Chết trắng 3.500ha
Hạn mặn vừa dứt chưa bao lâu, nhiều vườn cây sầu riêng tại vùng chuyên canh tỉnh Tiền Giang bắt đầu biểu hiện rụng lá và chết cây. Diện tích cây chết ngày một tăng dần.
Theo Sở NN-PTNT Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 14.000ha cây sầu riêng, tập trung ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Đến nay, thống kê chưa đầy đủ đã có khoảng 4.500ha sầu riêng bị thiệt hại. Trong đó, lên đến 3.500ha diện tích có cây bị chết trắng.
Theo đánh giá, thời gian tới diện tích bị thiệt hại còn tăng. Nguyên nhân làm cho sầu riêng chết là do thiếu nước tưới, tưới nước nhiễm mặn, sâu bệnh, cây suy kiệt và mưa trái vụ.
Ông Nguyễn Văn Đạt, ở ấp Tân Sơn, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết, sau đợt hạn mặn vừa qua 6 công vườn cây sầu riêng hơn 10 năm tuổi của gia đình ông đã bị chết trắng. Ông Đạt đành ngậm ngùi thuê máy cưa, đốn củi dọn vườn để trồng cây khác.
“Tôi mướn cưa thành củi là 70.000 đồng/cây. Do cuộc sống khó khăn nên giờ chỉ trồng những cây phù hợp với kinh tế của mình như mít, chuối. Còn cây sầu riêng, trồng, chăm sóc khoảng 5 năm sau mới có trái bói, mà hạn mặn thì không ai dám nói trước. Cây sầu riêng này nhạy cảm nhất so với các loại cây khác, sợ nó chết nên mình không dám trồng”, ông Đạt nghẹn ngào.
Còn vườn sầu riêng 5 công chết trắng của nhà ông Nguyễn Văn Triệu, cùng ngụ xã Ngũ Hiệp trông rất thê thảm. Ông không có tiền để thuê máy cưa đốn cây nên đành bỏ xó, cho con cháu gom củi chụm.
Nhìn vườn cây xơ xác, ông Triệu ngậm ngùi: “Bây giờ dù có mưa xuống thì cây sầu riêng vẫn chết do đất nhiễm mặn. Nhà có một mình nên không đốn hết được cây, chỉ bẻ nhánh cho mấy đứa cháu gom dùm, đắp mô trồng cây vô rồi chuyển qua các cây khác, nhẹ vốn hơn”.
Nhiều vườn sầu riêng khác ở các xã Tam Bình, Long Trung, Long Tiên… của huyện Cai Lậy cũng cùng chung số phận. Nhà vườn đành phải đốn phá vườn cây sầu riêng do bị khô cành, thối rễ để làm củi chứ không còn cách nào cứu vãn.
Tại thị xã Cai Lậy, theo thống kê của Phòng Kinh tế, toàn thị xã có trên 5.100ha cây sầu riêng. Phần lớn, tuổi cây từ 10 năm trở lên và đang được nhà vườn tập trung cho trái. Hạn mặn năm nay đã ảnh hưởng nặng nề chất lượng và năng suất trái. Sau hạn mặn, khoảng 1.100ha sầu riêng bị chết, với tỷ lệ từ 20 đến 50%, có một số vườn tỷ lệ cây chết 100%.
Xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy có 183ha sầu riêng bị chết trên tổng diện tích 528ha. Phần lớn sầu riêng bị chết là giống Monthong, riêng giống Ri6 và các giống khác tỷ lệ cây bị chết thấp hơn.
Nhều nhà vườn đành ngậm ngùi đốn bỏ cây sầu riêng không còn khả năng phục hồi. Ảnh: Minh Đảm.
Vừa qua, Đoàn công tác liên ngành của Bộ NN-PTNT gồm Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm BVTV phía Nam, Viện Cây ăn quả miền Nam và Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã đến thị xã Cai Lậy khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân cây sầu riêng bị chết sau ảnh hưởng của đợt hạn mặn.
