Chàng kiến trúc sư bán giày dạo

Anh Nguyễn Văn Hoang (SN 1990), hay còn gọi là Mr Banuli tại miền quê nghèo ở Bình Định. Chính những khó khăn thiếu thời đã giúp cho anh chàng kiến trúc sư bán giày dạo thêm động lực để phấn đấu trong cuộc sống hơn nữa.

Kiến trúc sư bán giày dạo

Yêu cái đẹp, đặc biệt là những sản phẩm làm từ da, Nguyễn Văn Hoang từ là chàng kiến trúc sư đã tự tay mua da về làm túi handmade để sử dụng và bán cho bạn bè. "Tôi làm vì thích đồ da, thích sáng tạo, chứ làm 4-5 ngày mới xong 1 cái túi, mà bán với giá vài triệu đồng thì người mua cũng nghĩ là cao", anh Hoang chia sẻ.

Cuối năm 2015, hoàn thiện hồ sơ thiết kế kiến trúc hạng mục Bảo Tháp chùa Việt Nam Quốc Tự, anh Hoang cảm thấy việc hưởng lương tháng 7 triệu/tháng thì đến khi nào mới thành công được. Một ý nghĩ khởi nghiệp nảy sinh trong đầu anh, phải bắt đầu một cái gì mới hơn là bó buộc trong công việc này.

chang kien truc su ban giay dao

"Tôi cùng anh bạn rong ruổi chạy khắp quận 12, Hóc Môn để tìm các xưởng may mặc với ý định yêu cầu họ may theo thiết kế và chất lượng yêu cầu. Không tìm được xưởng may, nhưng vô tình thấy xưởng đóng giày hộ gia đình nhỏ lẻ. Lúc đó tôi chỉ ghé vào với ý định xin liên hệ để khi nào có nhu cầu mua giày tới mua cho rẻ. Sau vài hôm không tìm được xưởng may thời trang, trằn trọc suy nghĩ về cái duyên của nghề giày, về đồ da, về đam mê kinh doanh, tôi đã quyết định bắt đầu đi bán giày", anh Hoang gợi mở.

Thời gian đầu anh Hoang vẫn làm Kiến trúc sư, nhưng mỗi ngày sau 17h, anh lại cùng con xe cùn rong ruổi khắp thành phố, mang 1 bao tải mẫu giày đi khắp các con phố Cách Mạng Tháng 8, Lê Văn Sỹ... để chào hàng nhưng chỉ có 1 cửa hàng nhập 5 đôi của anh.

Tận dụng mạng xã hội để phát triển

Vẫn chưa bỏ cuộc, năm đó là thời điểm bùng nổ của internet và mạng xã hội, anh Hoang bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về internet. Chưa có website, nhưng anh lại tìm cách để tiếp cận khách hàng trên Google, việc mà dân chuyên nghiệp hay gọi là SEO. Dần dần khách hàng tiếp cận và biết đến giày như 1 xưởng sản xuất. Từ đó, anh bắt đầu có những người khách chiến lược, họ kinh doanh bán hàng qua facebook. 

"Lúc đó là thời điểm vàng son cho những ai kinh doanh bán hàng trên facebook. Họ kinh doanh thuận lợi nên đặt hàng rất nhiều, khoảng 5-7 ngày tôi có thu nhập 4-5 triệu đồng. Bên cạnh đó tôi cũng bắt đầu bán lẻ trên sàn thương mại điện tử và tôi cũng bắt đầu nghiên cứu về bán hàng trên facebook. Cuối cùng, tôi dần có những khách lẻ đầu tiên", anh Hoang vui vẻ nói.

Niềm vui được nhân đôi khi có một khách hàng đến để đặt sản xuất hàng nghìn dây lưng phụ kiện cho váy công sở, đơn hàng này được xuất đi Nhật. "Lúc đó trong tay tôi chỉ có khoảng 17 triệu đồng tiền tích góp, vì hầu như số tiền tôi làm ra phần lớn là sinh hoạt và trả nợ tiền vay đi học thời sinh viên. Vì các xưởng sản xuất nhỏ khác ở HCM họ đều không xử lý được vấn đề nguyên liệu nên họ không nhận. Tôi đã thử làm mẫu dây lưng cho khách hàng", anh chia sẻ về những khó khăn bước đầu.

chang kien truc su ban giay dao

Dựa vào các mối quan hệ, anh đã tìm được lò thuộc da, họ có thể cung cấp cho tôi da có độ dày 3-4mm, đặt mẫu 1 tấm gửi về Sài Gòn. Anh lại tiếp tục tìm nơi sơn da, sơn màu trắng nên nhiều nơi họ không nhận sơn vì màu này dễ dây bẩn. 

