Bén duyên, tham vọng với nghề
Nuôi tham vọng đưa Abivin trở thành công ty số 1 về giải pháp phần mềm trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, Nguyễn Hoàng Anh xác định, con đường phía trước sẽ còn nhiều chông gai. Cô không trông đợi vào chiếc chìa khóa thần kỳ nào để vượt qua, ngoài những nỗ lực và quyết tâm của bản thân cùng đội ngũ đồng hành.
Tốt nghiệp ngành kinh doanh quốc tế tại Trường đại học Đông Nam Phần Lan, Hoàng Anh từng coi các tập đoàn đa quốc gia là địa điểm làm việc lý tưởng. Sau thời gian làm việc tại một công ty cung cấp dịch vụ logistics và một công ty về phần mềm, Hoàng Anh từ bỏ kế hoạch học thạc sỹ ở châu Âu và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp với công nghệ bởi cô nhận ra rằng, công nghệ có thể mang lại tăng trưởng đột biến và cơ hội tạo ảnh hưởng nhất định cho xã hội.
“Rất nhiều người đang nói về ứng dụng công nghệ, song khoảng cách giữa lý thuyết và hiệu quả còn rất lớn. 90% công ty logistics đang vận hành thủ công. Tôi tự hỏi, mình có khả năng tiếp xúc với những công nghệ mới nhất, thì tại sao không phát triển và ứng dụng nó vào một ngành truyền thống ở Việt Nam”, Hoàng Anh chia sẻ.
Sau đó, tình cờ, cô gặp Phạm Nam Long trong một sự kiện về start-up. Có chung đam mê công nghệ, hai người nhanh chóng “bén duyên” trong công việc và cả cuộc sống (sau này, họ trở thành vợ chồng). Nam Long đã tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Cambridge (Anh), thạc sỹ ngành máy học tại Đại học Bristol, sau đó làm việc tại trụ sở Google ở Mountain View (Mỹ) trước khi về Việt Nam.
Sau một thời gian nghiên cứu, hai đồng sáng lập chính thức ra mắt Abivin vào năm 2015. Abivin cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, giải quyết các vấn đề trong ngành logistics truyền thống dựa trên nền tảng công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, máy học. Abivin áp dụng thuật toán để tạo ra lộ trình nhanh nhất cho hàng trăm xe giao hàng, hàng ngàn đơn hàng trong vài giây, giúp tiết kiệm 30 - 40% chi phí nhân lực và nhiên liệu.
“Ví dụ, có 1.000 đơn hàng, Abivin sẽ tạo một lộ trình tối ưu cho 40 người giao hàng mà trong đó phải thỏa mãn ít nhất 20 điều kiện, như thời gian đóng/mở cửa hàng khác nhau, giới hạn về trọng lượng, thể tích của các xe vận chuyển...”, Hoàng Anh giải thích.
Tháng 5/2019, vượt qua hơn 30.000 công ty trên toàn cầu, Abivin đã trở thành nhà vô địch cuộc thi Start-up World Cup 2019 diễn ra tại Mỹ. Trước đó, Abivin cũng giành giải Start-up về logistics và chuỗi cung ứng tốt nhất tại Giải thưởng khởi nghiệp Đông Nam Á (ASEAN Rice Bowl Start-up Award). Ngoài ra, start-up này còn là quán quân cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia - Techfest Vietnam 2018.
Hoàng Anh cho rằng, sự ghi nhận qua các giải thưởng cho thấy, công nghệ giải quyết bài toán về logistics của Abivin được cả thế giới quan tâm và đó là điều ý nghĩa nhất đối với cô.
Nhưng để chạm được một tay vào những thành công bước đầu đó, Hoàng Anh cùng đội ngũ Abivin đã trải qua hành trình không ít chông gai. Ở thời điểm hiện tại, thử thách lớn nhất đối với cô là Công ty đang phát triển nhanh và cô phải liên tục bổ sung kiến thức cùng các kỹ năng.
Giai đoạn khởi đầu, Hoàng Anh cũng không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, nhưng cô cho rằng, quan trọng nhất là sẵn sàng học hỏi. “Các bạn trẻ hay ngại hỏi hoặc thường cảm thấy ngại ngùng nếu không có kiến thức về một vấn đề nào đó. Không ai biết tất cả mọi thứ và nếu quyết tâm học hỏi, trau dồi kiến thức, thì nhất định sẽ thành công”, Hoàng Anh chia sẻ bí quyết.
