Đề án 8 năm "nâng lên, đặt xuống"
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TP được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2012. Tuy nhiên, do đề án chưa nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và các khó khăn về mặt pháp lý, giá vé, chế tài xử phạt... nên đề án chưa thể triển khai.
Đến nay, sau nhiều năm chuẩn bị, cùng với tình hình giao thông của TP ngày càng phức tạp, kẹt xe trở thành vấn nạn của thành phố thì đề án đã nhận được sự ủng hộ khá nhiều từ người dân cũng như sự đồng thuận của HĐND TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Quyến, ngụ ở quận 9 cho rằng, thu phí vào trung tâm là đúng, nhưng việc cần làm ngay là hoàn thành hệ thống đường vành đai. Người dân đi ra các tỉnh lân cận có nhiều lựa chọn, không phải xuyên tâm thành phố. Đồng thời cũng nên tính đến việc hạn chế xe máy, loại phương tiện này chiếm rất nhiều diện tích mặt đường.
Chị Võ Huệ Hương ngụ quận Thủ Đức, thường xuyên đi làm bằng xe ô tô cho biết, "hiện nay, người dân mua một chiếc ôtô đã phải gánh nhiều thứ thuế, phí rồi, nên để làm được điều này, TP cần phải có phương tiện công cộng thay thế, phát triển xe buýt, metro… để kịp thời đáp ứng lựa chọn thay thế xe cá nhân cho người dân. Thu phí để hạn chế ô tô vào trung tâm các nước cũng đã làm từ lâu rồi nhưng vấn đề là mức phí thế nào, cách thu ra sao, cần làm rõ".
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Đại học Việt - Đức cho rằng, hạn chế xe cá nhân vào trung tâm TP là việc nên làm. Tuy nhiên, bất kể giải pháp nào cũng nên xem xét về mặt công nghệ, quản lý, sự ủng hộ của cộng đồng, xã hội. Công nghệ áp dụng phải thông minh, hiện đại, tích hợp, phù hợp với tất cả mọi đối tượng.
"Thu phí không đồng nghĩa là cấm xe cá nhân mà mục tiêu hạn chế xe để giảm ùn tắc, cân bằng lại hệ thống giao thông vào giờ cao điểm. Vấn đề về nguồn thu cũng rất quan trọng, thành phố phải làm sao để minh bạch hóa nguồn thu, nguồn thu đó có tác dụng để cải thiện hạ tầng giao thông tốt hơn, lúc đấy mới thuyết phục được người dân", ông Tuấn nêu quan điểm.
Hệ thống thu phí tự động, không phải dừng xe
Đề án thu phí ô tô vào trung tâm ban đầu do Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong đề xuất với số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Năm 2019, UBND TP giao cho Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thuộc Sở GTVT làm chủ đầu tư với kinh phí 250 tỷ đồng bằng ngân sách TP. Đề án bao gồm 34 cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Dự kiến khi triển khai thu phí, mỗi ôtô sẽ mở một tài khoản. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản. Ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp; xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy...); xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và thông báo xử phạt, sau đó báo qua đơn vị đăng kiểm không cho đăng kiểm cho đến khi nộp phạt.
Các vị trí thu phí sẽ lắp camera chuyên dụng để nhận dạng các loại xe ô tô. Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. 34 vị trí sẽ thu phí sẽ nằm trên các tuyến đường gồm: Đường 3/2, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Phúc Nguyên (giao với đường Cách Mạng Tháng Tám) và tuyến đường Hoàng Sa dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Sau khi thu phí, ô tô vào trung tâm giảm 49% giờ cao điểm ?
Trao đổi với PV, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP.HCM cho biết, sau khi đề án được HĐND TP thông qua Sở sẽ hoàn chỉnh, bổ sung để đáp ứng các quy định về mặt pháp lý. "Mục tiêu của đề án này không phải là lợi nhuận về tài chính, mà nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông trong khu vực nội đô thành phố. Để người lái xe sẽ cân nhắc việc đi ô tô vào trong trung tâm nếu không thực sự cần thiết. Khi ấy, tình trạng ô tô vào trung tâm sẽ giảm", ông Đường nói.
Theo ông Đường, cái khó của đề án là chế tài chưa rõ ràng. Đối với biện pháp chế tài, cần tính toán việc xử phạt nguội qua camera hay xử phạt trực tiếp để tạo được sự công bằng và nghiêm minh. Việc thu phí cũng còn phải bàn bạc, cân nhắc quyết định mức thu phí cho hợp lý. Ngoài đề án thu phí ô tô vào trung tâm, TP đã có nhiều giải pháp tổng thể trong giai đoạn từ năm 2021- 2030 như tăng cường phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân… Tất cả nguồn thu phí trên nộp vào ngân sách, nguồn thu trên sẽ phục vụ phát triển giao thông công cộng cũng như đầu tư xây dựng hệ thống giao thông hạ tầng của thành phố.
Theo nghiên cứu của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ôtô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng từ 9% lên 15%. Kinh nghiệm từ các nước khác cho thấy kết quả đạt được giảm 30-50% phương tiện đi vào khu trung tâm giờ cao điểm.
Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (chủ đầu tư) cho biết, TP.HCM có 10% người dân đi ôtô, 80% đi xe máy, còn lại dùng phương tiện khác. Nếu cấm xe máy vào trung tâm sẽ ảnh hưởng đến phần lớn người dân, và xe máy chiếm 40% mặt đường nhưng chở được 80% lượng người; còn ôtô chiếm 55% mặt đường nhưng chỉ chở được 10%. Do vậy, kiểm soát ôtô sẽ nhanh hơn, tác động mạnh hơn. Với mức phí đề xuất 30.000-50.000 đồng, lượng ôtô vào vùng thu phí sẽ giảm khoảng 40% giờ cao điểm.