Bà Rịa bước trên sình lầy muối mặn, tay thau chua lúa chín cả ba mùa. Bà Tô về vùng rừng Xuyên Mộc, ghé Bình Châu nước nóng luộc trứng gà. Bà Phi Yến mẹ Hoàng tử Cải, hồn Cải về Trời mẹ chịu kiếp đắng cay. Chị Sáu nằm ở Hàng Dương bốn mùa lộng gió, mùa hoa Lê-ki-ma nhớ Đất Đỏ quê mình. Đặc sản vùng này mang dáng hình người con gái, ngon nhớ lâu bà Ba trộn mắm bằm, rồi bánh khọt cô Ba và cây vú sữa, ốc Vú Nàng Côn Đảo chẳng hề quên.
Thời Pháp thuộc, người ta qua xứ Cap Saint Jaques (Vũng Tàu), hỏi người dân ai cũng biết Ẹo Ông Từ. Ông lừ đừ vào đền chậm chạp, bà con gắn cho ông chữ “ẹo”. Một chữ “ẹo” ông nghiêng về phái yếu, chắc thắt đáy lưng ong, eo iếc luôn rồi. Về Côn Lôn theo câu hò sóng nước, ai chẳng mỉm cười quá sá là vui “Ai qua Đất Thắm, bãi Bàng/ Hỏi thăm ông Đụng Vú Nàng lớn chưa?". Những địa danh mĩ miều con gái có sức hút lạ kỳ; hấp dẫn, trong veo nơi cửa ngõ Vũng Tàu: Bà Rịa - thành phố mặt trời mọc!
Hai mươi năm, đất lạ thành quen, vợ chồng tôi rời cánh rừng cao su, cà phê Châu Đức về với thành phố Bà Rịa. Thành phố trẻ bên bờ sông Dinh. Nơi gia đình tôi ở trọ là một ngõ nhỏ, núp sau lưng khối Vận ít người. Nơi ấy có tiếng chuông nhà thờ đánh thức, có những nhịp ngân nga bài Thánh ca lễ tạ, dâng Chúa kính yêu cứu rỗi cuối tuần. Cách vài trăm mét có tháp nước, tháp canh nhà Tròn xây từ thời Pháp. Từ lâu lắm, hơn 100 năm rồi, người ta gắn sáu loa phóng thanh dưới mái nhà Tròn. Lúc chuông nhà thờ ngân, loa cũng hòa vào mà hú vang, giục giã sôi lên mỗi buổi sớm mai và buổi tan tầm. Ngôi nhà hình lục lăng như người mẹ ngày xưa đội nón ra đồng. Nằm giữa ngã sáu ồn ào, ngày ngày, lũ chim bay về xây tổ ấm như nón bện thêm quai bên dưới tai cằm. Những tổ đất màu vàng bồi đắp, nằng nặng chẳng rụng rơi xuống dưới bao giờ. Đất lành chim đậu. Lúc đầu, tôi tưởng đó là loài chin Yến, nhưng không phải, loài chim Én mùa xuân. Không phải một cánh Én nhỏ mà có đến mấy nghìn đôi cánh chao nghiêng, xay lúa dưới hiên nhà.
