Nhưng để hàng hóa đủ điều kiện vào được thị trường lớn và tiềm năng nhất toàn cầu thì doanh nghiệp cần "vượt" được những quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường phát triển bền vững của EU.
Hàng loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật
TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, cơ hội mang lại từ EVFTA là rất lớn, nhưng thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng không hề nhỏ.
Muốn thực thi một cách hiệu quả, theo đúng các nội dung cam kết trong các điều khoản của Hiệp định, sẽ có hàng loạt những khó khăn, thách thức đặt ra cho doanh nghiệp khi muốn "tiến quân" vào thị trường của 27 quốc gia với dân số khoảng hơn 450 triệu người, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 36.000 USD. Đây là một thị trường rất khó tính, đòi hỏi về chất lượng sản phẩm cao. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức về các rào cản kỹ thuật như: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu vào EU, các quy định về tỷ lệ nội địa hóa sẽ gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.
Điều này cũng được Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định, doanh nghiệp có thể gặp phải khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Do thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ các nước trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi thực hiện các cam kết mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan theo hiệp định thương mại tự do thì quốc gia nhập khẩu cũng tìm nhiều cách tăng cường biện pháp kỹ thuật về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, thậm chí, yêu cầu trách nhiệm với môi trường và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Các chuyên gia cho biết thêm, việc thực thi Hiệp định EVFTA không giúp giảm bớt các tiêu chuẩn định sẵn, thậm chí còn có phần kiểm soát gắt gao hơn để cạnh tranh lẫn nhau. Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU mới chỉ là "bước" đầu. Cho đến nay, EU vẫn là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật thuộc loại cao nhất thế giới, bởi vậy, các cam kết trong EVFTA không đồng nghĩa với "giấy phép" xuất khẩu cho các loại hàng hóa. Đồng thời, cũng sẽ không xóa bỏ các yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm… Mặt khác, hội nhập còn làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu từ EU, nhất là nông sản. Không những vậy, chi phí sản xuất cũng như chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, môi trường…) đều sẽ tăng.
"Vượt" hàng rào thế nào?
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, EU là thị trường xuất khẩu quan trọng nhưng có nhiều rào cản kỹ thuật, do dó, doanh nghiệp muốn tiếp cận và khai thác hiệu quả thì cần xây dựng kế hoạch dài hạn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào canh tác, thu hoạch lẫn chế biến. Đặc biệt phải chủ động hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi giá trị có quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu số lượng lẫn chất lượng hàng hóa.
Như với mặt hàng nông sản của ngành nông nghiệp, để chinh phục EU chắc chắn phải thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất. Thay vì kinh doanh, xuất khẩu nông sản với những hộ sản xuất nhỏ lẻ, thì sắp tới sẽ phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất lớn để ứng dụng công nghệ cao, tạo ra hàng hóa số lượng lớn với chất lượng đồng bộ. Hơn nữa, muốn xuất khẩu đi xa thì khâu bảo quản và chế biến cần được cải thiện, đưa chất lượng và uy tín chính là "giấy thông hành" để hàng hóa, đặc biệt là nông sản Việt Nam có thể giam gia cuộc đua đến thị trường EU. Tuy nhiên, việc này không chỉ là trách nhiệm của nông dân mà cần sự định hướng và hỗ trợ từ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cơ quan quản lý không chỉ đề ra chủ trương, chiến lược mà phải thúc đẩy triển khai trong thực tế và giám sát tiến độ, kết quả theo từng giai đoạn cụ thể.
PGS.TS Doãn Kế Bôn - Trường Đại học Thương mại nhìn nhận, để tiếp cận thị trường EU, doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý đến những quy định kỹ thuật khá khắt khe với mục đích bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người, bảo vệ môi trường phát triển bền vững của EU. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt sẵn sàng bị đáp trả các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp nếu tập trung quá nhiều vào một thị trường, khiến một ngành của nước sở tại có nguy cơ bị cạnh tranh yếu. Do vậy, cần có chính sách xâm nhập thị trường phù hợp, tránh đổ bộ vào một thị trường hay một sản phẩm cụ thể. Ngoài những thị trường Việt Nam đã có như Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, cần mở rộng thị trường sang các nước còn lại. Chưa kể, đối với các thị trường hiện tại, cần chuyển dần từ thị trường giá rẻ chất lượng trung bình sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao, giá cao để nâng cao giá trị gia tăng trong xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, trước những hạn chế của các ngành hàng xuất khẩu sang EU, các doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ Hiệp định EVFTA để tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Cùng với đó, nên tăng đầu tư cho chế biến, nhất là chế biến sâu và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý doanh nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất bền vững theo yêu cầu của đối tác nhập khẩu. Bởi cùng với việc cắt giảm thuế, EU cũng giống như nhiều nước sẽ tích cực sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp, tự vệ, hàng rào kỹ thuật, các biện pháp vệ sinh dịch tễ... để bảo hộ nền sản xuất trong nước.
Đại diện Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian tới, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU. Để tận dụng có hiệu quả các ưu đãi của EVFTA mang lại, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu nội dung của EVFTA đặc biệt là các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ, chủ động điều chỉnh quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu để đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định, chuyển hướng nguồn nhập khẩu sang các nguồn nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước thành viên EVFTA.
TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định, một trong những điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam chính là chưa chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU. Do thiếu thông tin về thị trường, về người tiêu dùng tại các nước EU, cũng như các quy định, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa sẵn sàng để bắt đầu cuộc chơi EVFTA. Do đó, hiệp hội đã xây dựng kế hoạch mở các khóa đào tạo về kỹ năng xuất khẩu hàng hóa, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết, đáp ứng phần nào nhu cầu của các doanh nghiệp về sự chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA.