Vua sòng bạc Stanley Ho - con người của những điều kỳ lạ

Chẳng phải đến tận bây giờ, khi qua đời ở tuổi 98, cái tên Stanley Ho mới là tâm điểm của báo chí thế giới. Nhiều thập kỷ qua, con người được mệnh danh là “Ông vua của đế chế sòng bạc lớn nhất châu Á” đã khiến báo giới hao tổn không ít giấy...

Xây đế chế từ khoản vốn 10 đô la Hồng Kông

Không nhiều người biết rằng trước khi tạo dựng được cho mình “đế chế sòng bạc lớn nhất châu Á” trị giá nhiều tỷ đô, Stanley Ho đã từng khởi nghiệp chỉ với 10 đô la Hồng Kong trong tay.

Stanley Ho và đại gia đình của mình.

Điều này được cho là rất lạ bởi ông là con cháu của một dòng tộc rất giàu có và đa sắc tộc bao gồm cả gốc gác Do Thái, Hà Lan, Anh và Trung Quốc. Cha ông - Ho Kwong - là doanh nhân và Chủ tịch của Tập đoàn bệnh viện Tung Wah (Tung Wah Group of Hospitals) còn mẹ ông là con gái của ông Stephen Hall - nhà sáng lập tập đoàn này. Ông nội của ông - Ho Fook - là thành viên của Hội đồng Lập pháp năm 1917, còn chú của ông - Robert Hotung - từng được gọi là Sir Robert Hotung - là một trong những ông trùm đầu tiên ở châu Á, một trong những người giàu có nhất ở Hong Kong đầu thế kỷ 20. Gia đình giàu có, thế lực nên không ngạc nhiên khi Stanley Ho từ nhỏ đã được hưởng nền giáo dục cao cấp. 

Tuy nhiên, mọi sự đổi thay đến 180 độ đã xảy đến bất ngờ: Năm Stanley Ho 13 tuổi (Stanley Ho sinh ngày 25/11/1921), cha ông đã đầu tư sai lầm vào mớ cổ phiếu bị rớt giá khiến đại gia đình ông bỗng nhiên tán gia bại sản. Để thoát khỏi gánh nợ khổng lồ, cha ông phải bỏ nhà đi biệt xứ còn mẹ ông phải đi làm thuê để kiếm sống. Cái nghèo đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong ký ức của Stanley Ho. Sau này, Stanley Ho kể rằng chưa bao giờ ông quên việc cái đói, cái nghèo đã khiến ông vướng căn bệnh beriberi (bệnh rối loạn dinh dưỡng vì thiếu vitamin B), đã từng không dám ra nha sĩ để nhổ răng đau, và sau này, cả không dám đưa bạn gái đi chơi.

Gen kinh doanh tiềm ẩn, khí chất của gia tộc tầm cỡ đã giúp Stanley Ho có trong mình nghị lực vượt khó mãnh liệt. Sục sôi trong Stanley Ho trong nhiều tháng ngày là câu hỏi: làm sao để thoát nghèo, để làm giàu? Không chỉ là suy nghĩ, năm 19 tuổi, chàng trai Stanley Ho quyết chí một mình rời Hong Kong đến Macau lập nghiệp bất chấp việc trong tay chỉ vỏn vẹn  10 đô la Hong Kong (khoảng 30 nghìn đồng).

Trời không phụ lòng người. Công việc tại Macau Cooperative Company - công ty lớn nhất Macau chuyên bán hàng xa xỉ, máy móc, các nhu yếu phẩm - đã giúp Stanley Ho nảy ra việc kiếm bộn tiền từ việc buôn lậu các mặt hàng xa xỉ từ Macau qua biên giới Trung Quốc. Tính cách con nhà buôn cũng đã khiến ngay thời điểm đó giúp Stanley Ho hiểu rằng tiền phải đẻ ra tiền bằng cách dùng phần lớn số tiền kiếm được để mở một công ty xăng dầu và một công ty xây dựng và Stanley Ho đã thành công.

May mắn nối tiếp may mắn đến với Stanley Ho. Cuộc hôn nhân với người vợ đầu tiên Clementina Angela Leitao giàu có xuất thân từ gia đình thương nhân đã giúp Stanley Ho đổi vận, một bước gia nhập trở lại vào giới thượng lưu.

Nhưng “đỉnh cao” của cuộc đời Stanley Ho chỉ thực sự đến vào đầu những năm 1960 khi Stanley Ho cùng các đối tác của mình giành được quyền mở sòng bạc ở Macau. Việc được làm điều mà chưa ai được phép làm trước đó, biến Macau thành “Las Vegas của châu Á” đã khiến dòng tiền từ thời điểm đó không ngừng chảy vào túi Stanley Ho.

