Là tổng bếp trưởng của một tập đoàn lớn, hàng ngày phải tiếp xúc, kiểm tra vài tạ thực phẩm nên anh Tuấn hiểu rất rõ về mối nguy hại của nguồn rau củ không an toàn. Thêm niềm đam mê với vườn tược cây cối cùng mong ước có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình nên anh Tuấn đã nghiên cứu xây dựng mô hình trồng rau trên sân thượng.
Sân thượng nhà anh Tuấn có hàng trăm loại cây trái khác nhau
Tận mắt chiêm ngưỡng không gian trên sân thượng của anh Tuấn, nhiều người không khỏi trầm trồ với vườn rau, cây trái mơn mởn nụ trái. Thậm chí anh còn nuôi hẳn một đàn gà mái tơ cho trứng mỗi ngày.
Đàn gà gần 20 con được anh Tuấn nuôi lấy trứng và thịt
Nhìn những ngọn rau muống xanh mướt, cây đu đủ trĩu quả, giàn bầu, bí lúc lỉu trên đầu, thậm chí vào vụ, vườn xà lách, bắp cải, su hào “chen chân” mọc trên sân thượng giữa thành phố đủ khiến bất cứ ai cũng ghen tị.
Chia sẻ với báo Gia đình Việt Nam, anh Tuấn cho biết: “Vườn cây sân thượng được mình bắt đầu trồng đầu năm 2016 sau khi đã hoàn thành xong ngôi nhà kiên cố”.
Anh Tuấn bắt đầu trồng rau trên sân thượng từ năm 2016 và đảm bảo nguồn rau sạch cho gia đình
Anh kể, bản thân đã đầu tư khoảng 30 triệu đồng để xây dựng hệ thống khung giàn kiên cố. Bên cạnh đó, anh còn thiết kế chân kệ để kê cao các chậu rau, vừa tạo hàng lối vừa giúp tránh thấm trần khi tưới nước cho rau quả.
Một điều anh Tuấn đặc biệt lưu ý tới những người muốn trồng rau trên sân thượng đó chính là hệ thống chống thấm và thoát nước.
Rau củ trồng theo mùa được anh Tuấn sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng
“Nên làm chống thấm mái bằng lớp nhựa sika quét một lớp lên mái và trải lớp lưới thuỷ tinh dành cho chống thấm. Ngoài ra nên xây dựng sau đó quét lại một lớp sika phủ lên, gấp các mép lưới cao lên chân tường ở mặt mái ít nhất 5-7cm sau đó mới cán nền và lát gạch để đảm bảo lâu dài nước không thấm xuống mái trần”, anh Tuấn chia sẻ.
Về phương pháp trồng cây, anh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm: “Việc trồng rau trên sân thượng yếu tố tối quan trọng như các cụ ta xưa thường nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần tứ giống”. Trên sân thượng thì yếu tố giữ nước và tưới nước là vô cùng quan trọng vì nắng và gió rất khắc nghiệt”.
Để chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, anh Tuấn chỉ việc lên tầng và lựa chọn loại rau yêu thích, vừa tươi ngon lại đảm bảo an toàn
Ngoài ra, theo anh Tuấn các yếu tố khác cũng cần quan tâm khi trồng rau sân thượng đó là đất trồng phải đạt độ tơi xốp để cây có thể hấp thụ dinh dưỡng và quang hợp ánh sáng nhanh mà thoát nước cũng phải nhanh .
“Tỷ lệ mình trộn đất như sau: 60% là đất thịt pha cát hay còn gọi là đất màu, cái này phải mua hoặc đi xin tại các cánh đồng trồng màu. 40% còn lại là trộn thêm phân bò, phân gà hoai mục, tro, trấu hun, trấu tươi, xơ dừa để tạo độ tơi xốp cho cây, cứ sau một vụ khi trồng mới mình lại bổ sung thêm dinh dưỡng là các loại tro trấu, phân… để trong quá trình trồng cấy cây hút bớt dinh dưỡng cũng như mưa gió bị rửa trôi thì sau đó đất vẫn đủ dinh dưỡng cũng cấp cho cây trồng” – anh Tuấn cho hay.