Dẫu vậy, cô cũng khẳng định, khởi nghiệp không hề đơn giản, vì vậy, nó không dành cho tất cả mọi người. Muốn khởi nghiệp thành công, không chỉ cần chuẩn bị đầy đủ về nhiều phương diện như tài chính, kiến thức, quản trị…, mà quan trọng nhất là phải có được chiếc “chìa khóa” để phát triển những sản phẩm thực sự vượt trội mà xã hội thực sự có nhu cầu.
Start-up cũng phải liên tục thay đổi theo từng giai đoạn, vì vậy, theo Hoàng Anh, sẽ không có chìa khóa thần kỳ nào cho tất cả những thử thách trên con đường khởi nghiệp. Hiện Abivin đã có 50 nhân viên, mở rộng hoạt động ở 3 quốc gia và đặt mục tiêu đạt 1 triệu tài khoản sử dụng vào năm 2023 với 320 khách hàng chính.
Hoàng Anh cùng các thành viên sáng lập tham vọng đưa Abivin trở thành công ty số 1 về giải pháp phần mềm trong lĩnh vực logistics tại thị trường Việt Nam và tiến xa hơn. “Chặng đường phía trước không hề bằng phẳng, thậm chí, có rất nhiều thách thức. Thuyền to thì sẽ gặp sóng to, nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quyết tâm và luôn sẵn sàng cho những thử thách tiếp theo”, Hoàng Anh khẳng định.
Lên gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa 2 vào năm ngoái, Abivin nhận 200.000 USD từ ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dzung), Giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan, trong đó 100.000 USD cho 10% cổ phần và 100.000 USD còn lại là trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 10%.
Về lý do quyết định cam kết đầu tư cho Abivin, Shark Dzung Nguyễn đánh giá cao nhóm sáng lập rất nhiệt huyết, vị trí giữa các nhà sáng lập rất cân đối: một người mạnh về mặt kỹ thuật, một người mạnh về kinh doanh. Ngoài ra, ông Dũng cho rằng cần nhiều giải pháp như Abivin, để hỗ trợ cho ngành logistics của Việt Nam cũng như là hỗ trợ cho các công ty có nhu cầu lớn về mảng logistics.
Hai nhà sáng lập Abivin từng khẳng định chưa có đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam, tự tin rằng thuật toán của công ty do Nam Long phát triển rất khó sao chép. Họ cũng chia sẻ tham vọng đưa startup của mình thành “kỳ lân B2B" (khách hàng là doanh nghiệp) đầu tiên trong khu vực.
"Làm khởi nghiệp phải xác định sẵn sàng bán nhà, bán xe…"
Đối với những người muốn tách ra làm riêng sau một thời gian trải nghiệm ở các công ty, Hoàng Anh nhấn mạnh, khởi nghiệp rất khó nên trước hết cần chuẩn bị về mặt tài chính, về mặt kiến thức với bí quyết nằm ở trong tay, đội ngũ sáng lập và nhân viên.
Đặc biệt là phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cam kết với hành trình khởi nghiệp trong thời gian ít nhất là 10 năm, luôn cố gắng và sẵn sàng cho những thử thách phía trước. “Phải xác định, luôn sẵn sàng bán nhà, bán xe,... và theo đuổi trong 10 năm dù có khó khăn thế nào đi chăng nữa mới khởi nghiệp được”.
Hoàng Anh lưu ý, đối với startup, nguồn tài chính luôn được xem như dòng máu vận hành, không bao giờ được để cạn. Có những giai đoạn vợ chồng cô phải vật lộn với dòng doanh thu ít ỏi vừa để phát triển sản phẩm vừa trả lương cho nhân viên vì từng có tham vọng tự xây dựng và phát triển.
Tuy nhiên, vợ chồng cô cũng sớm nhận ra rằng để phát triển và mở rộng quy mô nhanh hơn thì nên nhận vốn đầu tư từ bên ngoài để ít nhất là vượt qua được bẫy tử thần đối với startup trong hai năm đầu.
Đối với ngành B2B, việc sales rất quan trọng và cần dành nhiều thời gian hơn so với marketing. Bí quyết được COO Abivin chỉ ra là tập trung vào những khách hàng đầu tiên thật chất lượng, biến họ thành các ví dụ tốt của mình để từ đó tạo ảnh hưởng, uy tín và quảng bá hình ảnh một cách dễ dàng hơn. Thay vì mở rộng thì phải xác định tập trung.
