Len lén làm chui
Quê anh là vùng bán sơn địa phân chia rõ ra hai khu vực, đồi gò thường xuyên thiếu nước nên cây lúa cắm xuống cũng èo uột còn vùng trũng ngập úng luôn luôn thành ra cấy hái cũng vụ được vụ mất.
Không cam chịu cảnh khổ cực của nghề trồng lúa năm 2007 anh quyết chí sang huyện Mê Linh (Hà Nội) học cách trồng hoa hồng cắt bông rồi về áp dụng trên mấy sào đất của gia đình.
Cũng có đồng ra, đồng vào thật nhưng thị trường khá bấp bênh bởi hoa cắt bông phụ thuộc hoàn toàn vào thời vụ, đến ngày là phải cắt, dù đắt hay rẻ cũng phải bán không chỉ còn nước vứt đi.
Đến năm 2014 anh sang huyện Văn Giang (Hưng Yên) thấy người dân trồng hoa trong chậu kinh tế phát đạt vì nhu cầu của thị trường rất lớn nên khi trở về đứng ngồi không yên.
Hồi ấy, địa phương mới thực dồn điền đổi thửa (năm 2013) vẫn còn cấm cản không cho chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhưng anh cứ đánh liều làm bừa một cái nhà màng rộng 400m2 với khung tạm bợ bên trên căng những tấm lưới cắt nắng làm mái để trồng những loại hoa không chịu được mưa nắng như đồng tiền, dạ yến thảo. Việc làm đó đã không thể qua mặt được các cán bộ của thôn, của xã.
Ngay lập tức anh bị lập biên bản, buộc phải tháo dỡ cái nhà màng dựng trái phép kia. Vật liệu tạm bợ, để mưa nắng một thời gian thành ra hư hao đành phải bỏ đi bằng hết.
Hai năm sau, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Khi thấy một số hộ trồng hoa cho thu nhập khá, xu thế phát triển là không thể cưỡng lại được, xã từ cấm cản đã ra hẳn nghị quyết cho phép chuyển đổi.
Anh Trào hào hứng gom góp vốn liếng để dựng lên cái nhà màng mới, lần này bằng những vật liệu kiên cố hơn, diện tích không phải 400m2 nữa mà rộng tới 2.000m2.
Lúc đầu, anh chỉ làm số lượng khiêm tốn vài ngàn chậu đồng tiền, dạ yến thảo sau đó vài năm lên đến hơn 40.000 chậu. Khi đó, anh chỉ làm những dòng hoa bình dân mỗi chậu có giá mấy chục ngàn rồi sau đó đến dòng khá vài trăm ngàn đến cả triệu thậm chí dòng cao cấp dăm bảy triệu.
Năm 2016, 2017, 2018 là thời kỳ hoàng kim của hoa hồng, anh làm tới 30.000 chậu. Giờ nhu cầu về loại hoa này xẹp xuống, hàng giống ngoại bị giảm giá mạnh vì khó thích ứng với thời tiết, khí hậu nhiệt đới anh đã kịp chuyển sang hàng giống nội có sức sống khỏe hơn như bạch đào, bạch xếp, cổ Sa Pa nên vẫn còn bán được khá tốt.
Bởi thế, ngoài 2.000m2 nhà lưới của gia đình anh phải thuê thêm 8.000m2 đất của bà con với giá hơn 1 triệu/sào, hợp đồng thời hạn 5 năm 1 lần ký, 1 lần nhận tiền.
Anh bảo: “Ưu điểm của trồng hoa trong chậu là không bị áp lực mùa vụ như trồng hoa trên đất để cắt bông mà có nhiều lứa trong năm, được giá thì bán luôn còn không được giá vẫn có thể cắt bỏ, chăm sóc để chờ lứa sau bán tiếp.
Hơn thế không gian trưng bày của hoa trồng chậu cũng mở rộng hơn hẳn, không chỉ gò bó cắm trong lọ, trong bình mà chúng có thể đặt ở bất cứ đâu, treo từ trong nhà đến ngoài sân, ngoài ban công hay cửa sổ đều được. Hoa trồng trong chậu bởi ít đất nên đòi hỏi công chăm sóc phải nhiều hơn nhưng bù lại thu nhập cũng tốt hơn hẳn.