Dàn bí, dưa leo, dưa chuột xanh mơn mởn trên sân thượng giữa thủ đô đầy bê tông, cốt thép
Anh Tuấn tự hào về vườn rau sạch 100%: “Rau mình trồng là hoàn toàn là rau organic sử dụng phân hữu cơ từ chất thải của gà được ủ men vi sinh làm nguồn dinh dưỡng cho cây. Ngoài chất thải từ nuôi gà mình sử dụng thêm các loại phân hữu cơ khác như phân trùn quế, phân bò hoai mục và tưới nước ngâm từ sản phẩm thừa như nước gạo ngâm chua gốc rau, vỏ trứng ngâm ủ cùng men vi sinh Tricho”.
Con gái anh Tuấn háo hức chăm sóc đàn gà và mảnh vườn trên sân thượng
Không chỉ là vườn rau xanh, anh Tuấn còn khiến nhiều người kinh ngạc bởi có thể nuôi hàng chục con gà đẻ trứng ngay trên sân thượng. Anh kể, bản thân ban đầu cũng không dám nghĩ tới việc nuôi con gì trên sân thượng nhưng rồi tham khảo nhiều mô hình, anh phát hiện ra bí quyết riêng.
Giàn bí sai quả, bắt mắt trên sân thượng
Về việc nuôi gà anh Tuấn cho biết: “Muốn nuôi gà trên sân thượng đặc biệt phải làm chuồng cao, thoáng. Kích thước chuồng gà mình làm dài 1,6m - cao 90cm - rộng 80cm, có khay hứng phân, máng cho ăn, cho uống ở bên ngoài. Bên cạnh đó, phải có phần mái che, có thể tận dụng giàn bí, mướp, bóng cây leo để che mát cho chuồng gà vào mùa hè”.
Kinh nghiệm của anh Tuấn để nuôi được gà trên sân thượng cần một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó là việc làm đệm lót sinh học cho sàn nền nơi gà đứng bới và thải ra. Phần đệm lót sinh học này được làm từ cát đen phơi khô 60%, cát vàng phơi khô 20% - trấu 20% trộn đều với nhau và rắc thêm lớp khử mùi chuồng trại BASALA trên sàn chuồng. Như vậy, nền chuồng trại sẽ luôn khô thoáng, sạch sẽ và không bốc mùi.
Sau nhiều công vun trồng, tưới tắm, chăm sóc, anh Tuấn hào hứng cho biết, giờ đây, gia đình anh gần như đã có thể tự cung tự cấp được nguồn thực phẩm từ rau sạch, thịt thà, trứng... cho 5 người trong gia đình mà không phải đi chợ hay siêu thị. Thậm chí, bữa ăn còn đầy đủ vitamin với đủ loại cây trái theo mùa, vừa sạch vừa đảm bảo dinh dưỡng, tươi ngon.
Nhờ mảnh vườn, gia đình anh có thêm khoảng không gian xanh để thư giãn
Anh Tuấn cũng rất vui vì với vườn rau này, gia đình anh có thêm khoảng không gian xanh, giảm căng thẳng, thư giãn, vừa là động lực cho các thành viên tham gia lao động, rèn luyện sức khỏe.
“Là một đầu bếp với 20 năm kinh nghiệm mình thấy việc tự trồng rau và nuôi gà là điều thực sự rât có ích cho gia đình về sức khoẻ. Vườn rau giúp cung cấp cho gia đình một nguồn thực phẩn sạch và an toàn đúng nghĩa. Ngoài ra nó còn tạo sự gắn kết giữa các thành viên gia đình với nhau khi những ngày nghỉ cùng nhau lên vườn làm vườn, chăm rau nuôi gà rồi sau đó cả nhà lai quây quần cùng nhau bên mâm cơm thưởng thức những sản phẩm do chính tay mình tạo ra từ mái của ngôi nhà thân yêu. Điều đó thật thú vị!”, anh Tuấn chia sẻ thêm.