Tại tọa đàm “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp hậu Covid-19" do Câu lạc bộ Cafe số tổ chức sáng 9/6, TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, doanh nghiệp là lực lượng trọng tâm trong việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn, rào cản trong việc tiếp nhận hỗ trợ…
Ông Cung cho rằng chỉ có 1 Nghị định và 2 thông tư hỗ trợ doanh nghiệp, còn lại chỉ là đang “đốc thúc”.
Theo ông Cung, về các gói hỗ trợ của Chính phủ, dùng từ “gói” là không chính xác, bởi sau khi nhận hỗ trợ thì doanh nghiệp vẫn phải trả các gói đó. Trong khi đó, việc miễn giảm thuế, phí gần như là chưa có, đây mới là thứ mà doanh nghiệp đang thật sự cần.
Chẳng hạn, một số điều kiện hỗ trợ như giảm, hoàn thuế nhưng số người mất việc của doanh nghiệp đó phải trên 50%. Các doanh nghiệp hiện giờ phải giữ công nhân ở lại, nhưng điều kiện hỗ trợ này lại làm cho doanh nghiệp phải sa thải nhân viên mới được hưởng hỗ trợ.
“Đây là điều không hợp lý, tạo ra khuyến khích ngược đối với hành vi của doanh nghiệp”.
Thêm ví dụ như phí kiểm định, bảo trì đường bộ, ông Cung cho rằng nhiều xe nằm “đắp chiếu” trong những tháng dịch Covid-19 nhưng đến hạn đăng kiểm vẫn phải đi nộp phí. "Tại sao trong thời gian ngừng hoạt động lại không bỏ các loại phí này?", TS Cung nhấn mạnh.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong môi trường hoạch định kinh tế, ông Cung khẳng định hàng loạt chỉ đạo chắc chắn sẽ không bao giờ thực hiện được. Doanh nghiệp kì vọng nhất là tháo bỏ rào cản, thủ tục hành chính hơn là các hỗ trợ.
Ông Cung hy vọng nhận định của mình là sai, nhưng nhiều tháng qua tình hình vẫn chưa thay đổi được gì.
Vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp tại Việt Nam đa số là những doanh nghiệp nhỏ do thủ tục hành chính ràng buộc, tiếp cận nguồn vốn khó khăn. Do đó, cần phân định lại, hỗ trợ tập trung vào các ngành chịu tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 như hàng không, du lịch... đồng thời hỗ trợ “ra tấm, ra món” để các ngành đó đủ sức phục hồi. Còn cách làm rải rác, dàn trải như hiện nay chỉ như muối bỏ bể, rất khó giải quyết…
Dự đoán về kịch bản cho năm 2020 và nhiệm kỳ tiếp theo, ông Cung cho rằng, có thể là sang đến năm 2022 nền kinh tế có khả năng quay lại thời kỳ năm 2011, thời điểm đó hệ thống ngân hàng yếu hơn nhiều so với hiện nay.
Cuối cùng, ông Cung khẳng định, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đề ra, bây giờ Chính phủ và Quốc hội phải trình một kịch bản khác, giải quyết được mức độ nào đó các phát sinh và cần phải triển khai ngay lập tức. Các chỉ số kỳ vọng như tăng trưởng tín dụng đều tụt giảm xuống mức rất thấp, Chính phủ cần kích hoạt mạnh để khởi động lại nền kinh tế.
TS Cung cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2020; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội…
Cuối cùng ông Cung cho rằng, mặc dù định hướng chính sách là phù hợp; nhưng mức độ hỗ trợ vẫn còn quá nhỏ so với mức độ thiệt hại của doanh nghiệp.