Tăng trưởng âm: Phải nhìn vào sự thật

Mới đây, một số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 12 địa phương đang tăng trưởng âm. Đây là dự báo đã được tính đến khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát, thậm chí sắp tới nếu dịch vẫn tiếp diễn thì sẽ còn nhiều hơn nữa.

Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến trong thời gian qua, đề xuất các giải pháp, tuy nhiên cần nhìn thẳng vào sự thật về sức chống chịu của doanh nghiệp và nền kinh tế…

Tăng trưởng âm là điều không thể tránh?

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 vẫn đang là một thách thức về y tế và kinh tế cho toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhất ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh lại bùng phát trở lại, cùng với chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa thể nối lại được, dẫn tới các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng yếu, cho nên không dễ mà khôi phục được mức tăng trưởng như mong đợi.

Trên thực tế, Mỹ cũng như một loạt nước châu Âu và các nước Asean cũng tăng trưởng âm. Ở châu Á chỉ có Việt Nam và Trung Quốc là hy vọng tăng trưởng dương với mức tăng không đáng kể theo dự báo của thế giới cũng như trong bối cảnh giả định Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Nhưng với thực tế hiện tại, câu chuyện tăng trưởng âm là tình huống mà nhiều địa phương, cơ sở và doanh nghiệp phải tính đến.

Covid-19 đang bủa vây nền kinh tế toàn cầu, nhiều ngành kinh tế đang phải đóng băng do dịch bệnh.
Covid-19 đang bủa vây nền kinh tế toàn cầu, nhiều ngành kinh tế đang phải đóng băng do dịch bệnh.

Theo PSG. TS Trần Đình Thiên, cần phải xác định rõ, quyết tâm để không tăng trưởng âm là một chuyện, nhưng thực tế lại là chuyện khác. Với thực tế hiện tại, cũng nên xác định sẽ còn nhiều doanh nghiệp, cơ sở phải đóng cửa là việc không thể tránh khỏi. Mặc dù hiện nay có thông tin cho thấy có một số doanh nghiệp đang khôi phục, có hướng đi khác để duy trì, thậm chí là bứt phá trong thời điểm hiện tại, nhưng đây chỉ là số ít. Đa số các doanh nghiệp sẽ yếu đi. Nếu dịch tiếp tục kéo dài thì khả năng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

Khi sức chống chịu của doanh nghiệp giảm đi, đồng nghĩa với nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng. Do đó, đây là thời điểm khốc liệt, cần phải nhìn thằng vào sự thật để nhận rõ ràng, chứ không nên dùng phương pháp "trấn an", qua đó có những giải pháp chắc chắn.

TS Nguyễn Minh Phong cũng cho biết, việc Chính phủ và cơ quan chức năng khẳng định cố gắng phấn đấu tăng trưởng ở mức cao nhất có thể, để không tăng trưởng âm còn khả thi hiện thực đến đâu thì còn phải cân nhắc. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều căn cứ để tin tưởng là tăng trưởng không âm, ví dụ trong 6 tháng nửa đầu năm chúng ta đã duy trì được tăng trưởng dương, kiểm soát khá tốt dịch bệnh và cho đến nay chưa phải thực hiện biện pháp giãn cách toàn quốc – đây rõ ràng là một cơ hội rất tốt để các doanh nghiệp tiếp tục phục hồi, tiếp tục phát triển cũng như chuyển đổi các hoạt động kinh tế phù hợp với bối cảnh mới. Và quan trọng là Chính phủ cũng đã thay đổi tư duy về điều trị dịch bệnh, đó là không áp dụng đồng loạt cứng nhắc giãn cách mà dập từng trọng điểm, để thực hiện các hoạt động kinh tế bình thường, trừ các hoạt động không thiết yếu như karaoke, quán nhậu…

Cùng với đó là Việt Nam đang hết sức nỗ lực để có vắc-xin, hoặc là trong nước sản xuất hoặc mua của nước ngoài. Đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ sớm có một phương thức để kiểm soát và điều trị dịch bệnh. Ngoài ra Việt Nam cũng có những ứng dụng về thuốc để có thể dập dịch tốt hơn cũng như để thay đổi quy trình chữa bệnh để tránh trường hợp phải giãn cách. Cùng với đó là  những động lực mới đang xuất hiện ví dụ như: EVFTA bên cạnh Hiệp định CPTPP, và việc đẩy nhanh đầu tư công cũng là một quyết tâm mới của Chính phủ...

Làm gì để không tăng trưởng âm?

Hiện nay nhiều nước đã mở cửa trở lại và đây được cho là xu hướng khá tốt, phù hợp với yêu cầu phát triển cũng như tạo cơ hội cho từ nay đến cuối năm. Nhưng để hiện thực hóa được mục tiêu không tăng trưởng âm thì các cơ quan, bộ, ban, ngành, địa phương cần phải thực hiện tốt và nghiêm minh tất cả các chỉ đạo của Chính phủ, thực hiện mục tiêu kép mà trước mắt là không để dịch bệnh lan tràn, thứ hai là tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế.

Empty

PSG. TS Trần Đình Thiên cho rằng, hiện Chính phủ đã có những hành động khá quyết liệt để cứu doanh nghiệp và nền kinh tế, với nhiều phương án để chống dịch, tung các gói hỗ trợ, khai thông mạch kinh tế… Nhưng với nguồn lực còn khó khăn thì Nhà nước cần có chiến lược khôn ngoan. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ, giải tỏa các áp lực cho doanh nghiệp về câu chuyện thuế và giãn nợ.

Bên cạnh đó, việc cứu trợ doanh nghiệp phải có trọng điểm, không thể làm kiểu "đại trà" khi nguồn lực còn ít. Bởi có nhiều doanh nghiệp ngay cả khi hỗ trợ cũng không giải quyết được khó khăn của họ, nên tập trung vào việc cứu những doanh nghiệp có điều kiện để phục hồi. Nên quan tâm tới các doanh nghiệp hướng tới tương lai để vực dậy nền kinh tế, chứ không phải chỉ là chia sẻ nguồn lực ít cho "mỗi người hưởng một tý". Trong đó chính là những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây chính là cơ sở giúp nền kinh tế "thay máu". Bởi vì sau khi nền kinh tế "tỉnh dậy" cần phải có một tư thế mới, một thế lực mới. Tuy nhiên, chọn lọc cần làm kỹ để tránh câu chuyện "sân sau", thiên vị và lợi ích nhóm mà là cần hướng tới những doanh nghiệp có tác động tích cực nhất tới khả năng "đứng dậy" của nền kinh tế. Ngoài ra, cần ưu tiên tối đa trong việc giải ngân các nguồn lực đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương cần nhanh chóng giải ngân, tránh việc chậm như hiện nay.

Còn theo TS Nguyễn Minh Phong, các địa phương phải cụ thể hóa kế hoạch sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư cũng như các ứng dụng hoạt động phù hợp với tình hình mới. Tiếp xúc với nền tảng công nghệ để tăng trưởng ở mức cao nhất có thể. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải tự cứu mình trước khi chờ cứu, trước khi có những chuyển biến lớn ở tầm vĩ mô. Bởi rõ ràng việc tăng cường các ứng dụng kinh tế, chuyển đổi các mô hình kinh doanh nhất là các mô hình điện tử, hoạt động quản lý từ xa là rất cần thiết. Nếu đây là cơ hội phát triển trong dịch bệnh thì nên ưu tiên phát triển, ví dụ về lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin, thương mại điện tử hay một số ngành sản xuất vật tư thiết bị y tế…

Hơn nữa, Việt Nam phải chủ động tìm kiếm sự trợ giúp của quốc tế thông qua các gói hỗ trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng thế giới. Hiện nay họ đã có những chương trình hỗ trợ rất thiết thực. Ngoài ra, cần học tập kinh nghiệm của các nước để thực hiện hiệu quả hơn việc chống dịch cũng như phục hồi kinh tế, rất hữu ích trong bối cảnh này.

Với diễn biến này, nhiều chuyên gia kỳ vọng, Việt Nam sẽ tăng trưởng dương ít nhất là trên dưới 2% như các tổ chức và quốc tế đã dự báo trước đó. Tuy nhiên, nếu tăng trưởng âm thì chúng ta cũng phải chấp nhận, bởi trong bối cảnh này phải lấy phòng chống dịch bệnh làm ưu tiên số một và chuyển nhiệm vụ tăng trưởng trở lại trong những năm tiếp theo.

Theo Nhà báo và Công luận