Đến thời điểm hiện tại, có thể nói, Chính phủ và các địa phương đã kiểm soát tốt dịch bệnh, nhiều hoạt động kinh doanh thiết yếu được phép mở cửa trở lại. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhận định, trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh thì nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Các kịch bản và giải pháp phục hồi nền kinh tế đang được xây dựng nhằm không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn có thể sẵn sàng đón các cơ hội mới sau dịch. Một khi các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, thị trường BĐS cũng được kì vọng sớm phục hồi trở lại.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, GĐ bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Nguồn cung các dự án BĐS hiện đại của Thủ đô đang tăng lên và nhiều chủ đầu tư trong nước tích cực tập trung cung cấp ra thị trường các BĐS tiêu chuẩn quốc tế.
Theo các chuyên gia, Hà Nội được hưởng lợi rất nhiều từ nền kinh tế Việt Nam như mức tăng trưởng GDP năm 2019 là 7,2%, cao hơn mục tiêu năm 2019 Chính phủ đề ra từ 6,6% đến 6,8%. Doanh số bán lẻ đạt mức 163 tỷ USD, tăng 13% mỗi năm. Ông Troy Griffiths, Phó Tổng GĐ Điều hành Savills Việt Nam, nhận xét theo tiêu chuẩn mặt bằng chung tại Việt Nam, Hà Nội có lượng dân số trung lưu lớn và con số này vẫn còn đang tăng nhanh. Tính liên kết và giá trị BĐS của Thủ đô đang được cải thiện nhờ sự phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng với hệ thống tàu điện ngầm, đường và cầu xung quanh TP. Trong khi đó, nguồn cung các dự án BĐS hiện đại của TP đang tăng lên và các chủ đầu tư trong nước đang tập trung cung cấp ra thị trường các BĐS tiêu chuẩn quốc tế.
Điển hình có thể kể đến việc năm 2019, Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đã hợp tác với Tập đoàn BRG của Việt Nam để phát triển TP thông minh rộng 272ha tại huyện Đông Anh, phía Bắc của khu vực đô thị lõi. Thêm vào đó, một nhà ga mới cũng được quy hoạch xây dựng gần dự án do tuyến tàu điện số 2 từ trung tâm Hà Nội đến sân bay quốc tế Nội Bài sẽ đi qua địa điểm này.
Quy mô dân số ngày càng tăng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng nguồn cầu cho các dự án nhà ở tại Hà Nội. Số lượng căn hộ bán được tăng 26% lên gần 40.000 trong năm 2019, với 37.700 căn mới được cung cấp. Hiện, nguồn cung tại Hà Nội được đánh giá khá ổn định với 124.000 căn sẽ được bàn giao trong vòng 3 năm tới. Mặt bằng giá ở Hà Nội sẽ thấp hơn khoảng 30% so với TP HCM. Đáng chú ý, nguồn cung mới từ phân khúc biệt thự và nhà phố bị hạn chế trong năm ngoái được kỳ vọng sẽ tăng nhiều hơn trong hai năm tới.
Đánh giá tổng thể, bà Đỗ Thị Thu Hằng, GĐ Bộ phận Tư vấn & nghiên cứu Savills Hà Nội, cho rằng, sự phát triển của thị trường BĐS Thủ đô trong những thập niên vừa qua đã mang đến cho Hà Nội một diện mạo mới, hiện đại. Điều này tiếp tục khẳng định sức hút và tiềm năng đầu tư trong tương lai từ nguồn cầu lớn được tạo ra bởi sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh, triển vọng thu hút FDI lớn. Đặc biệt, nguồn cung lớn có thể được hình thành chủ yếu với quỹ đất còn tại các khu vực vành đai. Đây được xem là những sự kỳ vọng để BĐS Thủ đô tạo được sức bật trong tương lai gần.