Với sự phát triển mạnh mẽ này, rõ ràng thương mại điện tử đang là phương thức mua sắm thuận tiện, nhanh chóng đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Chỉ cần ngồi ở nhà, trước máy vi tính hay điện thoại thông minh là có thể đặt mua bất kỳ hàng hóa gì. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng lậu. Cùng một sản phẩm giày hàng hiệu, nhưng người bán vài triệu, người lại bán chỉ hơn 2.00.000 đồng, thậm chí chỉ vài chục nghìn. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hiện nay các sàn thương mại điện tử đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt.
Đại diện Lazada cho biết, trong thời gian hoạt động trên thị trường, sàn này đã xây dựng được hệ thống 3 lớp bảo mật chặt chẽ. Trong đó, áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và machine learning tự động quét liên tục nhiều điểm dữ liệu; kiểm tra thông tin và thông báo các tín hiệu cho thấy doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời ngăn chặn việc đăng bán các sản phẩm không đạt chất lượng bằng hệ thống từ khóa đã được cài đặt sẵn. Bên cạnh đó, hệ thống thực hiện đánh sao các nhà cung cấp để đề xuất sản phẩm có giá cả và chất lượng phù hợp nhất cho khách hàng. Tuy vậy, vẫn có tình trạng nhiều nhà bán hàng cố tình lách luật đăng bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bên cạnh sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các sàn thương mại điện tử, việc thay đổi thói quen người tiêu dùng sẽ giúp cải thiện tình trạng hàng giả, hàng nhái trên mạng. Ảnh: N.Đăng |
Về phần mình, đại diện của Shopee Việt Nam cũng cho biết, Cty đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm tra hoạt động đăng bán trên Shopee như sử dụng phần mềm, chức năng báo cáo sản phẩm vi phạm, đội ngũ nhân sự kiểm duyệt, chế độ đánh giá người bán… và liên tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tăng cường thêm nhân viên chuyên trách nhưng việc kiểm soát còn nhiều khó khăn. Đại diện Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cũng đưa ra quan điểm không thể đòi hỏi quá cao trách nhiệm của chủ các nền tảng bán hàng trực tuyến, bởi họ chỉ có vai trò cung cấp và cải thiện hệ sinh thái để phục vụ người bán và người mua. Thay vào đó, cần khuyến khích các nền tảng thương mại điện tử phát triển theo hướng cung cấp hàng chính hãng, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Mặc dù, thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang nóng trên thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng. Khó khăn lớn nhất là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Ngoài ra, hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... trên môi trường mạng đạt hiệu quả cao hơn, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng.
Tuy nhiên, hiện nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý... Vì vậy, rất cần sự phối hợp của ban quản lý các khu chung cư, các Cty chuyển phát nhanh đấu tranh chống gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng. Ngoài ra, cần tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hiện tượng "nhờn luật" do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được.