Tâm sự của một phụ nữ khởi nghiệp thất bại

 Không phải ai khởi nghiệp đều thành công, nhưng có những thất bại trong khởi nghiệp khiến họ trở nên mạnh mẽ và nghị lực hơn. Đây là những dòng tâm sự của một phụ nữ khởi nghiệp thất bại, như một lời cảnh tỉnh để tránh mắc sai lầm.


Chào các bạn!

Tôi là Lê Thị Thùy Linh (SN 1984) Founder của ứng dụng thương mại điện tử "Tối nay ăn gì", lại là nữ nên thấy đúng là vất vả. Sinh ra tại một huyện vùng xa ở Gia Lai Kon Tum, rồi sau đó tôi theo bố mẹ ra Hà Nội sinh sống với hàng chục lần chuyển nhà. Với tôi, không có kiểu người nào mình chưa từng tiếp xúc, các công việc từ buôn bán đến gia sư, nhà báo, chuyên viên, trưởng phòng... cũng đều trải qua. Nhân năm Tý đầy biến động này, tôi cũng muốn trải lòng một chút về hành trình khởi nghiệp của mình.

Tôi mở công ty riêng từ năm 27 tuổi, kinh doanh một loại sản phẩm về chiếu sáng mới lúc bấy giờ. Nó nhanh chóng trở thành sản phẩm hot và doanh thu công ty tăng trưởng vùn vụt. Sau khoảng 3 năm quay cuồng thì công ty ổn định, doanh thu đều, mình trở nên nhàn nhã hơn. Tới giờ công ty được 10 năm và rất vững, cũng như những người phụ nữ khác, tôi dành phần lớn thời gian chăm sóc gia đình, chồng con, định tận hưởng cuộc sống trong hài lòng nhưng...

Một biến cố xảy ra, hàng xóm nhà tôi có hai đứa cháu sinh đôi bị nhiễm độc chì từ mẹ khi còn là bào thai. Hỏi ra thì mới biết mẹ cháu chính là nạn nhân của mẹ chồng, khi mẹ chồng trồng rau ở gần cống nước thải của khu, lấy nước đó tưới rau và bán cho bà thông gia tương lai mà không biết sau đó cô con gái sẽ trở thành con dâu bà. Tôi bị ám ảnh bởi sự đau khổ của gia đình đó, chợt nhận ra nhân quả đến nhanh quá, cứ bán đồ bẩn cho người ngoài, nghĩ chỉ cần gia đình mình không ăn phải, nhưng cuối cùng người dưng lại trở thành người nhà và sinh cho mình những đứa cháu nối nghiệp. Chính vì điều này, tôi quyết tâm khởi nghiệp mô hình trồng farm, kinh doanh thực phẩm sạch.

Vậy là, gác lại ước mơ mua trang trại riêng trên Son Bá Mười để ở ẩn, tôi bắt đầu lao vào tìm hiểu nông nghiệp. Vì yêu thiên nhiên, cây cối nên tôi không thấy vất vả, luôn làm việc với sự hào hứng say mê. Tôi cùng bạn góp vốn cho một công ty thực phẩm sạch, nhưng rồi thua lỗ vì suốt ngày ế hàng, sáng rau chiều rác, tối mịt còn phải đem rau đi cho hàng xóm. Nhưng càng như vậy, tôi càng thấy kinh doanh nông sản sao vất vả quá, còn có vốn, có kiến thức, có mối quan hệ, vậy mà làm mấy năm không để được đồng nào, còn âm vào vốn. Thế thì bao nhiêu người vay mượn ngân hàng, trả lãi hàng ngày còn áp lực đến đâu.

Sau khi sinh bé thứ 3, tôi giấu chồng thành lập một công ty mới vẫn với quyết tâm làm về thực phẩm, nhưng không được theo lối mòn cũ. Tôi có thể sẽ thất bại lần nữa, nhưng không thể chết theo cách cũ được. Lúc này tôi đã có ý tưởng về việc làm thành sàn thương mại điện tử cho thực phẩm, tập hợp các nhà bán hàng có nguồn sản phẩm sẵn có, bán thẳng tới tay người dùng không cần qua thương lái thông qua mô hình giao hàng tập trung.

Với 2 năm ấp ủ dự án, tôi rủ ai làm cùng họ cũng từ chối vì ngành thực phẩm rất khó làm, đổ công sức nhiều mà lợi nhuận không được bao nhiêu. Mô hình lại quá mới, không biết có khả thi hay không. Những người giỏi về công nghệ, không ai sẵn sàng làm Co-founder cùng. Một mặt, tôi vẫn tự đi nghiên cứu thị trường, tìm nhà cung cấp, tập hợp dữ liệu, chuẩn bị mọi thứ cho dự án, một mặt vẫn tìm Co-founder về công nghệ. Cuối cùng tôi cũng tìm ra và app của tôi ra đời.

Sau khi đứa con tinh thần tượng hình, tôi đã trao đổi với chồng để rút hoàn toàn công việc điều hành công ty cũ để chuyên tâm sang dự án mới. Chồng tôi không hài lòng, can ngăn hết lời nhưng tôi không thay đổi.

Dự án chạy thử nghiệm, rồi lại sửa, rồi lại thử nghiệm, rồi sửa. Thời gian này cực kỳ vất vả, làm ngày làm đêm cùng đội code để cố gắng nhanh chóng cho ra sản phẩm hoàn chỉnh. Lúc này bắt đầu thời kỳ khó khăn, công ty cũ không có tôi trực tiếp điều hành đã bắt đầu lao dốc, mất khách hàng cũ, thua thầu liên miên, mất dự án thường xuyên, công nợ không đòi được. Trong khi bao nhiêu tiền tích lũy, đã đổ vào start up mới. Co-founder của tôi cũng gặp vấn đề về tài chính, xin rút vốn. Lúc đó tôi cũng vừa có thông báo lọt vào vòng ghi hình của Sharktank. Chồng tôi tạo sức ép để từ bỏ dự án mới, kể cả chấp nhận mất số tiền đã đầu tư, vì nếu tôi quay lại công ty cũ điều hành thì sẽ kiếm bù lại được. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và vẫn đi thi Sharktank một mình.

Rất nhiều biến động xảy ra sau khi chương trình phát sóng. Tôi đã có những nhà đầu tư liên tiếp xin gặp gỡ và ngỏ ý đầu tư cho dự án. Sau quá trình dài đàm phán với nhiều nhà đầu tư, tôi quyết định nhận lời một nhà đầu tư mà có thể hỗ trợ mình cả về vốn, nhân sự lẫn các mối quan hệ. Nhưng đời không như là mơ, cú sụp đổ của một loạt trang thương mại điện tử, đặc biệt là thương vụ M&A của Vinmart, Vineco khiến nhà đầu tư ngần ngừ, và cuối cùng quyết định không rót vốn nữa.

Vẫn còn tiền tích lũy, tôi lại quyết định làm phiên bản 3 cho app sau khi đập đi xây lại toàn bộ, cay đắng nhận ra chắc có lẽ phải đi một mình. Việc tìm kiếm nhà đầu tư, quá trình thương thuyết mất nhiều thời gian nhưng hy vọng lại mong manh. Ông lớn Vin còn thua lỗ trong mảng nông nghiệp, một start up như mình thì có gì để thuyết phục được nhà đầu tư?

Trong thời gian này, mình có những biểu hiện bất thường về sức khỏe và suy sụp nhanh chóng. Sau khi đi khám, cầm kết quả xét nghiệm mình bị trầm cảm nặng, tôi đã khóc tu tu ngay tại bệnh viện.

Tôi quyết định nói với chồng, một là phải để cho tôi được toàn tâm toàn ý làm dự án này và không được gây sức ép thêm cho mình nữa, đồng thời san sẻ việc nhà và chăm sóc 3 đứa con. Còn nếu không, tôi sẽ bỏ đi về vùng rừng núi, vì mình không thể chịu đựng hơn nữa. Vì yêu vợ, chồng đã nhượng bộ. Từ lúc đó, tôi vừa chữa bệnh, vừa tìm thêm cộng sự mới. Bình thường tôi luôn tỏ ra tươi vui và nhiều năng lượng, không ai biết khó khăn mà mình gặp phải. Khi tôi nói thật về hiện trạng của mình, mọi người ra sức giúp đỡ và tôi đã có hẳn 2 Co-founder mới cực kỳ tài giỏi. Tôi giao lại dự án cho team và nghỉ ngơi hoàn toàn, chỉ điều hành từ xa.

Sau 2 tháng, hiện tại tình trạng của tôi đã ổn hơn, đã ngủ được dù là không sâu giấc nhưng không còn phụ thuộc vào thuốc nữa. Mọi thứ đã trở lại như cũ, niềm vui với công việc vẫn y nguyên và các tín hiệu tích cực đến từ khách hàng tạo cho mình động lực mới.

Bây giờ team đang sang một giai đoạn mới, không còn phải tập trung vào công nghệ nữa mà chuyển sang tìm kiếm nhà bán hàng để nhanh chóng phủ sóng mạng lưới nhà cung cấp. Một thời kỳ khó khăn, khi dịch Covid đang hoành hành, tâm lý chán nản, lo lắng bao trùm. Team tôi cũng đã có nhiều bạn là F2 phải cách ly tại nhà. Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ đây là cơ hội cho nền nông nghiệp, vì cuối cùng hóa ra bản chất mọi người có thể chả cần gì, nhưng vẫn phải cần lương thực để sống, cần một cơ thể khỏe mạnh để chống lại dịch bệnh, mà cơ thể đó phải được nuôi dưỡng từ thực phẩm an toàn lành mạnh.

Dự án này của tôi cần các bạn, khách hàng đang cần các bạn. Các bạn có sẵn sàng thay đổi phương thức kinh doanh cùng tôi không? Tôi hứa, với tất cả sự chân thành, sẽ không làm các bạn thất vọng, chừng nào tôi còn tồn tại. Các bạn có sẵn sàng chìa tay ra cho tôi nắm lấy không?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán