Mục tiêu của Kế hoạch là tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Kết luận số 127-KL/TW, 130-KL/TW, 137-KL/TW và Công văn số 43-CV/BCĐ, qua đó tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan Trung ương và địa phương, đồng thời củng cố sự đồng thuận của nhân dân và dư luận xã hội.
Kế hoạch cũng đề ra lộ trình cụ thể, xác định rõ các công việc cần triển khai theo từng thời điểm nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, phục vụ mục tiêu thực hiện thành công các yêu cầu và giải pháp nêu tại các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng thời, phân công rõ ràng nhiệm vụ, trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, tỉnh (thành) ủy, HĐND, UBND các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện.
Hoàn thiện hành lang pháp lý cho chính quyền hai cấp
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai trên toàn quốc.
Các bộ, ngành Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chủ động xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp ĐVHC, kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Mục tiêu là bảo đảm tổ chức bộ máy chính quyền địa phương mới đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn và không để xảy ra khoảng trống pháp lý. Hạn chót hoàn thành các nội dung này là trước ngày 30/6/2025.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp Kế hoạch đặt ra là hoàn thiện chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn làm cơ sở cho việc sắp xếp ĐVHC và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. (Ảnh minh họa)
Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng sẽ rà soát toàn diện nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý, đồng thời xác định những nội dung có thể phân cấp từ Trung ương xuống chính quyền cấp tỉnh, xã. Trên cơ sở đó, chủ động ban hành hoặc kiến nghị Chính phủ ban hành các văn bản điều chỉnh phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời hạn hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Chính phủ giao Bộ Nội vụ tham mưu, trình Quốc hội ban hành Luật mới thay thế Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019), hoàn thành trước ngày 30/4/2025. Đồng thời, Bộ cũng sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp ĐVHC năm 2025 trước ngày 08/4/2025.
Trước ngày 30/6/2025, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định quan trọng, bao gồm: Nghị định thay thế Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Nghị định quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND, quy trình bầu, miễn nhiệm, điều động các thành viên UBND và giao quyền Chủ tịch UBND các cấp; Nghị định quy định tổ chức cơ quan chuyên môn cấp phường, xã, đặc khu; Nghị định sửa đổi bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, lực lượng vũ trang; đồng thời ban hành Thông tư hướng dẫn về phụ cấp khu vực, thu hút và mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp ban hành Thông tư quy định về lập, quản lý hồ sơ địa giới hành chính trước ngày 01/11/2025; đồng thời chủ trì ban hành loạt hướng dẫn liên quan đến tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND cấp xã, việc công nhận đơn vị hành chính đặc biệt, quản lý văn thư lưu trữ, tiêu chuẩn chức danh, chế độ tiền lương và xây dựng vị trí việc làm phù hợp với mô hình tổ chức mới. Tất cả các nội dung này phải hoàn tất trước ngày 10/4/2025.
Trước thời hạn nêu trên, Bộ Nội vụ cũng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Ban Chỉ đạo của Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng xây dựng phương án sắp xếp cơ quan thuế, kho bạc, hải quan, bảo hiểm xã hội, thống kê, ngân hàng... phù hợp với mô hình chính quyền địa phương hai cấp và việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và sửa đổi Nghị quyết số 190/2025/QH15 hoặc ban hành Nghị quyết mới nếu cần, trước ngày 15/5/2025. Trước ngày 10/4/2025, Bộ cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, ngành xây dựng các nghị định chuyên ngành, đồng thời ban hành hướng dẫn xử lý các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực hộ tịch, đăng ký biện pháp bảo đảm và các nội dung quản lý nhà nước khác thuộc thẩm quyền.
Các bộ, ngành khác cũng được phân công triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, cụ thể:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn điều chỉnh các chính sách nông thôn mới, hồ sơ địa chính, dữ liệu đất đai, diện tích tự nhiên của các ĐVHC thực hiện sắp xếp.
Bộ Công an hướng dẫn điều chỉnh dữ liệu cư trú, thu hồi và khắc dấu, xử lý lý lịch tư pháp và cập nhật số liệu nhân khẩu theo địa giới hành chính mới.
Bộ Quốc phòng hướng dẫn rà soát các địa phương biên giới, xác lập khu vực phòng thủ, tổ chức lực lượng dân quân tự vệ phù hợp mô hình mới.
Bộ Tài chính hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công 2026–2030, thủ tục thay đổi giấy phép đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các địa phương gặp khó khăn về ngân sách.
Bộ Dân tộc và Tôn giáo hướng dẫn thực hiện chính sách dân tộc trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát và điều chỉnh di tích được xếp hạng tại các ĐVHC sắp xếp.
Bộ Xây dựng hướng dẫn rà soát quy hoạch, đánh giá chất lượng đô thị, đánh số và gắn biển nhà ở đô thị và nông thôn, đảm bảo kết nối dữ liệu dân cư, đất đai và địa chỉ số.
Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn triển khai chính quyền số, xây dựng hệ thống dữ liệu liên thông từ xã đến Trung ương.
Bộ Y tế hướng dẫn sắp xếp hệ thống cơ sở y tế tại các ĐVHC mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm duy trì chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục, đào tạo, hướng dẫn công tác quản lý nhà nước khi tổ chức lại hệ thống giáo dục sau khi kết thúc hoạt động của ĐVHC cấp huyện và cơ sở.
Tất cả các hướng dẫn, nghị định, thông tư của các bộ, ngành nêu trên phải được hoàn thành trước ngày 10/4/2025, nhằm bảo đảm quá trình sắp xếp đơn vị hành chính và vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp diễn ra đồng bộ, nhất quán và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.
Tổng kết toàn diện vào tháng 9/2025
Theo Kế hoạch, trước ngày 18/4/2025, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện đến các bộ, ngành Trung ương và địa phương, ngay sau Hội nghị quán triệt của Bộ Chính trị.
Về sắp xếp ĐVHC cấp xã, UBND cấp tỉnh phải lập hồ sơ đề án trước ngày 01/5/2025; Bộ Nội vụ thẩm định và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 30/5/2025.
Đối với ĐVHC cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh lập đề án trước ngày 01/5/2025; Bộ Nội vụ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội thông qua trước ngày 20/6/2025.
Việc tổng kết toàn bộ quá trình sắp xếp ĐVHC các cấp sẽ được hoàn tất trước ngày 20/9/2025.