Doanh nghiệp khỏe hưởng lợi
Ðể tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, một cơ chế ưu đãi thuế có hiệu lực từ đầu tháng 8 này.
Theo đó, tại Nghị quyết 116/2020/QH14, Quốc hội cho phép giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng.
Theo ý kiến từ Bộ Tài chính, do doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, nên hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đều có cơ hội được hưởng cơ chế ưu đãi thuế trên.
Dẫu vậy, ý kiến từ doanh nghiệp cho rằng, đó là về lý thuyết. Còn trên thực tế, doanh nghiệp không dễ được thụ hưởng ưu đãi về thuế.
Trao đổi với phóng viên Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) nhìn nhận, chính sách ưu đãi thuế trên là sự chia sẻ của Nhà nước với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, chính sách ưu đãi này chỉ phát huy tác dụng hỗ trợ với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Cùng góc nhìn trên, Tổng Giám đốc một công ty niêm yết trên HOSE cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp thua lỗ nên một lượng đáng kể doanh nghiệp mặc nhiên không được hưởng lợi từ cơ chế giảm thuế thu nhập thu nhập.
Mặt khác, để được giảm thuế, doanh nghiệp phải chứng minh được hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn do chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, việc quản lý hồ sơ, giấy tờ tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ không bài bản.
Chính sách ưu đãi thuế trên chỉ hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm ăn có lãi, trong khi không ít doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán từ quý II/2020 thua lỗ. Bởi vậy, có ý kiến cho rằng, kết quả kinh doanh quý III/2020 của các doanh nghiệp trên sàn tiếp tục có sự phân hóa mạnh hơn.
Chờ hướng hỗ trợ mới
Làn sóng Covid-19 thứ hai diễn biến phức tạp và dự báo để lại hệ quả nặng nề hơn tới nền kinh tế, tới sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thua lỗ, phá sản dự báo sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Vì vậy, chính sách hỗ trợ theo hướng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ không phát huy nhiều hiệu quả trong tiếp sức cho doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp đang trông đợi cơ quản lý nghiên cứu triển khai các hình thức tiếp sức mới.
Ý kiến từ một số doanh nghiệp cho rằng, trước khi tính đến cơ chế ưu đãi, Chính phủ cần xem xét khắc phục bất cập của quy định hiện hành về thuế. Dẫn thực tế từ hoạt động của LSS, ông Tam cho biết, hiện nay thuế giá trị gia tăng đầu ra đang có sự chênh lệch lớn giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất đường trong nước đang phải chịu mức thuế 10%, nhưng doanh nghiệp ngoại được hưởng cơ chế thuế ưu đãi chỉ bằng một nửa.
Ngoài việc khắc phục bất cập trên, ông Tam cũng kiến nghị cơ quan quản lý cần nghiên cứu giảm mức thuế giá trị giá tăng đầu ra để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp ngành mía đường như LSS đang có lượng hàng tồn kho lớn, do sức mua của thị trường suy giảm. Nếu thuế giá trị gia tăng đầu ra giảm sẽ góp phần giảm giá bán đường ra thị trường, tăng cơ hội giải phóng hàng tồn kho”, ông Tam trông đợi.
Một hướng hỗ trợ khác là cần có các gói tín dụng với lãi suất thấp hơn, để góp phần cắt giảm chi phí.
Với những công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, có sức khỏe tài chính tốt, không phát sinh nợ xấu, hiện nay, mức lãi suất ưu đãi mà doanh nghiệp được vay là khoảng 6,5%/năm, chỉ thấp hơn so với trước thời điểm chưa xảy ra dịch chưa đến 1%/năm.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng, mức lãi suất cho vay giảm về 5,5%/năm là phù hợp.
Lãnh đạo của CTCP Ðầu tư IDJ Việt Nam thì cho rằng, điều doanh nghiệp cần hơn lúc này là giúp cho họ các yếu tố để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cơ quan quản lý cần có những giải pháp về khai mở thị trường để tiếp sức cho doanh nghiệp có đầu ra.