Cứ 2 người sẽ có 1 người biết mua hàng online

Tới năm 2025, trung bình cứ 2 người sẽ có 1 người biết và tham gia mua hàng online là mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025…

Bà An (65 tuổi) quê ở Nghệ An ra Hà Nội để chăm cháu, khi còn ở quê bà chỉ biết đến công việc ngoài đồng ruộng, thậm chí với bà những chiếc điện thoại "cục gạch" còn khó sử dụng chứ đừng nói tới những chiếc smartphone.

“Tôi ở nhà chủ yếu chỉ dùng điện thoại cố định để liên lạc với các con cháu ngoài Hà Nội, có việc gì thì chúng đều gọi cho tôi, từ khi lên Hà Nội trông cháu thì tôi được các con trang bị thêm cho một chiếc điện thoại di động để liên lạc, cũng phải mày mò mãi mới biết cách sử dụng. Nhưng mới đây con gái tôi đưa cho tôi chiếc điện thoại smartphone cũ của cháu đang dùng và bảo mẹ lấy dùng rồi thỉnh thoảng còn vào mạng để xem tin tức”, bà An chia sẻ.

Sau thời gian được con gái đưa cho chiếc smartphone cũ bà An hầu như ngày nào cũng phải đi hỏi hết các con, các cháu rồi tới hàng xóm để biết… cách dùng. Rồi sau khoảng hơn 1 tháng sử dụng bà An đã bắt đầu biết sử dụng những tiện ích có trên chiếc điện thoại thông minh này, từ cập nhật tin tức đến xem phim, nghe nhạc…

Việc mua sắm trực tuyến đang dần trở thành thói quen của không ít người.

Thời gian vừa rồi do tác động của dịch bệnh Covid-19, con gái bà An chủ yếu sử dụng smartphone để mua hàng hóa thiết yếu cho gia đình, thấy tiện lợi bà An cũng đề nghị con hướng dẫn mình cách sử dụng các dịch vụ đó. Và khi tình hình dịch bệnh đã được khống chế, bà An cũng không còn muốn xách làn đi chợ như mọi khi nữa. “Giờ tôi thường bảo con chủ động đặt mua hàng online, vừa tiện lợi, vừa bảo đảm nguồn hàng an toàn”, bà An cho biết.

Thậm chí, có những ngày khi con gái bận công việc bà An cũng có thể tự mình sử dụng các dịch vụ mua hàng trực tuyến để… “đi chợ”. “Tôi không nghĩ mình đã ở vào độ tuổi này rồi mà vẫn còn có thể mua sắm hàng hóa trên mạng như vậy, công nghệ thực sự mang lại lợi ích cho xã hội, với những người cả đời chưa biết tới ứng dụng công nghệ mới, nhưng khi về già nếu chịu khó học hỏi thì cũng có thể sử dụng các ứng dụng này một cách dễ dàng”, bà An nói.

Trên thực tế, việc sử dụng công nghệ để mua sắm đã không còn quá xa lạ với nhiều người, thậm chí với cả những người cao tuổi. Được biết, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu của Kế hoạch này là đến năm 2025, 55% dân số Việt Nam sẽ tham gia mua sắm trực tuyến. Giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến tại Việt Nam đạt trung bình 600 USD/người/năm. Về hạ tầng dịch vụ phụ trợ cho thương mại điện tử, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt qua thương mại điện tử đạt 50%. Chi phí trung bình cho chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chặng cuối chỉ chiếm 10% giá thành sản phẩm trong thương mại điện tử.

Các dịch vụ giao hàng cũng đã phát triển rầm rộ khi hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên thông dụng.

Kế hoạch đặt ra yêu cầu 70% các giao dịch mua hàng hóa trên website/ứng dụng thương mại điện tử phải có hóa đơn điện tử. Việt Nam sẽ xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử trong tương lai…

Để làm được điều này, Chính phủ đã đề ra nhiều nhóm giải pháp nhằm biến mục tiêu trên trở thành sự thực. Trong đó có việc hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ tìm cách tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử, đồng thời tiến hành các giải pháp để xây dựng thị trường và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.



Theo Nguyễn Đăng/Báo Pháp luật & Xã hội