Trong những tháng đầu năm, đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn thế giới, trong đó có Việt Nam. Do vậy, khi thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, các đại biểu Quốc hội, trong đó có nguyên Chủ tịch HĐQT Hanel - ĐBQH Nguyễn Quốc Bình đã quan tâm dành nhiều thời gian đánh giá về quá trình phòng, chống dịch bệnh này, cũng như những giải pháp hồi phục kinh tế sau dịch.
Có thể thấy, đại dịch đang làm thay đổi quan hệ kinh tế quốc tế một cách chưa từng thấy trên nhiều phương diện. Trong đại dịch, hầu như tất cả các yếu tố hoạt động kinh tế đều bị ngưng trệ, làm cho thế giới nhận diện rõ hơn và cụ thể hơn về vai trò của công nghệ số. Vì thế, nhiều quốc gia đang hướng đến một kỷ nguyên phát triển mới với 3 nền tảng chính là: Chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. đại dịch đang định hình lại hướng đi của toàn cầu hóa, của trào lưu hội nhập xuyên quốc gia và tương tác xã hội xuyên khu vực bởi những hạn chế và thách thức nghiêm trọng bị phơi bày trong đại dịch. Trật tự kinh tế thế giới có thể được cải tổ lại trên quy mô lớn và việc điều chỉnh quá trình toàn cầu hóa sẽ là tất yếu.
ĐBQH Nguyễn Quốc Bình cho rằng, kinh doanh là một lĩnh vực mà thế giới sẽ không bao giờ quay trở lại như cũ. Trong đại dịch, các ngành có thể khai thác lợi thế của công nghệ số như truyền thông, giáo dục, y tế, bảo hiểm, tài chính, thương mại điện tử,… vẫn duy trì được hoạt động và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong thời gian tới. Ngược lại, các ngành truyền thống: Sản xuất xuất khẩu theo cách truyền thống, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo truyền thống và các nhà cung cấp dịch vụ logistics truyền thống là những bên thua thiệt từ nay về sau bởi sự thay thế lợi thế của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, robot và cơ chế tự động. Vì vậy, cần có sự thay đổi căn bản trong các ngành này để phù hợp với kỷ nguyên số hay để bắt kịp cuộc CMCN lần thứ 4. Người dân dần dần thích nghi với mua sắm trực tuyến, học tập qua mạng, chữa bệnh từ xa, hội họp từ xa, làm việc từ xa, sử dụng dịch vụ từ xa,… Đây là sự thay đổi quan trọng trong lối sống và công việc.
Để phát triển kinh tế sau đại dịch, trước tiên cần có chính sách thúc đẩy mạnh mẽ phát triển các vùng nguyên liệu trong nước. "Đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nước ngoài sẽ phải trả giá như thế nào trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tự xây dựng các vùng nguyên liệu trong nước. Hơn nữa, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định FTA với quốc tế, trong đó, phát triển vùng nguyên liệu trong nước để đảm bảo hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam cần được xem vừa là một yêu cầu vừa là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển hài hòa, ổn định, tự cường" - ông Bình bày tỏ quan điểm.
Tiếp đến, cần phải có chính sách mạnh hơn nữa thúc đẩy công nghiệp chế biến và chính sách thúc đẩy sự hình thành và phát triển cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ vừa và nhỏ.
Theo quan điểm của ông Bình, 2 hướng thay đổi cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai một cách rộng khắp, xuyên suốt trong những năm tới. Đó là:
Thứ nhất, cần thúc đẩy chuyển nhanh từ kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn bởi lẽ tất cả các hoạt động kinh tế trên đất nước ta hiện nay là kinh tế truyền thống hay còn gọi là kinh tế tuyến tính. Đó là nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô để tạo ra sản phẩm tiêu dùng, chất thải được thải thẳng ra môi trường. Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế khai thác triệt để mọi nguồn tài nguyên tham gia quá trình sản xuất bằng cách tái chế, tái sử dụng phế thải, giảm thiểu chất thải ra môi trường hay nói nôm na là "nền kinh tế không rác thải".
Thứ hai, cần có chính sách thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số (nhất trí như trong Báo cáo của Chính phủ) bởi vì bản chất của quá trình chuyển đổi số là quá trình dựa trên công nghệ số sáng tạo ra những mô hình hoạt động mới hiệu quả hơn trước hoặc hoàn toàn mới của các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp, các tổ chức, thậm chí đến từng cá nhân và từng bước chuyển từ cách sống, làm việc, sản xuất hiện nay sang phương thức hoạt động mới.