Theo Bloomberg, Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang hướng tới trở thành thị trường chứng khoán lớn nhất khu vực. Giá trị vốn hoá của chứng khoán Indonesia hiện đạt 529 tỷ USD, sắp vượt qua Thái Lan trong khi thị trường này đang trên đà giảm.
Tháng 5/2019, Thái Lan "qua mặt" Singapore vươn lên vị trí dẫn đầu về vốn hoá, chủ yếu nhờ đồng Baht tăng giá mạnh. Tuy nhiên, với việc giá đồng nội tệ đang giảm và dự báo tăng trưởng kinh tế giảm tốc, SET Index của chứng khoán Thái Lan là chỉ số duy nhất trong khu vực đi xuống ba tháng qua.
Ngược lại, chỉ số Jakarta Composite Index đã tăng 5,5% tính theo giá trị đồng USD trong cùng khoảng thời gian. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đang bắt tay vào thực hiện một loạt dự án cơ sở hạ tầng mới và theo đuổi nhiều cải cách nhằm kích thích nền kinh tế của quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới.
Thị trường chứng khoán Indonesia từng vài lần giữ danh hiệu vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 4/2019. Trước năm 2019, Singapore là "quán quân" khu vực trong phần lớn thời gian kể từ năm 2003 - khi Bloomberg bắt đầu thống kê số liệu này.
"Cơ hội ở Indonesia là rất lớn", Vincent Mortier, phó giám đốc đầu tư tại Amundi Asset Management, công ty đang quản lý số tài sản trị giá 1.560 tỷ Euro (1.740 tỷ USD), nhận định. "Nước này có triển vọng tốt về tăng trưởng kinh tế, bối cảnh chính trị và định giá". Trong khi đó, Mortier hạ xếp hạng của Thai Lan do "nền kinh tế suy yếu".
Ngân hàng PT Bank Central Asia của Indonesia hiện là công ty có giá trị vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 62 tỷ USD, vượt DBS Group Holdings Ltd. của Singapore và PTT Pcl của Thái Lan.
Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, thị trường lớn nhất Đông Nam Á hiện xếp thứ 21 trên toàn cầu. Ngoài ra, tổng giá trị vốn hoá của 8 công ty dẫn đầu thế giới lớn hơn cả thị trường chứng khoán Thái Lan và Indonesia. Các công ty này bao gồm Saudi Aramco của Saudi Arabia, Apple Inc. và Microsoft Corp. của Mỹ.