Năm 2018 tôi thu 1,5 tỷ đồng, năm 2019 thu 1,8 tỷ đồng, lãi trung bình 500 - 600 triệu/ha tương đương khoảng 30 - 40 lần so với trồng lúa. Sắp tới, tôi còn dự định phối hợp với Trạm khuyến nông, Hội nông dân huyện để làm các mô hình trồng hoa theo hướng công nghệ cao”.
Bí quyết đơn giản nhưng khó theo
Những người đang làm ăn kinh tế thường không muốn tiết lộ chi tiết về các bí quyết của mình nhưng anh Trào lại sẵn sàng dạy nghề cho ai đến học hỏi về cách trồng hoa. Bí quyết của anh gói gọn trong mấy “từ khóa: như sau: Chịu khó, kiên trì, không ngừng học hỏi và thất bại thì tìm nguyên nhân chứ không được nản chí.
Chịu khó là anh thường xuyên làm việc mỗi ngày 10 tiếng thậm chí còn hơn. Kiên trì là 1 - 2 năm đầu làm bất kỳ cái gì cũng bỡ ngỡ, cũng khó khăn, mà nhất là vốn, như anh khi khởi nghiệp phải vay mượn mãi mới được mấy chục triệu để trang trải rồi sau đó dần dần gây dựng lên.
Học hỏi là cứ nơi nào có những làng hoa, cây cảnh nổi tiếng nhất đều đã có dấu chân của anh, từ Sa Đéc (Đồng Tháp), Cái Mơn (Bến Tre), Đà Lạt (Lâm Đồng) đến Văn Giang (Hưng Yên), Mê Linh (Hà Nội), Nam Điền (Nam Định)…
Học từng li từng tí, hỏi không ngại ngần, thất bại phải tìm ra bằng được nguyên nhân để khắc phục.
Thuở mới trồng hoa trong chậu, anh phải chở hàng ra chợ thị xã Sơn Tây để bán lẻ, kiếm từng khách một nhưng dần dà khi đã có tiếng nhờ sự khác biệt cả về màu sắc lẫn độ bền của hoa thì khách lại tìm đến vườn nhà anh để đặt hàng, mua buôn cả trăm, cả ngàn cây mỗi đợt.
Dựa trên những kiến thức đã học cùng kinh nghiệm đúc rút ra từ thực tế, anh luôn có những cú “liều” nhưng là trên cơ sở khoa học và sự nhạy bén với thị trường.
Ví dụ như năm 2016 thấy nhu cầu về hồng ngoại đang phát triển, giữa năm anh vào 700 triệu tiền giống với giá mỗi chậu 70.000đ nhưng sau 4 tháng chăm sóc, cuối năm chúng đã vọt lên 250.000đ/chậu mà còn tranh nhau để mua.
Hai năm gần đây, phán đoán nhu cầu về hoa đồng tiền chậu sẽ tăng vọt bởi tâm lý thích trưng trong nhà cầu tài, cầu lộc anh đã nhập mỗi vụ 65.000 cây giống nuôi cấy mô từ Đà Lạt về với giá 7.000đ/cây nhưng sau 2 - 3 tháng chăm sóc, bán buôn thôi đã được 20.000đ/cây.
Chưa người nào trong cái xã Tích Giang với cả trăm hộ sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh này dám vào một lúc 50.000 - 70.000 cây như anh mà bạo lắm cũng chỉ 10.000 - 15.000 cây là cùng.
Bởi thế có vụ anh lãi ngót tỷ đồng, có vốn mua đất để mở rộng quy mô sản xuất mà đối tượng mới nhất đang nhắm đến là những đóa mẫu đơn.
Tích Giang là một trong những xã của huyện Phúc Thọ nằm trong quy hoạch của vành đai xanh Thủ đô Hà Nội với định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp sinh thái, hàng hóa.
Năm 2016 xã đã được cấp trên phê duyệt cho phép chuyển đổi 86,5ha từ lúa sang trồng các loại hoa, cây cảnh tập trung.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn trồng hoa, cây cảnh trong vườn nhà với tổng diện tích lên đến trên dưới 100ha. Sản xuất, kinh doanh quanh năm nhưng thời điểm bán hàng nhộn nhịp nhất ở đây là từ tháng 9 âm lịch đến tháng giêng hai âm lịch của năm sau.