Người trẻ cũng có thể đột quỵ do dị dạng mạch máu não

Với những người bị đau đầu thường xuyên, có dấu hiệu hoa mắt chóng mặt, cần đi kiểm tra vì có thể bị dị dạng mạch máu não - căn bệnh gây đột quỵ rất nhanh.

Những trường hợp đột quỵ ở người trẻ tuổi

Nhiều người vẫn lầm tưởng, tai biến mạch máu não hay còn gọi đột quỵ não chỉ "dành riêng" cho người lớn tuổi, trên 50 tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ gần đây, bệnh này ngày càng trẻ hóa khi liên tiếp có những trường hợp còn ít tuổi vào viện, thậm chí có những trẻ chí mới 9, 10 tuổi.

Trường hợp của N.V.H, 17 tuổi, Vĩnh Long được đưa vào cấp cứu đột quỵ liên quan đến chơi game, kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị dị dạng mạch máu não (bẩm sinh) gây xuất huyết não. Bệnh nhân H. đã mổ 1 lần để làm sạch máu trong não, chuẩn bị mổ lần 2 để nới mạch máu.

Bệnh viện Đột quỵ Thành phố Cần Thơ cũng cấp cứu cho một bé gái 10 tuổi L.K.N. (ở Hậu Giang) bị đột quỵ xuất huyết não do dị dạng mạch máu bẩm sinh.

Mẹ K.N. kể lại, trước khi đột quỵ bé K.N. đang đi học bình thường, đột ngột có những biểu hiện đau đầu dữ dội và ói. Cô giáo ngay lập tức gọi cho phụ huynh đến đón bé về.

Lúc đón thấy con gái mặt bắt đầu tái xanh, miệng nói lắp bắp, gần như chân của bé không còn đứng vững được nữa, chị nghĩ ngay con mình chắc là bị não rồi, phải đưa đến bệnh viện lập tức. 

Mẹ bé cho biết từ lúc 5 tuổi, lâu lâu bé N. lại kêu nhức đầu. Nghĩ con gái mình chỉ do đi nắng rồi nhức đầu, rồi con bé nghỉ ngơi lát là khỏe lại nên ba mẹ không dẫn đi kiểm tra. Cũng may đi đúng bệnh viện và can thiệp kịp thời…

Hay trường hợp của ca sỹ Đại Nhân, căn bệnh khiến nam ca sỹ nhập viện trong tình trạng gần như liệt nửa bên người, méo miệng phải phẫu thuật. Nam ca sỹ chia sẻ, khi ăn trưa cùng gia đình xong thì bất ngờ cảm thấy nhức đầu nên nằm nghỉ. Khi ngủ Đại Nhân cảm thấy mắc tiểu, song tỉnh dậy lại không đứng lên được. Nghĩ rằng ngủ sai tư thế bị chuột rút nên Đại Nhân cố bật dậy khỏi giường nhưng không thể, sau đó té đập đầu vào tủ. Ngay sau khi phát hiện, chàng ca sĩ được người thân đưa đi cấp cứu. Theo Đại Nhân cho biết thì anh thường hay bị nhức một bên đầu, khó thở nhưng cho đó là bình thường, không để tâm đến. Anh không nghĩ đây lại là dấu hiệu của căn bệnh đột quỵ.

Theo GS Nguyễn Văn Thông đột quỵ người trẻ phần lớn là xuất huyết não, nguyên nhân do vỡ dị dạng mạch máu bẩm sinh. Trước đó, có thể không có bất kỳ triệu chứng nào hoặc một số ít bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, co giật, động kinh.

Những điều cần biết về dị dạng mạch máu não

Dị dạng mạch máu não là các bất thường khiến động mạch nối thông với tĩnh mạch mà không đi qua hệ thống mao mạch trung gian. Các dị dạng này khi vỡ ra sẽ gây chảy máu và dẫn đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ,… Dị dạng mạch máu não phát triển theo thời gian, tồn tại không triệu chứng trong nhiều năm và được phát hiện chủ yếu ở độ tuổi 45 trở xuống trong 3 tình huống: chảy máu não (50-60%); đau đầu, động kinh (40-45%) hoặc tình cờ phát hiện (5-10%). Một số bệnh nhân được phát hiện bệnh khá muộn (60-70 tuổi).

Ước tính tỷ lệ người mắc dị dạng mạch máu não là 18 trong 100.000 dân.

Biến chứng dị dạng mạch máu não gồm:

Khi chưa vỡ: Bệnh nhân có biểu hiện đau đầu mạn tính, điều trị nội khoa không khỏi, có những cơn co giật kiểu động kinh. Những trường hợp kích thước tổn thương dị dạng lớn có thể gây chèn ép não và thiếu máu não gây bại liệt tay chân... Tuy nhiên bệnh có thể không có triệu chứng gì, chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp cắt lớp, cộng hưởng từ hoặc chụp mạch não.

