thực phẩm cũng như tổng chi phí phải trả. Đơn hàng thường sẽ được chốt vào khoảng từ 21g đến 22g mỗi ngày. Đơn hàng sẽ được bắt đầu giao cho người tiêu dùng từ 8g sáng tới 18g ngày hôm sau tùy yêu cầu.

Nếu như vài tháng trước, chị Vân (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hàng ngày vẫn thường đi chợ cóc gần nhà để mua thực phẩm cho gia đình ăn thì suốt 1 tháng nay chị Vân chỉ dám đi chợ hoặc siêu thị 1 tuần/lần. 

“Hai tuần qua, công ty mình cho nhân viên được ở nhà làm online hạn chế ra ngoài. Bởi thế, mình cũng không đi chợ hay đi siêu thị như trước mà mình chuyển qua sử dụng ứng dụng mua sắm online. Cứ khoảng 2 ngày mình lại order (đặt hàng) dịch vụ đi chợ hộ. Theo đó các tài xế công nghệ sẽ giúp mình mua sắm những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày. Mình chỉ phải mất giá cước khoảng 5.500 đồng/km và 50.000 đồng cho mỗi cuốc xe đi chợ giùm là đã có người mua giúp các loại thực phẩm tại những địa điểm mà mình chỉ định”, chị Vân chia sẻ.

Giống như chị Vân, chị Tuyết ở khu chung cư Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đi chợ bằng cách order dịch vụ đi chợ hộ qua các ứng dụng rất tiện lợi, vì tất cả các danh mục thực phẩm đều có giá niêm yết và hóa đơn rõ ràng: “Nếu đặt dịch vụ đi chợ hộ mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mình ở nhà chỉ việc chi trả cước phí hiển thị trên ứng dụng. Sau đó thanh toán cho tài xế tổng giá trị hàng hóa mà họ đã mua hộ. Số tiền thu hộ bằng với giá trị trên hóa đơn”, chị Tuyết nói.

Việc ở nhà và nhận giao hàng dù có nhiều ưu điểm nhưng có lúc đơn hàng cũng bị giao trễ. Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi đơn hàng bị giao muộn, anh Mạnh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay: “Hôm trước, tôi đặt thử dịch vụ đi chợ hộ vào lúc 17g, hệ thống thông báo sẽ giao dự kiến trong 1 - 2 tiếng vậy mà đến tận hơn 20g hàng của tôi vẫn còn đang nằm trên kệ, chưa thấy có ai đi giao. Tôi đã liên hệ gọi điện tổng đài chỉ nhận được một câu là hệ thống bên em quá tải và anh vui lòng đợi, nếu anh đợi lâu bên em có thể hủy đơn giúp”.

Không riêng anh Mạnh, chị Hằng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, chị đặt mua hàng của một cửa hàng có dịch vụ đi chợ hộ, bình thường 2 - 3 tiếng là họ giao đến nhưng có những ngày phải đến ngày hôm sau chị mới nhận được hàng.

“Chẳng hạn chiều nay đặt thì khoảng 12 giờ trưa mai họ mới giao. Khi gọi điện lên tổng đài nhân viên cho biết nhu cầu mua online tăng đột biến nên hàng giao không kịp”, chị Hằng cho biết thêm. 

Trong khi đó, theo chị Mai (Cầu Giấy, Hà Nội), chị thường đặt dịch vụ đi chợ hộ qua ứng dụng trực tuyến, sau khi tổng đài xác nhận, thì mốc thời gian 1 - 2 tiếng giao tới nơi là từ lúc đơn hàng được bên ship nhận chứ không phải khi là khi hoàn thành order trên website, đây là điều mà người tiêu dùng cần xác định rõ khi đặt dịch vụ đi chợ hộ để tránh cảm thấy mình được phục vụ chưa được chu đáo trong mùa dịch.

Theo đại diện một cửa hàng có dịch vụ đi chợ hộ ở khu vực quận Bắc Từ Liêm, hiện do nhu cầu của người dân ngày càng cao trong mùa dịch nên đôi lúc việc giao hàng có thể không theo dự kiến, có thể chậm hơn là điều khó tránh khỏi và khách hàng nên thông cảm. Lời khuyên được đưa ra là người tiêu dùng muốn nhận hàng vào đúng thời điểm mà mình mong muốn thì nên đặt trước 1 ngày để tránh bị động, ngoài ra việc đặt hàng trước, đặt hàng sớm có thể giúp cho người tiêu dùng lựa chọn được những sản phẩm mình mong muốn một cách cụ thể hơn.


Theo Nguyễn Đăng/Pháp luật & Xã hội