"Đừng vì muốn nhanh mà ta cứ phóng hết tốc độ. Muốn nhanh thì phải từ từ" - đây là quan điểm của ông Trần Bằng Việt, Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu (JCI) tại Việt Nam, Chuyên gia tư vấn cao cấp & Tổng giám đốc Đông A Solutions, khi chia sẻ góc nhìn về vụ việc chuỗi Soya Garden đã đóng cửa 27/50 điểm bán hàng chỉ sau 01 tháng dịch bệnh Covid-19 hoành hành tại Việt Nam.
Cái tên Soya Garden đặc biệt gây chú ý trong thời gian gần đây, khi là cái tên hiếm hoi trong lĩnh vực F&B (đồ ăn và thức uống) nhận vốn đầu tư khủng lên tới 100 tỷ đồng. Từng có thời điểm, chuỗi đồ uống sữa đậu nành Việt Nam cán mốc 50 cửa hàng và tham vọng đạt mục tiêu 300 cửa hàng trong năm 2020, đồng thời có mặt tại các thị trường trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản...
Chuyên gia Trần Bằng Việt đánh giá: "Với hiệu quả kinh doanh suy giảm trong và sau đại dịch Covid, việc các doanh nghiệp F&B như Soya Garden đóng cửa bớt các điểm bán không hiệu quả và chuyển đổi mô hình kinh doanh là việc bình thường, và nên được đón nhận một cách rộng lượng".
Phía Soya Garden cho biết, việc liên tiếp đóng cửa nhiều chi nhánh là nhằm thay đổi mô hình kinh doanh để phù hợp hơn với thị trường. Cụ thể, chuỗi Soya Garden sẽ tập trung duy trì các cửa hàng đang kinh doanh tốt, cùng với đó là phát triển mô hình kios nhỏ, đồng thời đẩy mạnh mảng giao hàng hơn trong thời gian tới.
Thực tế, câu chuyện của Soya Garden là một ví dụ trong rất nhiều những thương hiệu tại Việt Nam buộc phải đóng cửa, hoặc cắt giảm số lượng cửa hàng trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Chung quay bài toán mà các doanh nghiệp gặp phải chính là doanh thu sụt giảm không đủ bù chi phí như: mặt bằng, nhân sự...
Trong khi nhiều ý kiến chỉ tập trung tranh luận về yếu tố sản phẩm, mà cụ thể là thức uống liên quan tới đậu nành của Soya Garden, thì dường như các tiêu chí về mặt bằng, tài chính, dòng tiền xoay vòng, hay nguồn vốn lại bị xem nhẹ.
Theo CEO một chuỗi cà phê có tiếng tại Hà Nội, sản phẩm dù là sữa đậu nành, cà phê hay sữa chua đều phải tính toán tới dung lượng thị trường, cũng như chiến lược kinh doanh hiệu quả. Nếu dung lượng thị trường còn hạn chế, việc mở điểm nhanh, đầu tư lớn hầu như không có nhiều tác dụng, mà điều này chỉ khiến chi phí vận hành trở thành gánh nặng với mô hình chuỗi.
Vị CEO cho rằng, thay vì phải chạy theo trào lưu, liên tục tạo ra các sản phẩm, thị trường mới, các chuỗi F&B cần nghiên cứu kĩ về khẩu vị của khách hàng, sau đó là duy trì chất lượng đồ uống, chất lượng phục vụ, và tiếp tới là tạo ra một không gian thoải mái.
Điểm mấu chốt theo CEO này là doanh nghiệp cần tìm ra "công thức kinh doanh", trước khi nghĩ tới việc nhân rộng mô hình, nói cách khác là hình thành chuỗi. "Điều này giải thích tại sao, nhiều bạn trẻ mở được 5 - 7 cửa hàng hoạt động rất trơn tru, nhưng khi tiến lên 10-20 cửa hàng ngay lập tức gặp thất bại. Bởi để làm chuỗi, câu chuyện rất khác, từ đào tạo nhân sự, chất lượng sản phẩm cho tới định vị khách hàng", vị CEO nói.
Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được đánh giá là bước vào giai đoạn vàng, khi mức thu nhập của các hộ gia đình tăng trưởng 10,4% mỗi năm, thu nhập trung bình các cá nhân tăng trưởng khoảng 20,0% mỗi năm, theo Fitch Solutions và EIU.
Hơn nữa, theo Nielsen, niềm tin của người tiêu dùng Việt đạt 128 điểm trong Quý 3/2019 nhờ triển vọng công việc và tài chính cá nhân được cải thiện.
Doanh thu bán lẻ tăng tốc khi mức chi tiêu của người dân tăng, dự báo sẽ tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 7,0% trong giai đoạn 2019 - 2023, nhanh hơn mức trung bình 6,4% được ghi nhận trong giai đoạn 5 năm qua, theo Fitch Solutions.
Theo quan sát, việc chi tiêu mạnh giúp thúc đẩy doanh số bán lẻ trong 2019 (tăng 12,7% so với cùng kỳ), với sự đóng góp của ngành F&B (tăng 13,2% so với cùng kỳ), hàng gia dụng (tăng 12,7% so với cùng kỳ) và hàng may mặc (tăng 11,3% so với cùng kỳ).
Với mức độ niềm tin của người tiêu dùng duy trì ở mức cao và chi tiêu hộ gia đình tăng, chúng tôi kỳ vọng doanh số bán lẻ của Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng ở mức hai con số vào những năm tới