Từ kinh nghiệm của mình, cô cũng nhấn mạnh sự quan trọng của tinh thần sẵn sàng học và hỏi, đặc biệt đối với những bạn trẻ muốn thử sức ở các công ty công nghệ nhưng vẫn còn e ngại do không có xuất phát điểm là dân công nghệ.
Khi bắt đầu với Abivin, đến nay đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Từ điểm nhìn của môt người lãnh đạo doanh nghiệp, Hoàng Anh nhìn nhận khó khăn lớn nhất là xây dựng đội ngũ nhân sự có thể phát triển hết khả năng cũng như có thể cống hiến và cùng công ty phát triển lên tầm cao mới. “Trước đây tôi nghĩ chuyên môn đã khó rồi nhưng khi mở rộng quy mô mới nhận ra tầm quan trọng của những kỹ năng quản lý, xây dựng đội ngũ”.
Để thu hút và giữ chân nhân tài, cô cho rằng điều quan trọng là phải làm thế nào để nhân viên sẵn sàng chia sẻ và tin tưởng vào tầm nhìn của công ty. Bên cạnh đó, phải cho họ cơ hội để phát triển, tạo ảnh hưởng nhất định trong công ty song song với việc đảm bảo mức lương và các chính sách hỗ trợ đủ tốt.
Ngoài ra, từ ngày đặt những viên gạch nền móng đầu tiên, Abivin cũng đã được xác định là phải xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa vào những giá trị cốt lõi để tạo tinh thần đoàn kết và đồng nhất.
“Một trong bốn yếu tố khiến các startup Việt thành công trong một thập kỷ qua được một quỹ đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam và Đông Nam Á chỉ ra là văn hoá doanh nghiệp, tiếp đến là xây dựng và đào tạo đội ngũ”, Hoàng Anh cho biết.
Abivin tập trung hướng đến ứng dụng đổi mới sáng tạo vào việc vận hành, xử lý vấn đề trong chính nội bộ công ty thay vì chỉ ứng dụng vào trong sản phẩm.
Ngoài ra, một trong những văn hoá mà startup này chú trọng là đào tạo nhân sự và kích thích sự chia sẻ trong nội bộ. Học hỏi văn hoá Thanks God it's Friday của Google, từ những ngày đầu tiên, Abivin cũng tổ chức một chương trình tương tự mỗi tuần để tăng khả năng nói chuyện trước đám đông cũng như khả năng trình bày ý tưởng.
Còn về mặt cá nhân, Hoàng Anh chia sẻ, đôi khi phải suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ sinh con?” là những câu hỏi bất cứ cô gái Việt nào cũng sẽ nhận được sau khi tốt nghiệp và tạo nên không ít áp lực.
Làm khởi nghiệp lại vô cùng bận rộn nên hầu như cô không thể lo một cách chu toàn công việc gia đình, không thể về sớm nấu cơm rửa bát, chăm sóc gia đình. Lúc này, cô cho rằng phải ngồi lại nói chuyện rõ ràng với bố mẹ để bố mẹ thông cảm và hiểu được mục tiêu mà cô đang hướng đến, thành công của hai vợ chồng trong sự nghiệp vào lúc này là hạnh phúc mà cô mong muốn.
Đồng sáng lập là hai vợ chồng, điểm mạnh sẽ là sự tin tưởng tuyệt đối - điều cần có trong tất cả các mối quan hệ. Song cũng cần phải xác định công việc một cách rõ ràng, tránh dẫm chân vào nhau.
Dù vây, những xung đột là không tránh khỏi, về nhà đôi khi lại mang tâm lý khó chịu. Giải pháp lúc này của vợ chồng Hoàng Anh là mời một người thứ ba vào phân tích, hai đồng sáng lập cũng phải tự trình bày ý kiến của mình ra trước người những người còn lại.
Hiện Abivin có khoảng 10 khách hàng lớn như Friesland Campina (Cô gái Hà Lan), P&G, Highlands Coffee, Tân Cảng Sài Gòn, Habeco, Mesa Group. Ngoài khách hàng trong nước, start-up này còn có một số khách hàng từ Myanmar và Singapore.