Làm giàu từ sòng bạc nhưng căm ghét đánh bạc

Năm 2018, Stanley Ho tuyên bố nghỉ hưu, chuyển giao các vị trí cấp cao tại SJM Holdings – tập đoàn quản lý, kinh doanh sòng bạc casino tại Macau. Nhưng trước đó, bốn thập kỷ qua, việc trực tiếp gây dựng, điều hành “đế chế kinh doanh casino”, việc biến Macau trở thành sòng bạc lớn nhất thế giới, đã khiến gia sản của Stanley Ho năm 2018 đã vượt qua con số 50 tỷ đôla Hong Kong (khoảng hơn 6,4 tỷ USD), biến ông trở thành người giàu nhất tại Macau và nằm trong số những người giàu nhất châu Á. Tập đoàn SJM Holdings của ông đang điều hành 20 casino tại Macau với diện tích hơn 100km2. Không chỉ kinh doanh cờ bạc, Stanley Ho còn kinh doanh nhiều lĩnh vực tại Hong Kong và Macau như giải trí, du lịch, vận tải, bất động sản, ngân hàng đến hàng không.

Stanley Ho thời trai trẻ.

Sòng bạc đã mang lại tất cả cho Stanley Ho. Tuy nhiên, lúc còn sống, chính bản thân Stanley Ho nhiều lần không ngại công khai khẳng định ông rất ghét trò đỏ đen và ông không bao giờ muốn con cái, người thân của mình dính líu vào cờ bạc. “Tôi luôn nói với các con và những người bạn tốt: Vì Chúa, đừng bao giờ đánh bạc nhiều, đừng đốt nhiều tiền vào đánh bạc và nếu có thể thì đừng bao giờ đánh bạc” - Stanley Ho chia sẻ quan điểm trong một lần trả lời phỏng vấn của Tạp chí Kinh tế Viễn Đông năm 1999. Những niềm vui thú lớn nhất của  Stanley Ho lúc còn sống là chơi bóng bàn, tennis và săn bắn.

Không bao giờ buông bỏ phụ nữ

Sau năm 1971, chế độ đa thê được xem là không còn hợp pháp ở Hồng Kông (Trung Quốc). Tuy nhiên, mọi việc dường như không tác động nhiều lắm đến Stanley Ho. Người đàn ông giàu có và quyền lực này cứ âm thầm lần lượt đưa về gia tộc nhà Stanley Ho tới 4 vị phu nhân.

Người vợ đầu tiên của Stanley Ho như đã nói là - Clementina Angela Leitao xuất thân từ một gia đình thương nhân Bồ Đào Nha giàu có, một thời được mệnh danh là “Đệ nhất mỹ nhân Macau”, cũng là người đã đưa Stanley Ho vào giới thượng lưu cũng như giúp ông khởi nghiệp thành công để rồi trở thành huyền thoại sòng bạc.

Stanley Ho và người vợ thứ tư Angela Leong (thứ hai từ trái sang).

Người vợ thứ hai của Stanley Ho là Lucina Laam cũng là một người phụ nữ rất đẹp và tài năng hiếm có, giúp ông rất nhiều trong việc quản lý công việc kinh doanh của gia đình. Nhưng thành công lớn nhất của bà lại là việc hạ sinh cho ông tới 5 người con, hầu hết đều hết sức giỏi giang, trong đó có tới 3 người đã trở thành tỷ phú là Pansy Ho, Daisy Ho Chiu-Mush và Lawrence Ho Yau-lung. Đặc biệt, năm 2018, cô con gái Pansy Ho còn được tạp chí Forbes đưa vào danh sách những người phụ nữ giàu nhất Hong Kong với trị giá tài sản ước tính khoảng 5,5 tỷ USD.

Người vợ thứ ba của ông là Ina Chan cũng là người phụ nữ tài năng, khi trụ vững trên vị trí quản lý cấp cao hàng loạt cơ sở kinh doanh của gia tộc.

Tuy nhiên, đáng nói nhất lại là người vợ thứ tư Angela Leong On-kei. Không phải con nhà gia thế, cũng không thuộc hàng nhan sắc nổi trội, nhưng rốt cuộc người phụ nữ này lại trở thành người vợ giàu có và nổi danh nhất, giá trị tài sản ròng ước tính tới 3,7 tỷ USD và sở hữu một chuỗi bất động sản thương mại và bán lẻ cao cấp khắp Hong Kong, Ma Cao và Trung Quốc đại lục, được ông trùm sòng bạc ưu ái nhất khi thường xuyên cho tháp tùng trong nhiều sự kiện kinh doanh lớn.

Phàm ở đời, phụ nữ vừa tài vừa sắc chả mấy khi chịu nhau, nhất lại là những người đàn bà “chịu kiếp chung chồng”, chưa kể còn lơ lửng trên đầu một khối tài sản chung khổng lồ cùng sự xuất hiện của tới 17 đứa con, nên những mâu thuẫn, tranh chấp, thậm chí là mưu hèn kế bẩn xuất hiện trong đại gia đình Stanley Ho cũng là chuyện không có gì lạ. Nhưng điều lạ là Stanley Ho luôn nỗ lực dàn xếp hòa khí giữa 4 người phụ nữ, làm sao để trong ấm ngoài êm nhất có thể, bởi trong quan điểm của ông: “Cả đời này, chỉ cần tôi thích, tôi chẳng cần phải theo đuổi bất cứ người phụ nữ nào vẫn có được họ. Vậy nhưng, vẫn là tôi, vẫn không biết cách nào có thể buông bỏ họ”.


Theo Công Luận