Đoàn đã thu thập nhiều mẫu đất, rễ, thân, cành, lá cây sầu riêng để nghiên cứu tìm nguyên nhân làm chết cây, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng sầu riêng chết sau hạn, mặn.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Tiền Giang: Với các vườn thiệt hại, người dân sẽ nhận được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ năm 2017 về hỗ trợ thiên tai. Cụ thể, định mức cây ăn trái thiệt hại trên 70%, người dân sẽ nhận hỗ trợ 4 triệu đồng mỗi ha, thiệt hại 30 - 70% là 2 triệu đồng mỗi ha.
Ngại trồng lại sầu riêng vì sợ mặn
Ông Thái Văn Lộc ở ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy có 7 công vườn sầu riêng 6 năm tuổi. Đợt hạn mặn vừa qua, ông đã chi gần 130 triệu đồng bơm nước ngọt nhưng hơn 70% gốc sầu riêng đã khô cành, rụng lá.
Hiện nay, ông Lộc đang chuẩn bị phá vườn sầu riêng chết nhưng không biết trồng lại cây gì để đối phó với hạn mặn thời gian tới.
Ông Thái Văn Lộc băn khoăn vì chưa biết trồng lại cây gì sau khi đón bỏ vườn sầu riêng chết. Ảnh: Minh Đảm.
“Khô hạn và ngập mặn nên 70 - 80% diện tích sầu riêng đã chết, giờ gia đình cũng cố gắng muốn trồng lại nhưng chưa biết trồng cây gì. Bây giờ nếu có trồng thì một là mít hai là chanh. Việc cải tạo vườn rất tốn tiền nên cần phải được hỗ trợ vay vốn.
Ngoài ra, vấn đề cây giống, phân bón cũng như công tác ngăn mặn cần phải được tính toán và kiểm soát. Các cống, đập, đê cần phải được cải tạo kiên cố, nếu cứ để nước mặn xâm nhập người dân không còn cách nào để canh tác”, ông Lộc tâm tư.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp cho biết: “Vườn nào tưới nước nhiễm mặn thì cây sẽ chết dần. Tại các vườn bị ảnh hưởng, bà con giờ rất ngại trồng lại cây sầu riêng vì thời gian đầu tư dài, chi phí lớn. Bây giờ bà con chủ yếu trồng cây ngắn ngày như chanh, mít để mau thu hoạch vì sợ mặn đến nữa. Bà con đang mong chờ nhà nước đầu tư cống, bọng khép kín mới dám trồng lại sầu riêng”.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, mặn đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả sầu riêng, gây cháy múi, ăn không béo, ngọt, màu sắc nhợt nhạt. Tại vườn của ông Lộc, năm nay do ảnh hưởng của nước mặn khoảng 20% diện tích, cây bị suy kiệt không thể xử lý ra hoa, phải cắt tỉa cành chết phục hồi cây.
Những vườn sầu riêng bị thiệt hại từ 30% trở lên sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 02 của Chính phủ. Ảnh: Minh Đảm.
“Chính quyền chưa có định hướng cho người dân phải trồng cây gì và bỏ cây gì. UBND xã đang tiến hành xác minh số cây sầu riêng bị chết để đề nghị nhà nước hỗ trợ giúp cho người dân khắc phục vườn cây ăn trái”, ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình nhìn nhận.
Mỗi héc-ta sầu riêng bình quân mỗi năm cho khoảng 20 tấn. Giá sầu riêng mùa thuận thấp nhất cũng 35.000 đồng/kg. Mùa nghịch, giá có thể lên đến trên 80.000 đồng/kg. Vì vậy mỗi héc-ta sầu riêng cho thu từ 700 triệu đến 1,6 tỷ, bình quân khoảng 1 tỷ đồng. Trừ các chi phí đầu tư chăm sóc, nhà vườn thu được khoảng 800 triệu đồng/ha.
Là cây hái ra tiền nhưng nhà vườn nhiều nơi ở tỉnh Tiền Giang không thể giữ chân loại cây đặc sản này.