Cuộc đua ngân hàng số đang nóng dần lên |
Mới đây, Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đã ra mắt dịch vụ ngân hàng số VCB Digibank trên cơ sở hợp nhất các nền tảng giao dịch trực tuyến và thay thế các dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking trước đây của ngân hàng. Vốn là một ngân hàng lớn, sự kiện này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng.
Vietcombank cho biết, chỉ trong tuần đầu ra mắt VCB Digibank, đã có trên 60%, tương ứng với hàng triệu khách hàng hiện hữu đã chuyển đổi sang dịch vụ mới VCB Digibank, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng từng ngày. Cùng với đó, lượng khách hàng đến các điểm giao dịch của Vietcombank để đăng ký, trải nghiệm dịch vụ mới cũng tăng gấp đôi so với thông thường.
Tương tự, VietinBank cũng đang đẩy mạnh lượng khách hàng mới trên ứng dụng Mobile. Ngân hàng này cho biết, từ nay đến hết 23/8, khách hàng cá nhân đăng ký và kích hoạt mới dịch vụ iPay Mobile của ngân hàng sẽ được tăng ngay thẻ nạp điện thoại cho 300 khách đầu tiên đăng ký mới và kích hoạt thành công ứng dụng VietinBank iPay Mobile mỗi ngày.
Hồi cuối năm 2019, ngân hàng này cũng đã rầm rộ ra mắt ứng dụng VietinBank iPay Mobile phiên bản mới được nâng cấp thêm hơn 50 tính năng, giúp tối ưu hoá trải nghiệm người dùng.
Cùng với đó, hàng loạt ngân hàng cũng chạy đua công nghệ kể từ đầu năm đến nay trong đó, NamABank đã trở thành NHTM đầu tiên ứng dụng công nghệ robot vào giao dịch nhằm tăng trải nghiệm của người dùng. Ngân hàng này còn đầu tư VTM OPBA - máy giao dịch ngân hàng tương tác bằng hình ảnh, tích hợp ATM, mọi nhu cầu tài chính của khách hàng sẽ được đáp ứng mọi lúc mọi nơi: rút tiền, in, xem sổ phụ tài khoản, phát hành thẻ mà không cần tới ngân hàng.
Trong khi đó, TPBank là ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ trắc sinh học bằng vân tay và nhận diện gương mặt tại các LiveBank. Đồng thời, nhà băng này cũng nâng cấp ứng dụng eBank X, nhằm mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Theo đánh giá của các ngân hàng, dịch Covid-19 đã thay đổi đáng kể nhận thức và tư duy của nhiều khách hàng đối với việc giao dịch trên nền tảng số. Đây là thách thức với ngành ngân hàng, nhưng xét về mặt chuyển đổi số lại là cơ hội. Việc phát triển ngân hàng số cũng không chỉ là xu hướng mà đã trở thành sự tất yếu trong thời đại 4.0. Nếu không muốn bị lạc hậu và lùi lại phía sau, các ngân hàng không thể chần chừ lâu hơn trên đường đua này.
Bởi vậy, tại ĐHCĐ thường niên năm nay, nhiều ngân hàng cũng cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh cho công nghệ trong đó, lãnh đạo HDBank cho biết trọng tâm năm nay sẽ đầu tư mạnh cho ngân hàng số, xác định 2020 là năm tăng cường ứng dụng công nghệ trên nền tảng Big Data đồng thời thực hiện số hóa quy trình, kênh phân phối, sản phẩm dịch vụ,...
Hay tại Techcombank, khi đề cập đến một trong những lý do ngân hàng đề ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn năm 2020, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT cho biết, năm nay Techcombank sẽ đầu tư mạnh vào chuyển đổi, vào công nghệ, data, chương trình tư vấn,...Ngân hàng sẽ đẩy mạnh mô hình ngân hàng số để mở rộng khả năng đáp ứng nhu cầu và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Cuộc đua công nghệ của các ngân hàng gần đây có thể còn nhằm đón đầu quy định mới sắp được ban hành. Mới đây, NHNN cho biết đang lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN về hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trong đó, sửa đổi lớn nhất liên quan đến việc cho phép ngân hàng thương mại được quyết định gặp hoặc không gặp trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ (eKYC).
Theo đó, thay vì phải đến trụ sở ngân hàng, hoặc đăng ký mở tài khoản từ xa nhưng phải có xác thực trực tiếp của nhân viên ngân hàng, thì với quy định mới, khách hàng có thể mở tài khoản tại nhà, hoặc bất cứ đâu chỉ cần có smartphone và tải ứng dụng Mobile banking.
Bởi vậy, tại nhiều diễn đàn, hội thảo về thanh toán điện tử, Vụ trưởng Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), ông Phạm Tiến Dũng vẫn hay ví von eKYC sẽ là "tấm vé gửi xe" cho các ngân hàng làm số hóa.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam hiện có 88,5 triệu tài khoản ngân hàng song mới chỉ có 63,7% người trưởng thành Việt Nam có tài khoản ở ngân hàng. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam là rất cao. Do đó, eKYC sẽ mở ra cơ hội cho các ngân hàng tiếp cận những khách hàng tại những địa phương mà mình chưa có chi nhánh.
Mặt khác, eKYC cũng giúp khách hàng đăng ký dịch vụ của nhiều ngân hàng khác nhau một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn trước đây. Tuy nhiên, việc khách hàng lựa chọn gắn bó với ngân hàng nào, rõ ràng sẽ phụ thuộc vào chính chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền tảng số.