Khi bị vỡ: Ðây là biến chứng nặng nề nhất của bệnh, nó sẽ gây đột quỵ não chảy máu não, thường chảy máu trong nhu mô não, có thể chảy máu não thất hoặc kết hợp, rất hiếm khi chảy máu dưới nhện. Triệu chứng đột ngột, cấp tính với mức độ nặng nhẹ khác nhau với các biểu hiện như đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, tăng huyết áp, ý thức có thể bình thường, hoặc lơ mơ, thậm chí hôn mê, bại liệt nửa người, khó nói hoặc không nói được...

Khoảng 2/3 số trường hợp mắc bệnh này sẽ bị đột quỵ trước tuổi 40. Mỗi năm, khoảng 4 trong số 100 người có dị dạng mạch máu não sẽ bị xuất huyết. Khi bị xuất huyết có nguy cơ 15-20% nguy cơ tử vong hay đột quỵ, 30% mắc bệnh thần kinh, 10% tử vong. Mỗi dạng đột quỵ não được chẩn đoán và điều trị theo một cách khác nhau. Bệnh nhân có biểu hiện bị đột quỵ não cần được đưa ngay đến bệnh viện tuyến trên gần nhất để được khám xét, xử trí cấp cứu rối loạn hô hấp, tim mạch và chụp CT não cấp cứu.

Bệnh không có dấu hiệu đặc trưng nào mà bệnh nhân thường mơ hồ như đau đầu âm ỉ

Bác sĩ nhấn mạnh nếu đau đầu âm ỉ không tìm rõ nguyên nhân thì người bệnh hết sức cảnh giác đặc biệt là chỉ đau ở một điểm vì những dấu hiệu này cảnh báo bị dị dạng mạch máu não rất lớn.

Nếu có chảy máu não, các bác sĩ sẽ xác định loại chảy máu não và dự đoán nguyên nhân để có hướng xử lý đúng, kịp thời. Nếu chảy máu nhu mô não do vỡ các mạch nhỏ trên bệnh nhân tăng huyết áp, vữa xơ động mạch thì sẽ không phải chụp mạch máu não.

Thói quen xấu dẫn đến gia tăng đột quỵ

Ở người trẻ tỷ lệ đột quỵ do các yếu tố như dị dạng mạch máu não nhiều hơn, bệnh tim, một số trường hợp còn do dùng thuốc ngừa thai đường uống… Những trường hợp bị đột quỵ đa phần là những người vốn có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì... nếu chỉ thêm yếu tố khách quan như thời tiết nóng quá hoặc lạnh quá cũng sẽ làm tăng các nguy cơ dẫn tới đột quỵ.

PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, lối sống thiếu khoa học cũng làm gia tăng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ. Người trẻ lại thường tự tin vào sức khỏe, không quan tâm đến vấn đề ăn gì, vận động ra sao?

Nhiều người có thói quen thích ăn gì thì ăn, thích thì uống, nhất là lạm dụng rượu bia, các đồ ăn nhanh trong khi ngại ăn rau; sử dụng các đồ chứa đường thoải mái khiến tích trữ năng lượng, tăng cân béo phì nguy cơ tăng huyết áp, mỡ máu tăng cao. Hay tiếp xúc quá lâu bên các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, ti vi; thói quen thức khuya… căng thẳng, stress thường xuyên. Ngoài ra, không ít người lại có xu hướng ăn quá mặn, tiêu thụ muối nhiều dẫn tới tăng huyết áp. Người gầy thì nghĩ sẽ không bị tăng huyết áp nhưng đó là sai lầm vì khi chế độ dinh dưỡng không hợp lý vẫn có thể bị rối loạn mỡ máu và tăng huyết áp. Chính lối sống thiếu khoa học này cùng với sự suy giảm chức năng cơ thể đã sản sinh rất nhiều độc chất gốc tự do hủy diệt cơ thể, nhất là não bộ.

Biện pháp phòng ngừa

Để phòng bệnh đột quỵ, PGS.TS Lê Bạch Mai khuyến cáo trước hết phải phòng ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Theo đó cần chú ý:

- Những người mắc chứng tăng huyết áp, mỡ máu hoặc bệnh tim mạch cần lưu ý kiểm soát được cân nặng, không để tăng cân, chỉ số khối cơ thể IBM ở mức 20- 22%, đừng để gầy quá cũng đừng quá béo.

- Không được bỏ bữa, tránh tình trạng ăn no dồn đói góp. Bữa ăn dồn thường làm cho đường máu tăng quá cao dẫn tới tích lũy mỡ nhiều.

- Cần quan tâm đến chất béo ăn vào, không nên kiêng hết nhưng nên hạn chế các chất béo bão hòa.

- Cần tăng yếu tố bảo vệ như ăn rau mỗi ngày (ưu tiên rau lá màu xanh thẫm), ăn nhiều quả chín… Không nên ăn mặn, chỉ nên ăn dưới 5g muối một người mỗi ngày.

- Tăng cường vận động thể lực để giải tỏa stress căng thẳng.

- Hạn chế rượu bia, bỏ hẳn được càng tốt. Dù uống rượu bia ở bất kỳ liều lượng nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, không có ngưỡng an toàn nào hết.

Ngược lại, nếu nghĩ đến chảy máu do bệnh của mạch máu não thì cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên càng sớm càng tốt để chụp mạch não (DSA) và can thiệp điều trị cấp cứu.

Theo Công Luận