8 tháng đầu năm, có 68.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

8 tháng đầu năm, có 68.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể có quy mô vốn nhỏ và thời gian hoạt động ngắn.

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020. Ảnh minh họa.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2020. Ảnh minh họa.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho biết trong tháng 8, cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 288.800 tỷ đồng, tăng 1,5% về số doanh nghiệp và tăng 20,7% về vốn đăng ký.

"Dịch Covid-19 mới xuất hiện trở lại vào cuối tháng 7 nên chưa ảnh hưởng quá nặng nề đến tâm lý cộng đồng doanh nghiệp", cơ quan thống kê nhận định.

Tính chung 8 tháng đầu năm, có 88.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.225 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 13,8 tỷ đồng.

Cả nước có thêm 32.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 27,9% so với 8 tháng năm 2019.

Ngoài ra, 34.300 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 24.200 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể và 30.600 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Trong 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, có 9.200 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, 168 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy; công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống…

Đây là năm ghi nhận lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh nhiều nhất từ 2015 đến nay, tăng đều ở tất cả lĩnh vực. Hầu hết doanh nghiệp chọn phương án này có thời gian hoạt động ngắn, một nửa là dưới 5 năm và quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vui chơi giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống có tỷ lệ ngừng kinh doanh cao nhất.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước, chủ yếu do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa trên diện rộng làm giá rau, giá gạo trong nước và giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, thành.

Tuy vậy, CPI tháng 8 vẫn giảm 0,12% so với tháng 12/2019. CPI bình quân 8 tháng đầu năm lại tăng 3,96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong mức tăng 0,07% của CPI tháng 8 so với tháng trước, có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Nhóm giáo dục tăng nhiều nhất với 0,18% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2020-2021 và giá các mặt hàng sách vở, đồ dùng học tập tăng do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị cho năm học mới.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%. Nhóm giao thông tăng 0,1% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cùng mức tăng 0,1%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt, giá dầu hỏa và giá gas tăng.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm văn hóa, giải trí và du lịch do nhu cầu du lịch của người dân giảm mạnh khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,03%. Riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không thay đổi.

Lạm phát cơ bản tháng 8 tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng đầu năm tăng 2,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Theo Nhà báo và Công luận