Theo ông Hà hiện thực này là hệ quả từ quá khứ, khi thị trường bất động sản có liên quan rất nhiều đến cơ chế chính sách với 10 luật khác nhau từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, các luật liên quan tới thuế, phí…. Do đó, các doanh nghiệp mong chờ chính sách, mong chờ được tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, các văn bản mới được ban hành, nhiều khi lại vấp phải những quy định mới thành ra gây khó khăn.
Đơn cử, vấn đề đấu thầu quyền sử dụng đất trong các dự án phân biệt đất đã giao và đất công, văn bản trước không có nhưng văn bản sau lại có những điểm khác.
Hay những văn bản về thuế, tín dụng, tiêu chuẩn an toàn… có những văn bản chuẩn bị có hiệu lực thì doanh nghiệp lại phải chạy trước để qua trước thời gian văn bản có hiệu lực. Bởi nếu không lo thủ tục trước thì mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện, chi phí cũng tăng thêm khi thực hiện các văn bản mới.
Mổ xẻ ngọn nguồn, ông Hà chỉ ra rằng, khi chuẩn bị dự án, chủ đầu tư cũng có tính toán những chi phí để huy động nhưng khi văn bản mới ra đời đã khiến tăng chi phí lên khiến nhà đầu tư vỡ trận, nhiều dự án đổ bể. Trong khi dự án có thể đã có cam kết với doanh nghiệp khác hay người mua nhà từ trước đó…
Chính vì vậy có dự án 10 năm không thực hiện được bởi vướng mắc ở những cơ chế chính sách. Mặt khác, trên thực tế có tình trạng văn bản 6 tháng mới có hiệu lực nhưng cũng có văn bản có hiệu lực ngay khiến cho doanh nghiệp không xoay xở kịp.
Do đó, ông Hà kiến nghị, nên chăng văn bản có lợi cho người dân, cho doanh nghiệp có thể có hiệu lực ngay. Còn văn bản nào có tác động lớn tới doanh nghiệp thì có hạn 1-2 năm mới có hiệu lực.