Chẳng hiểu sao, tôi thích chơi với người Nam bộ. Có phải vì họ bộc trực, thật thà và chất phác, hay quý mến, dễ thương, hào hiệp nghĩa tình. Bên cạnh những tấm lòng quân tử, còn có cả những “hảo hán” yêu ghét bộc trực, ruột gan phơi đến độ “phổi bò”. Ở vùng đất này, hình như người ta thường ngoại giao bên bàn nhậu, mến nhau bằng niềm vui, cởi mở chân tình. Ngày hôm nay, có thể đi tăng 1, tăng 2, tăng 3, rồi ngày mai tắt tiếng, hết tiền. Tiền bạc phù du. Người Nam bộ rất giàu vì bạn, sang sáng chiều vì vợ đẹp, con ngoan. Họ rạch ròi thế nào là nhậu sương sương, tử tế, lấy vại bia, ly rượu mở lời. Ít thì hai lon, còn gọi là dép một đôi; còn nhiều thì vào ba ra bảy. Không giỏi uống cứ ngồi nhấm nháp, phá mồi tràn lan chẳng ai chê, ai đuổi mình về. Ăn nhậu miền Nam cũng phải có phong cách, nâng ly cụng cái “cắc”, uống cạn cái “ực”, cục đá lạnh rơi nghiêng vào đáy ly cái “rắc”, miệng nói cái “hà”, tay bắt cái “đẹt”. Ngon cơm. Nó ngược với thói xấu lê la, mặt mũi láo liên lếch thếch áo quần. Người ta gọi nhậu “zậy” là “lầy lội”. Vui, mở lòng là chính, rẻ ngon hơi xa cũng hóa thành gần. Ở đám nhậu đông vui, hứng khởi, người ta bắt nhịp khỏe khoắn: một - hai - ba.. zô, hai - ba… zô, hai - ba zô. Cứ vậy, cuộc nhậu, cuộc vui được đẩy lên cao trào - một cao trào tình bằng hữu thăng hoa!
Ở thành phố Bà Rịa, mùa mưa, đất và nước miền Đông rất đỏ. Sau cơn mưa, cả Bà Rịa xanh một màu óng ánh lá non. Dòng sông Dinh lặng lẽ bồi đắp về bờ bãi cuối Long Hương. Thỉnh thoảng, có những miếng lục bình quẩn quanh bên cù lao thượng nguồn và nhẹ nhàng trôi xuôi về phía biển. Tháng bảy, người ta phóng xe đi dọc đường Hoàng Diệu, theo bờ sông đến nơi có con suối trong veo thả cả xô cá, chậu rùa phóng sinh vào lòng sông hiền từ Mẫu - Tử. Mây trắng núi Dinh giăng chiều tháng Bảy, có con đường nối dài từ Hòa Long qua vòng xoay bà Dụng và đường Võ Thị Sáu chạy thẳng xuống Long Điền. Nơi ấy có ngôi mộ bà Rịa. Ngôi mộ được nhân dân khói hương, thờ phụng bốn mùa. Không ai nhớ bà Rịa từ đâu đến, hậu duệ của bà là ai, nhưng ai cũng thấy ngân lên hơi thở dễ thương vương vấn nữ quyền. Người dân như được ru trong gió biển, ru trong vòng tay vỗ về Bà Rịa, ru thành phố lên đèn ngủ sớm canh hai. Bây giờ đỡ hơn, so với những ngày tôi mới về Bà Rịa, thành phố đêm đã nhộn nhịp hơn nhờ chợ đầu mối, quán xá bán buôn, cà phê nhấp nháy, nhạc nhảy xập xình. Nhớ ngày trước, cứ chín giờ ra đường là thành phố vắng tanh. Thành phố dậy sớm cùng mặt trời lấp lánh, sạch bong bong, chẳng một ai đổ nước phở ra đường.
Ở Bà Rịa, những sớm mai đây cò trắng vẫn ra đồng. Cò gật gù kiếm ăn ở mấy thửa ruộng Hòa Long, Long Phước. Cò lội nhẹ nhàng ở mấy đầm, phá, luồng lạch chân cầu Cỏ May. Cánh cò bay la con đường Bà Rịa, nối dặm dài nước mưa, nước mắm, nối ngày xửa ngày xưa Bà Rịa đến quê mình! Thành phố chim Én bay mùa Xuân gõ cửa, cánh nhẹ chao nghiêng một khoảnh khắc còi tầm. Tiếng em nhỏ học bài và tiếng chuông ngân Nhà thờ Thành phố, gọi cả đôi bờ sắc nước, dòng sông. Dòng sông Dinh chảy phía mặt trời mọc, nối lòng mình với con sóng nhỏ, với cánh buồm lòng khắc khoải những ngày xa!