Tài chính tiêu dùng bắt tay hỗ trợ cá nhân vay vốn

Thu nhập sụt giảm, nhiều cá nhân vay tiêu dùng mất khả năng thanh toán. Các công ty tài chính tiêu dùng đã tung ra các gói hỗ trợ khách hàng, song giới chuyên gia khuyến cáo, người vay nên chủ động tìm phương án tài chính, tránh tình trạng nợ xấu.

Mất khả năng trả nợ vì dịch bệnh

Anh Nguyễn Đình Quân, nhân viên phụ trách mảng dịch vụ visa, hộ chiếu của một công ty xuất khẩu lao động tại Hà Nội cho biết, từ sau Tết đến nay, 80% nhân viên công ty anh đã được thông báo nghỉ việc không lương, chưa biết bao giờ mới được gọi đi làm trở lại. Không có thu nhập, trong khi khoản vay 50 triệu đồng mua xe máy và máy vi tính trả góp vẫn phải trả gốc và lãi đều đặn làm anh lo lắng.

Không riêng anh Quân, dịch bệnh kéo dài 4 tháng qua đã khiến gần 5 triệu lao động cả nước mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Trong số này, có rất nhiều người đang vay tiêu dùng và thế chấp bằng khoản thu nhập hàng tháng. Mất việc, giảm thu nhập đồng nghĩa với khả năng trả nợ đúng hạn trở nên rất khó khăn.

Cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định, trong bối cảnh hiện nay, sự hỗ trợ của ngân hàng, công ty tài chính là rất cần thiết đối với người vay. “Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi suất… là phao cứu sinh với nhiều khách hàng lúc này. Theo tôi, các ngân hàng, công ty tài chính nên xem xét cơ cấu nợ, giãn nợ cho khách vay tiêu dùng ít nhất 3 - 6 tháng. Với người vay, để tránh rơi vào tình trạng nợ xấu, cần chủ động tìm đến các công ty tài chính, ngân hàng để chứng minh thiệt hại do Covid-19 và đề nghị được hỗ trợ”, ông Hiếu nói.

Trên thực tế, thời gian qua, ngoài ngân hàng, rất nhiều công ty tài chính tiêu dùng đã chủ động trích một phần lợi nhuận để đưa ra các gói hỗ trợ người vay. Chẳng hạn, trong tháng 4/2020, Công ty Tài chính TNHH một thành viên Mirae Asset (Việt Nam) (MAFC) đưa ra gói hỗ trợ tài chính 10 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng đang vay vốn gặp khó khăn trong việc thanh toán khoản vay trong mùa Covid-19.

Trong khi đó, từ tháng 3/2020 đến nay, FE Credit đã giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho gần 185.000 khách hàng. Theo lộ trình, trong thời gian sắp tới, số khách hàng được hỗ trợ giãn nợ sẽ lên đến 250.000 khách hàng. Đại diện FE Credit chia sẻ, việc cắt giảm lãi suất và tái cơ cấu nợ cho các khách hàng sẽ khó tránh khỏi tác động tới lợi nhuận, song đây được xem là giải pháp phù hợp nhất, bởi FE Credit hiểu rằng, khách hàng là cốt lõi và đồng hành cùng khách hàng là tìm kiếm sự vươn lên trong bối cảnh khó khăn.

Đánh giá hoạt động cho vay có trách nhiệm của các công ty tài chính, song TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, công ty tài chính cũng là doanh nghiệp, nên sự hỗ trợ chỉ có giới hạn. Vấn đề cốt lõi nhất để khách hàng không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, nợ xấu… là phải giúp doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Tránh nghĩa vụ trả nợ sẽ càng rơi vào “bẫy” nợ xấu

PGS.TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, Covid-19 xảy ra cho thấy vai trò rất lớn của giáo dục tài chính cá nhân. Trên thực tế, nhiều cá nhân khi vay vốn đã không tính toán kỹ phương án trả nợ, tiêu dùng quá mức, dẫn tới khả năng rơi vào nợ xấu. Covid-19 xảy ra khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Theo tư vấn của các chuyên gia tài chính, cá nhân khi vay vốn nên tính toán sao cho tiền gốc và lãi phải trả hàng tháng chỉ chiếm 30% tổng thu nhập, để tránh rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nếu đã rơi vào tình trạng này, người vay cần bình tĩnh liệt kê lại các món nợ, các kỳ hạn trả nợ sắp đến và lập ra phương án xoay xở, cố gắng trả nợ đúng hạn để không bị chuyển nhóm nợ.

“Công ty tài chính hỗ trợ khách hàng, song khách hàng cũng cần có thiện chí trả nợ đúng hạn, không nên lợi dụng Covid-19 để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Việc thực hiện thanh toán đúng thời hạn không chỉ giúp khách hàng tránh lãi phạt, phí phạt, mà còn duy trì được điểm tín dụng tốt, từ đó có cơ hội vay vốn rẻ trong tương lai”, Tổng giám đốc một công ty tài chính khuyến cáo.

Biện pháp lâu dài nhất để khách hàng sử dụng vốn vay hiệu quả, có kế hoạch chi tiêu và phương án trả nợ rõ ràng, có kỷ luật tài chính, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), là phải đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục tài chính cá nhân cho người lao động.

Cũng theo ông Hòe, các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng nên công bố điểm tín dụng cá nhân cho người vay, tích hợp các yếu tố tính điểm chuẩn để gia tăng trách nhiệm người vay và khuyến cáo khách hàng không vay bằng mọi giá. Có trách nhiệm với khoản vay chính là cách giúp khách hàng nâng điểm tín dụng, có cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp hơn, hạn mức cao hơn.

Theo Hà Tâm/ Báo Đầu tư