Theo đó, ngành công nghiệp thực phẩm xa xỉ được đánh giá là một trong những khu vực bị tác động tồi tệ nhất bởi nó phụ thuộc nhiều vào chuỗi hệ thống nhà hàng và khách sạn lớn, vốn vẫn là “khách ruột” tiêu thụ các mặt hàng cao cấp, từ trứng cá muối đến rượu sâm panh.
Thống kê chỉ có một con số rất nhỏ các nhà sản xuất thực phẩm xa xỉ may mắn vẫn còn lai rai tồn tại để duy trì hoạt động, trong khi phần lớn đã buộc phải cắt giảm sản lượng do đã bị mất tới già nửa giá trị kể từ đầu năm.
Jean-Marie Barillere, đồng chủ tịch nhóm các nhà sản xuất rượu sâm panh tại Pháp CIVC ví von, ông vẫn hy vọng mọi người sẽ sớm được ăn mừng việc chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa bằng hành động khui một chai sâm panh, nhưng dự kiến điều này sẽ khó mà thực hiện trong năm nay.
“Lúc này thực sự là khoảng thời gian giống như đang có chiến tranh”, ông Barillere nói.
Theo số liệu thống kê của hãng OpenTable, dịch vụ đặt chỗ nhà hàng trực tuyến, lượng thực khách sụt giảm từ đầu năm đến nay đã xấp xỉ 80% so với mọi năm tại các nhà hàng ở Mỹ, Vương quốc Anh, Đức, Canada, Úc, Ireland và Mexico. Điều này đồng nghĩa với việc mọi người cũng sẽ ít tiêu thụ những loại thực phẩm xa xỉ trong giai đoạn bị mắc kẹt ở nhà, một phần lo sợ bị mắc dịch viêm phổi cấp và phần nhiều do tình hình tài chính bị sa sút.
“Thực khách sẽ không mặn mà với việc nếm thử dòng vang Pet Petrus, tôm hùm hoặc trứng cá muối khi họ vẫn nơm nớp lo bệnh dịch. Khi họ buộc phải ăn trong hoàn cảnh hiện nay, họ sẽ chọn đồ ăn nhanh”, ông Michel Berthommier, giám đốc điều hành chuỗi nhà hàng Caviar Perlita ở miền tây nam nước Pháp cho biết.
Ole Houe, giám đốc dịch vụ tư vấn tại công ty môi giới nông nghiệp IKON ở Sydney (Úc) nói rằng, rất khó trông mong một sự phục hồi sớm khi có nhiều quốc gia đang lâm vào suy thoái, trong đó những loại thực phẩm xa xỉ bao giờ cũng “chết trước” do nhu cầu sụt giảm mạnh.
Tại Tokyo, giá loại “siêu thịt bò” wagyu nổi tiếng với chất lượng hảo hạng đã mất khoảng 30% thị phần, tương tự món cá ngừ vây xanh số một Nhật Bản cũng đã giảm tới hơn 40%, trong khi giá dưa lưới đặc sản nức tiếng vùng Shizuoka đã mất hút 30%, so với cùng kỳ năm trước.
Tại Nga, doanh nghiệp kinh doanh và nhân giống cá tầm hàng đầu, Caviar House hiện đã phải rao hàng giảm giá tới 30% đối với sản phẩm trứng cá muối có một không hai Beluga, cho dù thời điểm này như mọi năm đang là thời điểm cháy hàng. Ông Alexander Novikov, chủ hãng xa xỉ phẩm này cho biết, doanh số bán hàng trong nước đã giảm 50%.
Còn tại Pháp, giá trứng cá muối cũng giảm xuống gần mức thấp nhất trong lịch sử, doanh số bán rượu sâm panh cũng giảm không phanh, trong khi các nhà sản xuất pa-tê gan (foie gras) buộc phải cắt giảm sản lượng để kích giá lên.
Cifog, một nhóm các nhà sản xuất foie gras liên kết với chuỗi hệ thống nhà hàng tiêu thụ tới 40% tổng doanh số foie gras trong nước cũng than trời vì ế ẩm: “Đến giữa tháng ba, chúng tôi cảm giác như bầu trời đổ sụp xuống”, ông Boucherie, nhà sản xuất 2 tấn patê gan ngỗng mỗi năm ở Pháp chia sẻ.
Tại Nhật Bản, trùm môi giới cá ngừ tại chợ cá Toyosu ở Tokyo Yukitaka Yamaguchi cho biết, các đầu bếp sushi hàng đầu buộc phải bán 10 kg cá ngừ đã mua vào với giá 400.000 yên (3.738 USD) xuống còn 25.000 yên cho các siêu thị để cắt lỗ.
Nhiều ngư dân khai thác hàu đặc sản ở vùng Cape Cod cũng đã buộc phải cắt giảm hoặc đánh bắt cầm chừng sản lượng trong thời kỳ thói quen tiêu dùng đi xuống. Để gỡ gạc phần nào khoảng cách, nhiều nhà sản xuất thực phẩm cao cấp đã cố gắng tiếp cận người tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Hugh Killen, giám đốc điều hành doanh nghiệp sản xuất thịt bò niêm yết lớn nhất Australia (AAC.AX) cho biết, chúng tôi phải chuyển hướng đẩy mạnh việc cung cấp sản phẩm vào những siêu thị hàng đầu thế giới và bán thẳng cho người tiêu dùng đặt mua trực tuyến, bất chấp lợi nhuận thấp hơn nhiều so với trước đây.
Hiện ông Yamaguchi đã phải lên kế hoạch nghỉ hưu vì khoản nợ chồng chất trong thời kỳ đại dịch. “Tôi đã lên kế hoạch nghỉ hưu khi tròn 60 tuổi, nhưng không ngờ điều đó lại đến sớm hơn”, ông Yamaguchi nói.