Xuất hiện trong Người kể chuyện tình, chủ đề nhạc sĩ Thanh Tùng, nữ ca sĩ nhạc Pháp Thanh Hoa thổ lộ cô khóc rất nhiều khi nhìn thấy hình ảnh của người thầy được tái hiện trên sân khấu: “Cố nhạc sĩ Thanh Tùng là người thầy thứ hai của tôi. Tôi xúc động vì bản thân mang ơn thầy Thanh Tùng rất nhiều, nhờ thầy mới có một Thanh Hoa như hôm nay”.
Cô kể, năm 1985 nhạc sĩ Thanh Tùng muốn thành lập một nhóm nhạc nữ hội tụ các ca sĩ có ngoại hình và giọng hát. Thời điểm đó, Thanh Hoa cùng ca sĩ Thanh Phương được Thanh Tùng mời thử giọng để thành lập nhóm nhạc 5 thành viên mang tên Làn Sóng Nhỏ: “Tên thật của tôi là Tố Hoa nhưng vì thầy là Thanh Tùng, thầy đổi tên cho tất cả thành viên trong nhóm đều mang chữ lót là Thanh. Nghệ danh Thanh Hoa của tôi cũng là do thầy đặt”.
Trong các ca khúc của Thanh Tùng, Mưa ngâu và Giọt nắng bên thềm là hai ca khúc gắn nhiều kỷ niệm với Thanh Hoa: “Hai ca khúc này là bài ruột mà tôi thường hát ở phòng trà. Tôi yêu ca từ, thường nhớ kỷ niệm về thầy và nhóm mỗi khi nghe ca khúc. Ngày thầy bệnh nặng, không đi lại được phải ngồi xe lăn, tôi và chị Thanh Phương có đến số nhà thăm thầy ở số 11 Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh. Đó cũng là lần gặp gỡ cuối bởi ngày thầy mất ở Hà Nội, tôi không bay ra gặp thầy được”, Thanh Hoa chia sẻ niềm hối tiếc với người nhạc sĩ tài hoa.
Thanh Hoa là một trong những ca sĩ nổi tiếng của nhạc Việt trong thập niên 1990. Để có thể theo đuổi con đường nghệ thuật đến ngày hôm nay, cô trải qua rất nhiều bước ngoặc đáng nhớ.
Năm 1981, cô bé Thanh Hoa gặp được nhạc sĩ Tuấn Thành, lúc này ông đang thành lập một ban nhạc nữ Tuổi Hồng gồm những bé gái tầm 9 - 11 tuổi. Sau khi nghe Thanh Hoa hát, thầy đã nhận vào ban nhạc. Đây là cơ duyên đầu tiên mà cô đến với âm nhạc. Ba năm sau, Thanh Hoa tiếp tục là thành viên của nhóm Sinco nữ nổi tiếng một thời.
Năm 16 tuổi (1985), cô có mặt trong nhóm Làn Sóng Nhỏ do cố nhạc sĩ Thanh Tùng thành lập. Đây là bước đệm tạo nên sự nghiệp của Thanh Hoa để cô được biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc tại thành phố lúc bấy giờ. Gắn bó với nhau trong hai năm, các thành viên đều có hoạt động riêng, nhóm tan rã và Thanh Hoa bắt đầu hoạt động ca hát tự do từ năm 1987.
Thuở ấy, Thanh Hoa là gương mặt nổi tiếng của các tụ điểm ca nhạc, vũ trường, phòng trà ở TP.HCM. Khán giả vẫn còn lưu giữ hình ảnh cô ca sĩ trẻ có chiếc răng khểnh, mái tóc bồng bềnh tự đệm guitar, hát những ca khúc pop, trữ tình như: Giọt nắng bên thềm, Vết son trên áo, Tàn tro, Happy new year... Ưu điểm của Thanh Hoa là không chỉ hát được ca khúc Việt mà còn hát nhạc ngoại, nhất là các ca khúc của Pháp, để tạo dấu ấn riêng. Từ năm 2009, cô mở một phòng trà chuyên hát nhạc Pháp, thỉnh thoảng cũng xuất hiện trên một số sân khấu lớn và mở lớp dạy nhạc, làm bầu show.
Nhạc sĩ Thanh Tùng
Nói về các hoạt động nghệ thuật, nữ ca sĩ 51 tuổi cho biết, cô được mọi người gọi là “người đàn bà năng lượng” bởi hầu như bạn bè cùng trang lứa của cô đã bỏ nghề, chỉ mỗi Thanh Hoa vẫn say mê sân khấu. Năm 2018, cô tổ chức hai chuyến lưu diễn ở Mỹ và Châu Âu. Năm 2019, là một năm đột phá khi Thanh Hoa tổ chức 3 đêm nhạc gây quỹ từ thiện: kỷ niệm sinh nhật, 39 năm sự nghiệp ca hát và gần đây nhất là liveshow Thanh Hoa Hạnh phúc nơi nào, trình bày những sáng tác bất hủ của Ngọc Lan.
Bận rộn với những chuyến lưu diễn trong và ngoài nước, cuộc sống đời thường của Nữ hoàng nhạc Pháp luôn bình dị. Đối với nữ ca sĩ, âm nhạc luôn hiện hữu xung quanh và khi được hát với những người bạn thân thương chính là điều hạnh phúc khiến cô luôn trẻ mãi. Thanh Hoa tiết lộ cô đang ấp ủ thực hiện một đêm nhạc lớn trong năm 2021, kỷ niệm 40 năm chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình.