Mô hình nuôi ruồi lính đen ở Hà Tĩnh cho thu nhập cao

Mô hình nuôi ruồi Lính đen đầu tiên ở tỉnh Hà Tĩnh được thực hiện tại nhà ông Bùi Khoa Giáo ở thôn Đông Hạ, xã Cẩm Vịnh (huyện Cẩm Xuyên).

Ruồi Lính đen làm một loại côn trùng đặc biệt, không giống như những loại ruồi gây hại khác. Nó sinh sống, phát triển vòng đời trong khoảng thời gian 30 - 45 ngày. Vòng đời của ruồi Lính đen trải qua bốn giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng, và ruồi trưởng thành. Ấu trùng của ruồi Lính đen có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt, phân gia súc, gia cầm, phế phẩm trong chế biến thủy sản và nông sản… tạo ra chất mùn.

Ông Giáo chia sẻ kinh nghiệm nuôi ruồi Lính đen.

Ngoài ra, ấu trùng ruồi sống có hàm lượng protein và chất béo thô lần lượt là 15% và 5,8%, đủ chất dinh dưỡng làm thức ăn nuôi trực tiếp cho lợn, gà, vịt, cá. Ruồi Lính đen sống trong tự nhiên và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người.

Hiểu và nắm rõ được những điều đó, con trai của ông Giáo trong một lần về thăm quê, thấy bố mẹ tốn khá nhiều tiền mua thức ăn công nghiệp để nuôi gà, vịt trong nhà nên anh quyết định mua trứng ruồi Lính đen về cho bố mẹ nhân giống làm thức ăn gia súc.

Ruồi Lính đen dễ nuôi, ít rủi ro.

Ông Bùi Khoa Giáo cho biết: “Ngày mới nuôi, tôi mua 100g trứng giống từ miền Nam về, ấp khoảng 3 ngày là trứng bắt đầu nở. Sau lứa nuôi đầu tiên, tôi thu về 250 kg ấu trùng. Giờ đây gia đình tôi chỉ cần mua 40 - 50% thức ăn công nghiệp chăn nuôi gà, vịt nữa thôi. Đàn gà, vịt nuôi cũng lớn nhanh, không bị dịch bệnh và thịt thơm ngon hơn hẳn so với trước đây chỉ dùng chắc cám công nghiệp”.

Ông Giáo chia sẻ kinh nghiệm nuôi: Ruồi Lính đen rất dễ nuôi, không cần vệ sinh chuồng trại, chỉ cần giữ độ ẩm chuồng nuôi tốt là đảm bảo đàn ruồi sinh sôi cực nhanh. Để nuôi loại côn trùng này, ông đã tận dụng khu đất trống trước đây trồng hoa màu để “làm nhà” cho ruồi lính đen. Chuồng nuôi ruồi lính đen được bố trí khoa học từ khu vực ủ trứng, nuôi ấu trùng, cho đến khu vực để ruồi bố mẹ sinh sản. Trứng ruồi lính đen sau khi ủ 4 ngày thì ấu trùng to bằng đầu tăm, cho vào máng nuôi.

Nuôi tiếp 14 - 16 ngày sẽ thu được 20 kg ấu trùng/10gr trứng. Giai đoạn ấu trùng này làm thức ăn cho gia sức là tốt nhất, đầy đủ dinh dưỡng. Thời gian này ấu trùng được nuôi bằng những phế phụ phẩm nông nghiệp như cám, trái cây hỏng, bã sắn, bã bia, bã đậu, phân động vật,… rồi trở thành nhộng.

Sau 15 - 20 ngày khi thấy nhộng hoá đen bắt đầu ngưng cho ăn, nhộng chuyển sang giai đoạn làm kén và trở thành ruồi trưởng thành. Ruồi trưởng thành khoảng 7 ngày và chúng sinh sản liên tục trong 2 ngày sau đó sẽ chết.

Chuồng nuôi ruồi Lính đen của ông Giáo.

“Hơn nữa, nuôi ruồi Lính đen không có rủi ro, chúng phát triển mạnh ở nhiệt độ cao. Do đó, mùa nắng ruồi sinh trưởng tốt hơn mùa mưa” ông Giáo cho biết thêm.

Hiện tại, sau gần 1 năm nuôi (từ tháng 8/2019 đến nay) ông Giáo vẫn duy trì tốt số lượng ban đầu và thu về gần 2kg trứng/tháng. Trứng ruồi Lính đen có giá từ 10 - 20 triệu đồng/kg tùy từng thời điểm. Ngoài ra, mỗi ngày, ông Giáo còn cung cấp hơn 5 kg nhộng cho các hộ nuôi gà, chim cảnh... với giá 70 nghìn đồng/kg.

Từ ngày thêm công việc nuôi rồi Lính đen này, ông Giáo đã đầu tư chuồng trại nuôi thêm 1.000 con gà, vịt để tận dụng nguồn thức ăn từ ấu trùng.

Dự định trong thời gian tới, ông Giáo sẽ tiếp tục nghiên cứu tăng số lượng đàn ruồi và cải tạo hệ thống chuồng trại, học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất nhằm cho ra sản phẩm nhộng ruồi Lính đen chất lượng tốt hơn nữa để phục vụ chăn nuôi, tiếp tục cải thiện thu nhập cho gia đình.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam