Trong hoạt động thi công xây dựng, pháp luật về xây dựng đã quy định trách nhiệm của 3 chủ thể chính khi có sự cố công trình như: Công trình có nguy cơ sụp đổ hoặc sụp đổ trong quá trình thi công hoặc khi công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng. Các chủ thể đó là: Chủ đầu tư, nhà tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công xây dựng công trình. Trong trường hợp chủ đầu tư thuê nhà tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình thì khi có sự cố cũng phải xem xét trách nhiệm với tổ chức này.
Vụ sập đà giáo cầu Cần Thơ đang xây dựng năm 2007 khiến gần 200 công nhân xây dựng chết và bị thương (ảnh tư liệu BXD). |
Pháp luật xây dựng cũng đã quy định về quyền và trách nhiệm của từng chủ thể trong quá trình hoạt động thi công xây dựng. Theo đó, ngành Xây dựng còn ban hành nhiều tiêu chuẩn phục vụ cho công tác thi công, nhiều định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo độ ổn định của vật liệu đặc biệt đối với vật liệu là bê tông, bê tông cốt thép. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tai nạn xảy ra nhẽ ra không đáng có trên công trường thi công xây dựng như: Sập giàn giáo, đổ tường… gây ra tai nạn lao động.
Đa phần các tai nạn lao động xảy ra là do nhà thầu thi công thiếu biện pháp an toàn lao động, hoặc do thiết kế biện pháp thi công không đảm bảo an toàn như: Hệ thống giàn giáo, cốt pha không bảo đảm chịu lực đối với những nền đất yếu mà khối bê tông có tải trọng lớn, thi công thiếu thép, mác bê tông, vật liệu xây dựng không đảm bảo, do công nhân không thực hiện các chế độ bảo hộ trên công trường…
Một thực tế phổ biến hiện nay là công nhân xây dựng trên các công trường đa phần là lao động thời vụ, lao động ngắn hạn không có hợp đồng lao động; thậm chí có cả những công nhân lành nghề sống ở nông thôn chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng họ đã từng thi công những công trình có kiến trúc và kết cấu phức tạp như: Đền, chùa, miến mạo tại các vùng quê. Song đa phần họ vẫn chưa được đào tạo dù chỉ là lớp ngắn hạn về nghề nghiệp, an toàn lao động. Chính vì vậy tai nạn lao động rất dễ xảy ra trên công trường khi họ tham gia thi công.
Nguyên nhân gây ra tai nạn lao động trên công trường xây dựng có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chính gây ra tai nạn lao động đã rõ, đó chính là những người công nhân không được huấn luyện một cách bài bản về kiến thức an toàn lao động. Có ý kiến cho rằng trách nhiệm về vấn đề tai nạn lao động trên công trường thi công xây dựng thuộc về lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng? Có ý kiến cho rằng trách nhiệm trên thuộc về Bộ Lao động - Thương binh Xã hội?
Pháp luật xây dựng đã quy định về năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức phải phù hợp với loại, cấp công trình, đồng thời đã quy định những tiêu chí cho vấn đề này. Tuy nhiên, cũng còn thiếu những quy định cụ thể ví dụ như quy định về biện pháp thi công trong việc thiết kế hệ thống giàn giáo, cốt pha phục vụ đổ bê tông hoặc phục vụ thi công xây dựng phải đảm bảo chịu lực, đặc biệt đối với vùng đất yếu. Thiết kế đó phải được chủ đầu tư kiểm tra, phê duyệt nhà thầu mới được phép tiến hành thi công…
Nhưng một vấn đề chính ở đây là những người thợ trực tiếp lao động trên các công trường xây dựng phải được học tập có nghề và được huấn luyện về an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng.
Nghiên cứu Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh Xã hội. Tại Khoản 8, Điều 2 quy định về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: “Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Ban hành điều lệ trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp; quy chế tuyển sinh đào tạo; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp.
Quy định mẫu bằng, chứng chỉ đào tạo, việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ bằng, chứng chỉ đào tạo, quy định trách nhiệm của cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc cấp bằng, chứng chỉ đào tạo tại Việt Nam; quy định việc công nhận tương đương đối với những người đã tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề nghiệp ở nước ngoài;
Quy định khối lượng kiến thức tối thiểu ở mỗi trình độ đào tào, quy trình xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng; việc tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình nghề nghiệp…”.
Như vậy, trách nhiệm đào tạo ra những người thợ có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong đó có những người thợ xây dựng trách nhiệm thuộc về Bộ Lao động – Thương binh Xã hội. Lâu nay, các trường thuộc hệ Cao đẳng, Trung học vẫn thường xuyên tuyển sinh đào tạo, nhưng xem chừng họ chủ yếu đào tạo “thầy” nhiều hơn “thợ” và tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" đang diễn ra phổ biến ở nhiều ngành, trong đó có ngành Xây dựng. Còn một số trung tâm đào tạo “thợ” thì chủ yếu phục vụ cho việc xuất khẩu lao động nước ngoài.
Liệu có giải pháp nào để từng bước xóa bỏ những bất hợp lý như lâu nay? Trên các công trường thi công xây dựng đa phần những người thợ là lao động thời vụ, không được đào tạo, không có hợp đồng lao động khi xảy ra sự cố công trình ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của họ thì chính họ và gia đình của họ phải chịu. Đây là một vấn nạn xã hội mà sớm cần được khắc phục, giải quyết.
Chúng tôi thiết nghĩ, Bộ Lao động – Thương binh Xã hội nên báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có một nguồn kinh phí “xóa đói giảm nghèo” giao cho các trường, các cơ sở đào tạo tuyển sinh, đào tạo miễn phí cho những người đang làm lao động nông nghiệp có nhu cầu tham gia hoạt động xây dựng hiện tại và lâu dài. Đồng thời quy định thêm chỉ có những người có chứng chỉ đào tạo mới được tham gia hoạt động trên công trường xây dựng. Làm được như vậy từng bước sẽ chuyên nghiệp hóa đội ngũ công nhân xây dựng và tình trạng tai nạn lao động sẽ phần nào được khắc phục.