Hà Nội và TP.HCM sẽ khởi công 3 tuyến metro trong năm nay

Hà Nội và TP.HCM sẽ vận dụng các cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 188/2025/QH15 của Quốc hội, để khởi công 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và tuyến metro số 2 tại TP.HCM.

Sáng 18/4 đã diễn ra Hội nghị quốc tế thông tin về công tác tư vấn thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM và TP. Hà Nội. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 188 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội, TP.HCM. 

Đây là thời điểm thuận lợi để hai thành phố cùng đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống đường sắt đô thị, góp phần giải quyết vấn đề giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

TP.HCM và Hà Nội sẽ khởi công 3 tuyến metro trong năm 2025.

Tại hội nghị, Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, theo quy hoạch mới, TP. Hà Nội có 15 tuyến đường sắt đô thị, chiều dài khoảng 600km. Thành phố chia làm 3 phân kỳ triển khai.

Dự kiến từ 2026 - 2030, Hà Nội sẽ làm khoảng 116km, 7 tuyến với khoảng 15,8 tỷ USD. Giai đoạn này, TP. Hà Nội cũng thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với 8 tuyến cho giai đoạn tiếp theo.

Giai đoạn 2030 - 2035, thành phố sẽ làm khoảng 397km (9 tuyến) với hơn 21,3 tỷ USD, diện tích sử dụng 865ha. Song song đó, ban cũng chuẩn bị đầu tư cho 7 tuyến còn lại cho giai đoạn 2035 - 2045.

Giai đoạn 2035 - 2045 sẽ thực hiện đầu tư toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị với khoảng 18,2 tỷ USD. Đây cũng là giai đoạn Hà Nội hoàn thiện tổng thể 600km đường sắt đô thị.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng cho biết, năm 2025, Thành phố dự kiến khởi công 2 tuyến metro, gồm tuyến metro số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc) và tuyến metro số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Cuối năm 2026 - 2030, Thành phố sẽ thực hiện các đoạn tuyến còn lại của tuyến số 2 và tuyến 3.

Về phía TP.HCM, ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, từ nay tới 2045, Thành phố xác định làm 10 tuyến metro với tổng chiều dài 510km, chia thành hai phân kỳ đầu tư. Từ nay tới năm 2035, Thành phố sẽ làm 7 tuyến, với chiều dài 355km, tổng mức đầu tư khoảng 40,2 tỷ USD, đáp ứng từ 40 - 50% nhu cầu đi lại cho người dân.

Giai đoạn 2035 - 2045, TP.HCM sẽ làm 3 tuyến với chiều dài 155km, tổng mức đầu tư 17,9 tỷ USD, sử dụng khoảng 377ha, đáp ứng 50 - 60% nhu cầu đi lại cho người dân. 

Ông Phan Công Bằng, Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM.

Ông Bằng cũng thông tin về kế hoạch triển khai dự kiến của dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Theo đó, Nghị quyết 188 có nhiều cơ chế thí điểm, đặc thù với mục tiêu hoàn thành dự án. Vì vậy, TP.HCM chia tuyến metro số 2 thành 4 giai đoạn chính, bao gồm: Tư vấn FS (báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng) điều chỉnh, tư vấn thiết kế và tư vấn đấu thầu; tư vấn thẩm tra, báo cáo FS, điều điều chỉnh thiết kế kỹ thuật sơ bộ, thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án,thiết kế; tổ chức đầu thầu gói thầu xây dựng.

Hiện TP.HCM đã quyết định chuyển từ nguồn vốn vay ODA sang sử dụng vốn ngân sách trong nước. Trước mắt, Thành phố sẽ tiến hành công tác tuyển chọn tư vấn, bao gồm tư vấn lập Điều chỉnh dự án - thiết kế kỹ thuật sơ bộ, đấu thầu và tư vấn thẩm tra điều chỉnh dự án - thiết kế kỹ thuật sơ bộ.

Ngoài ra, hội nghị cũng sẽ tiến hành khảo sát, thu thập số liệu, lắng nghe kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước về thực hiện các công việc tư vấn quan trọng. Đơn cử như khảo sát xây dựng, thiết kế kỹ thuật sơ bộ, lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu EPC, tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát cho các tuyến đường sắt đô thị trong thời gian sắp tới.

Được biết, tuyến metro số 2 sẽ kết nối với 2 đô thị lớn là Thủ Thiêm và Tây Bắc (Củ Chi) trong tương lai. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng gần 48.000 tỷ đồng, với chiều dài 11km, sử dụng vốn ngân sách thành phố. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ khởi công vào năm 2025, đến năm 2030 sẽ hoàn thành tuyến metro số 2.

Các dự án metro tại Hà Nội và TP.HCM đều cho phép được thực hiện chỉ định thầu đối với các đơn vị tư vấn, nhà đầu tư. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM đã lập ra một số yêu cầu, danh mục một cách cụ thể hóa để tạo thành cơ sở dữ liệu chung cho Hà Nội và TP.HCM để lựa chọn nhà thầu, tư vấn một cách minh bạch, rõ ràng.

Đối với việc chỉ định thầu các gói thầu đường sắt đô thị, trong đó có tuyến metro số 2, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đã có văn bản xin UBND TP.HCM được chỉ định thầu một số gói thầu cấp bách. Công việc nào tư vấn trong nước làm được sẽ ưu tiên, giao cho tư vấn trong nước; trường hợp tư vấn trong nước không làm được sẽ giao cho tư vấn nước ngoài.

Còn Sở Xây dựng TP. Hà Nội được giao nghiên cứu phương án tích hợp hệ thống, nghiên cứu điều chỉnh trong quy hoạch, đồng bộ hệ thống sau khi hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị./.

Theo Trần Hải/Reatimes.vn (https://reatimes.vn/du-no-cho-vay-bat-dong-san-cao-nhat-nhieu-nam-no-xau-cua-vietbank-tang-manh-no-co-kha-nang-mat-von-gan-1500-ty-dong-202250409105531579.htm)