"Làm mẫu gửi cho khách hàng, họ đã duyệt, và thương lượng giá thành công. Nhưng khi sản xuất tôi lại không đủ vốn đề thực hiện, thấy tôi chân thật nên đối tác họ đã đồng ý đặt cọc 70% số tiền để tôi đầu tư sản xuất", anh vui vẻ nói. Xưởng sản xuất đầu tiên của anh Hoang ra đời. Nhờ người thân hỗ trợ nên đơn hàng đã giao thành công.

"Niềm vui ngắn chẳng tày gang"

Anh Hoang dần dần thuyết phục được anh trai và em trai cùng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh giày da giống mình. "Nhận thấy ba anh em cùng kinh doanh 1 dòng sản phẩm, nên vào tháng 5 năm 2017 tôi và anh trai đã sáp nhập và thành lập công ty", anh chia sẻ. Đến cuối năm 2017, em trai anh cũng sáp nhập vào, ba anh em cùng xây dựng công ty. Lúc này tiếp tục mở cửa hàng thứ 2 tại Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận.

Giai đoạn này công ty vừa xây dựng quy trình sản xuất, vừa xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng, kèm theo đó là phát triển đội ngũ bán hàng online. "Đây là giai đoạn khó khăn, vì không phải chuyên ngành giày, mà tôi đã mạnh dạn thiết lập nhà xưởng sản xuất. Cái giá phải trả cho giai đoạn này khá đắt, đó là sản phẩm tuy có thiết kế sang trọng, mẫu mã có sự nghiên cứu và đầu tư, nhưng rất nhiều lỗi vặt", giọng anh trùng xuống.

Sai lầm lớn nhất giai đoạn này là công ty sản xuất 1 lô giày mà nguyên liệu đế bị kém chất lượng. Công ty phải thu hồi hết tất cả hàng hóa làm từ chất liệu đế đó đang bán ở cửa hàng để thay toàn bộ đế lại, tất cả khách hàng đã mua phải hàng kém đó đều được thay mới. Đầu năm 2019 thì công ty đã mở 1 cửa hàng thứ 3 tại Đà Nẵng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang, do 3 anh em tính cách trái ngược nhau, mỗi người mỗi cá tính, nên thường xuyên bất đồng quan điểm, không có cùng tiếng nói chung. Cũng đến ngày không chịu được nhau nữa nên cả 3 cùng lên kế hoạch để thực hiện việc tách ra.

chang kien truc su ban giay dao

Đầu năm 2020, anh Hoang đã mua lại toàn bộ cổ phần của hai cổ đông còn lại. Tuy nhiên vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp và vẫn còn đam mê kinh doanh giày, nên anh và em trai anh tuy không còn là cổ đông của công ty nhưng vẫn làm hai đại lý lớn phân phối và kinh doanh tại 2 cửa hàng lớn ở TP.HCM. Cùng đợt tái cấu trúc này anh đã nhượng quyền lại cửa hàng ở Đà Nẵng. Sau đó trong tháng 3/2020 cùng lúc công ty ký hợp đồng và khai trương 2 cửa hàng nhượng quyền ở: TP.HCM, Đồng Hới, Quảng Bình.

"Sau 5 năm khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, tôi thấy mình càng đam mê kinh doanh, càng khát khao xây dựng một thương hiệu thời trang Việt đúng ngang tầm với các thương hiệu ngoại. Tôi thấy yêu đời hơn với công việc kinh doanh của mình, thấy anh em người thân của mình cũng thay đổi theo và phát triển, nên mình càng thích hơn", anh nhận định.

Anh hy vọng rằng thương hiệu giày Việt sẽ càng được nhiều người biết tới, nhiều khách hàng đón nhận. Xa hơn nữa anh muốn thương hiệu Việt sẽ được bạn bè thế giới công nhận.

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam