Covid-19: Bài kiểm tra khắt khe với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu

Ngày hôm nay, dù đại dịch chưa kết thúc, không kể nhiều nơi trên thế giới đang mấp mé đón nhận làn sóng dịch thứ hai, nhưng nhờ các đoàn xe tải chở hàng lấp đầy các kệ siêu thị, chúng ta có thể vừa ăn uống vừa xem truyền hình...

Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đang trải qua một bài kiểm tra khắt khe

Nếu đang số trong một cuộc sống đầy đủ và muốn tìm một ví dụ về thương mại và hợp tác toàn cầu thì chẳng cần nhìn đâu xa, nó nằm ngay trong bữa tối của chúng ta.

Ba tháng trước, khi các biện pháp phong tỏa bắt đầu được áp dụng ở phương Tây, nhiều người đã lo ngại rằng bánh mì, bơ và đậu sẽ cạn kiệt, gây ra một làn sóng dự trữ thực phẩm.

Ngày hôm nay, nhờ các đoàn xe tải chở hàng lấp đầy các kệ siêu thị, chúng ta có thể vừa ăn uống vừa xem truyền hình tại nhà một cách thả ga.

Những chiếc máy gặt 'đeo khẩu trang'. Ảnh: Luca D'Urbino

Thứ phép màu tư bản này phản ánh không phải là một kế hoạch xuyên suốt, mà là một chuỗi cung ứng toàn cầu trị giá 8.000 tỷ USD đang thích ứng với một thực tế mới, với hàng triệu doanh nghiệp đưa ra những quyết định tự phát, từ chuyển đổi nhà cung cấp gạo ở châu Á đến thay thế các kho đông lạnh.

Hệ thống này vẫn chưa hoàn hảo: khi thu nhập giảm, số người bị đói sẽ nhiều hơn. Vẫn còn đó những rủi ro từ thiếu hụt lao động đến mất mùa. Và thật trớ trêu khi chứng kiến ngành sản xuất và kinh doanh phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng có lẽ bắt đầu từ việc bán thịt tê tê tại một khu chợ ở Vũ Hán.

Nhưng tính đến thời điểm này, mạng lưới lương thực đang trải qua một bài thử thách khắc nghiệt. Quan trọng là trong và sau đại dịch, các chính phủ không ngả theo một chiến dịch sai lầm nhằm tự túc lương thực.

Các chuỗi cung ứng ẩn sau một chiếc iPhone hay một bộ phận xe hơi được vận chuyển qua sông Rio Grande là những kỳ quan của sự phối hợp. Nhưng ngôi sao thầm lặng của ngành hậu cần thế kỷ 21 lại là hệ thống lương thực toàn cầu.

Trong quy trình từ nông trại đến bàn ăn, hệ thống này chiếm 10% GDP trên toàn thế giới và cần đến khoảng 1,5 tỷ nhân công để vận hành. Nguồn cung thực phẩm toàn cầu đã tăng gần gấp ba kể từ năm 1970, trong khi dân số đã tăng gấp đôi lên 7,7 tỷ.

Đồng thời, số người bị thiếu lương thực đã giảm từ 36% tổng dân số toàn cầu xuống 11%, và theo thời giá, một miếng thịt bò hiện nay có giá thấp hơn so với 50 năm trước.

Ngành xuất khẩu thực phẩm đã tăng trưởng gấp sáu lần trong 30 năm qua; 4/5 dân số toàn cầu sống một phần dựa trên lượng calo được sản xuất ở một quốc gia khác.

Tình thế này không phải do các chính phủ tạo ra, nó là chuyện ngoài mong muốn của họ. Mặc dù vai trò của các chính phủ đã suy giảm, đôi khi họ vẫn điều chỉnh giá cả và kiểm soát phân phối.

Khoảng một tá nước xuất khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, Nga và Việt Nam thống trị các mặt hàng chủ lực như lúa mì và gạo. Và nửa tá công ty thương mại như Cargill ở bang Minnesota và COFCO ở Bắc Kinh vận chuyển lương thực trên khắp thế giới.

Tập trung thị trường và sự can thiệp của chính phủ, cùng với sự thất thường của khí hậu và thị trường hàng hóa có nghĩa là hệ thống này đã được căn chỉnh chính xác và khi trục trặc có thể kéo theo những hậu quả tàn khốc.

Vào năm 2007-2008, mùa màng thất thu và chi phí năng lượng cao hơn đã đẩy giá lương thực tăng lên. Điều này đã khiến các chính phủ hoang mang về tình trạng thiếu hụt lương thực và ban hành lệnh cấm xuất khẩu, gây lo ngại và thậm chí đẩy giá thực phẩm cao hơn nữa.

Động thái này đã dẫn đến một làn sóng bạo loạn và túng quẫn ở khối các nước đang phát triển. Đó là cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất kể từ thập niên 1970, khi giá phân bón cao và tình hình thời tiết xấu ở Mỹ, Canada và Nga khiến sản lượng lương thực sụt giảm.

Dù cú sốc lần này cũng khá nghiêm trọng nhưng từng lớp của hệ thống này đã thích nghi được. Việc cung ứng ngũ cốc đã được duy trì, một phần nhờ năng suất của các vụ thu hoạch gần đây và khối lượng dự trữ rất lớn.

Các doanh nghiệp vận chuyển và các cảng tiếp tục vận chuyển thực phẩm với số lượng lớn. Việc chuyển dịch khỏi xu hướng ăn ngoài hàng đã gây ra những hệ lụy lớn cho một số doanh nghiệp.

Doanh số của McDonald đã sụt giảm khoảng 70% ở châu Âu. Các nhà bán lẻ lớn đã phải thu hẹp ngành hàng và bố trí lại mạng lưới phân phối.

Năng suất thương mại điện tử của Amazon đã tăng 60%; Walmart cũng đã thuê thêm 150.000 nhân công.

Quan trọng là hầu hết các chính phủ đã rút ra bài học của năm 2007-2008 và đã tránh xa chủ nghĩa bảo hộ.

Xét theo giá trị calo, chỉ có 5% sản lượng của ngành xuất khẩu thực phẩm phải đối mặt với những hạn chế, so với 19% trước đó. Và năm nay cũng đã chứng kiến giá thực phẩm giảm.

Nhưng thử thách vẫn chưa kết thúc

Khi các chuỗi cung ứng thực phẩm đã toàn cầu hóa, thị trường trở nên tập trung hơn và gây ra tình trạng sản xuất trì trệ.

Covid-19 bùng phát tại một số cơ sở giết mổ của Mỹ đã khiến nguồn cung thịt lợn giảm 1/4 và gia tăng số lượng đăng ký giấy phép săn gà tây hoang dã ở bang Indiana thêm 28%.

Mỹ và châu Âu sẽ cần hơn 1 triệu lao động nhập cư từ Mexico, Bắc Phi và Đông Âu để thu hoạch vụ mùa.

Hàng hoá đầy ắp siêu thị giữa mùa dịch cho thấy chuỗi cung ứng toàn cầu đang thích nghi khá tốt. Ảnh: Morden Diplomacy

Theo Liên hợp quốc, khi nền kinh tế bị thu hẹp và thu nhập sụt giảm, số người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng có thể tăng từ 1,7% dân số thế giới lên đến 3,4%, kể cả ở một số nước giàu.

Điều này phản ánh sự thiếu hụt về tiền bạc chứ không phải là lương thực, nhưng nếu người dân bị đói thì việc chính phủ sẽ triển khai các biện pháp bất thường là có thể hiểu được.

Một rủi ro luôn thường trực là vấn đề nghèo đói gia tăng hay trục trặc trong sản xuất sẽ khiến các chính trị gia yếu bóng vía phải bắt đầu dự trữ lương thực và hạn chế xuất khẩu.

Giống như vào những năm 2007-2008, động thái này có thể gây ra phản ứng ăn miếng trả miếng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Các chính phủ cần giữ bình tĩnh và duy trì sự mở cửa của hệ thống lương thực thế giới cho các hoạt động kinh doanh.

Điều này đồng nghĩa với việc cho phép các hoạt động sản xuất xuyên biên giới, cung cấp thị thực và dịch vụ kiểm tra sức khỏe cho người lao động nhập cư, hỗ trợ người nghèo bằng tiền mặt chứ không phải là dự trữ lương thực.

Điều này cũng đồng nghĩa là phải đề phòng việc thị trường có thể trở nên tập trung hơn, nếu các doanh nghiệp thực phẩm yếu hơn phá sản hoặc bị những công ty lớn hơn mua lại.

Và điều này cũng đồng nghĩa là còn phải làm cho hệ thống trở nên minh bạch, có khả năng truy xuất và chịu trách nhiệm hơn, ví dụ như cấp chứng nhận và tiêu chuẩn chất lượng, để dịch bệnh ít có khả năng lây lan từ động vật sang người mà không bị phát hiện.

Việc nhận thức được rằng lương thực là vấn đề an ninh quốc gia là sáng suốt; nhưng việc bóp méo nhận thức đó thành các xu hướng tự túc lương thực và can thiệp thô bạo thì lại không sáng suốt chút nào.

Ngay từ trước thời điểm năm nay, lương thực đã trở thành một phần của chiến tranh thương mại. Mỹ đã cố gắng quản lý xuất khẩu đậu nành và áp thuế đối với phô mai.

Tổng thống Donald Trump đã định rõ rằng các cơ sở giết mổ là một phần trong cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.

Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi châu Âu nâng cao khả năng “tự chủ chiến lược” của mình trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên việc tự túc lương thực là một ảo tưởng. Sự phụ thuộc lẫn nhau và sự đa dạng giữa các quốc gia giúp bạn trở nên an toàn hơn.

Tính toán một công thức mới

Trong 30 năm tới, nguồn cung lương thực cần tăng khoảng 50% để đáp ứng nhu cầu của khối nhân khẩu ngày càng tăng và giàu có hơn, mặc cho yêu cầu cắt giảm tối thiểu một nửa lượng khí thải chứa các-bon của hệ thống.

Cần có một cuộc cách mạng mới về năng suất mà tất cả đều sẽ góp mặt, từ nhà kính công nghệ cao gần thành phố đến robot hái trái cây.

Để có cuộc cách mạng ấy, thị trường sẽ cần phải huy động tất cả sự nhanh nhạy và khéo léo của mình, và thêm vào những khoản vốn tư nhân lớn.

Tối nay, khi chúng ta cầm đũa hay dao dĩa lên để ăn, hãy nhớ đến những người đang phải chịu đói và cái hệ thống đang nuôi sống cả thế giới này.

Hệ thống ấy cần phải được tự do làm nên phép màu của mình, không chỉ trong thời kỳ đại dịch, mà còn là sau đó nữa.

Theo Công Luận