Bắt đầu khởi nghiệp khi bước sang tuổi 25
Chị Phương Thúy xuất phát từ một nhân viên viên chức của trường Đại Học Công nghiệp Hà Nội. Với mơ ước là muốn thay đổi cuộc sống và phát triển bản thân nên chị Thúy đã quyết định sang Úc du học ngành Quản trị kinh doanh (QTKD).
Sang tới Úc, chị Phương Thúy thấy cuộc sống con người nơi đây cũng phải sống và làm việc theo guồng quay nhất định nếu cũng chỉ làm nhân viên hay công chức...
"Tôi bắt đầu có ý tưởng mình nên làm kinh doanh, lý do có suy nghĩ như vậy là vì tôi học về ngành QTKD nên cũng sẽ có nền tảng nhất định, làm kinh doanh khiến tôi cảm thấy mình có cơ hội biến bản thân thành năng động, hiểu biết, chủ động trong thời gian và kinh tế...", chị Phương Thúy chia sẻ.
"Bố mẹ tôi là cán bộ công chức thuần túy, mọi người cũng muốn con cái có cuộc sống ổn định vì thế khi bước đầu quyết định khởi nghiệp làm kinh doanh bố mẹ tôi vô cùng lo lắng, đặc biệt mẹ khóc rất nhiều... Nhưng vì tin tưởng tôi nên sau đó bố mẹ cũng ủng hộ và tới tận bây giờ bố mẹ tôi vẫn hỗ trợ cho tôi", chị Phương Thúy tâm sự.
Tìm đến kinh doanh với một tư duy là phải kinh doanh gì để còn được lâu dài và bền vững... lúc đó chị Phương Thúy nghĩ ăn và uống là thứ con người không thể thiếu trong cuộc sống và nếu làm tốt thì sẽ được lâu dài. Có ý tưởng, chị bắt đầu đi tìm hiểu về cuộc sống người Việt kinh doanh ẩm thực tại Úc... Từ đó, chị lên ý tưởng và khởi nghiệp khi bước sang tuổi 25.
Khi còn là học sinh hay đã làm nhà nước, chị Phương Thúy cũng chăm chỉ làm thêm. Ngày đó, chị mua một mảnh đất nhỏ khi còn đi làm, cũng chỉ có tư duy là cất để đó. Nhưng cũng may mắn, khi chị mở cửa hàng đầu tiên tại Úc đã bán miếng đất, cộng thêm việc bố mẹ vay mượn cho chị... và chị đã đủ vốn làm cơ sở bên Úc.
Những khó khăn gặp phải của người phụ nữ khởi nghiệp trên đất khách
Địa điểm thuê cửa hàng bị người khác ép mua lại, tăng giá nhà, chị Phương Thúy cũng có hiểu biết nhất định về luật kinh doanh nên chị và luật sư đã thắng vụ kiện dân sự để dành lại được.
Quản lý cửa hàng của chị bị mua chuộc, bên cạnh tranh thuê bà với mức lương cao để tìm cách lấy kinh nghiệm từ bà... nhưng trước khi mở cửa hàng chị cũng không có ý tưởng phụ thuộc vào bất cứ một nhân viên nào. Nên việc đó cũng chỉ làm chị khó khăn trong vòng 2 tuần.
Vì là người Việt nên chị cũng chưa có nhiều am hiểu về nghề nơi đây. "Chúng tôi gần như vắt kiệt sức lao động trong vòng 3 tháng đầu nhận bàn giao... ngày chúng tôi chỉ nghỉ 2-3 giờ, nhưng đổi lại sau 3 tháng, chúng tôi nắm vững được phương thức làm sản phẩm và cách vận hành cửa hàng từ họ", chị Phương Thúy chia sẻ.
Ngoài ra, chị không thể tránh khỏi con mắt kỳ thị người dân nơi đây và đặc biệt chị cũng lại là đối tượng cạnh tranh của dân bản xứ (những người đang kinh doanh khu vực Dunedoo, Úc). "Tôi gặp không ít khó khăn khi họ còn cho người nói xấu chúng tôi... nhưng cách tôi có thể đứng vững được đó là tôi làm đúng theo nguyên tắc kinh doanh, làm chuẩn từ chất lượng đến phục vụ. Thì dù có cạnh tranh tôi cũng sẽ cạnh tranh lành mạnh nhất", chị Phương Thúy tâm sự.
Không chỉ vậy còn do chọn địa điểm kinh doanh xa trung tâm thành phố tới 400km nên việc mua đồ và vận chuyển hàng hóa rất khó khăn... nhưng chị Phương Thúy cũng cho đó là một lợi thế vì còn theo học trên thành phố nên chị cũng tận dụng để vừa đi học và kết hợp lấy đồ cho cửa hàng.
Ngoài những khó khăn khi mới khởi nghiệp kể trên, chị còn gặp phải tình huống khách hàng làm ầm lên vì nói bánh của chị có gián trong đó và họ đi báo công an. Trên thực tế, họ cố tình chơi xấu chị và cuối cùng chị cũng đã giải quyết được việc đó một cách rõ ràng nhất...
Trở ngại nữa là về văn hóa ngôn ngữ. "Do tại cửa hàng, mọi người thỉnh thoảng do thói quen và tiện giao tiếp... chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Khách hàng đã đến và yêu cầu cần tôn trọng họ, nên giao tiếp ngôn ngữ của họ... điều đó cũng là bài học kinh nghiệm của tôi", chị chia sẻ về những khó khăn gặp phải bên đất khách.
Khởi nghiệp khi còn trẻ và lại bên đất khách, cuộc sống của chị Phương Thúy bận rộn hơn, mọi thứ cần phải sắp lại... Từ gia đình, con cái, chị cũng phải lên kế hoạch để dành thời gian dạy con học tiếng Việt, chăm sóc cũng như sắp xếp công việc học tập của bản thân. Gần như chị không còn có thời gian cho việc nghỉ ngơi, thư giãn. Theo chị, đây là sự thiệt thòi lớn nhất cho tuổi thơ của con mình. Bố và mẹ chị dù đang đi làm công chức cũng phải xin nghỉ phép để thay nhau sang hỗ trợ bên Úc.
"Tôi cũng từng có thời gian khoảng 3 năm khi bắt đầu khởi nghiệp không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, không biết mua một bộ đồ mới cho mình", chị bộc bạch.
Từ ý tưởng kinh doanh kết hợp mô hình này, hiện tại chị cũng đang theo đuổi và tìm hiểu một loại hình sản phẩm có thể kết hợp với mô hình kinh doanh đồ ăn uống. Chị đang thực hiện dự án đó và sẽ có kết quả sớm trong thời gian tới.