Kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ những chiếc quần jean “hết date”

Đam mê đồ handmade, Nguyễn Thị Hải Yến quyết tìm lối đi riêng từ chính những chiếc quần jean vứt di để tạo ra những chiếc túi vải xinh xắn.

Từng là sinh viên trường Đại học Lao động – Xã hội nhưng Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi, Việt Yên, Bắc Giang) không lựa chọn cho mình công việc theo chuyên ngành đã học mà là con đường mới chông chênh và vất vả hơn.

Với bao sinh viên khác thì những năm tháng giảng đường là quãng thời gian dành cho đam mê và rèn luyện chuyên môn nhưng với Yến thì khác. Bên cạnh những bài học trên lớp cô còn nhanh chóng làm quen và đam mê với những món đồ handmade.

Đứng trước lựa chọn công việc khi ra trường, đã có lúc Yến băn khoăn khi nhìn lại 4 năm vất vả. Nhưng rồi đam mê đã chiến thắng.

 Đam mê đồ handmade, Hải Yến quyết lập nghiệp từ những chiếc túi, món đồ làm từ những chiếc quần, áo bò bỏ đi 

Vạn sự khởi đầu nan, với Yến điều này hoàn toàn đúng bởi cô chưa một ngày được học về thời trang túi xách. Nhưng với tâm niệm: "Cứ mơ đi rồi nỗ lực thật nhiều, giấc mơ sẽ trở thành sự thật” cô gái đó đã bắt đầu xây dựng và hiện thực những đam mê. 

“Thật vui khi mỗi ngày thức giấc bắt đầu từ những món đồ bỏ đi, cuối ngày là một vài món đồ hữu ích được tái sinh”, Yến hồ hởi nói.

Thế rồi ngày khởi đầu đó cũng qua đi nhanh chóng, mới đó mà đã 6 năm trôi qua, bằng sự kiên trì nỗ lực,Yến đã đưa thương hiệu Mèo Tôm Handmade – công trình khởi nghiệp của mình đến gần hơn với khách hàng. Yến tự hào vì cô có thể giúp cho cộng đồng thay đổi nhận thức về giá trị của những món đồ thời trang cũ, hỏng.

Các mặt hàng handmade của Yến rất phong phú như balo, tạp dề, mũ, túi xách, túi đựng điện thoại, dép đi trong nhà,… với đủ kích thước, kiểu dáng khác nhau. Điều đáng nói, tất cả những sản phẩm này có điểm chung là đều được làm từ những món đồ jean bỏ đi.

Chia sẻ về lựa chọn có phần táo bạo của mình, Yến cho biết: “Nguyên liệu để làm ra những chiếc túi vải là các loại quần bò tái chế được mọi người từ khắp nơi gửi về. Bên cạnh đó, mình cũng hay đến các cửa hàng đồ cũ, lỗi thời để thu mua”.

 Từ những chiếc quần áo jean cũ vứt đi, Hải Yến đã tạo ra những chiếc túi xách, đồ chơi xinh xắn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng, tạo công việc làm thường xuyên cho 4 người

Những chiếc quần bò cũ sau khi được thu nhặt về sẽ được làm sạch. Tùy vào mục đích thiết kế mà những chiếc quần, áo jean hỏng, cũ kĩ được “sơ chế” thành các kích cỡ khác nhau. Phần đai quần, túi áo cũng được Yến sắp xếp riêng trên kệ. Trong lúc sáng tạo sản phẩm, Yến cố gắng tận dụng để không xả nhiều vải thừa ra ngoài môi trường.

Với cô, mỗi món đồ trước khi bị bỏ đi đều là một phần trong ký ức của một ai đó. Công việc của cô là tái chế lại, giúp cho cái áo, chiếc quần có thêm một vòng đời mới ý nghĩa hơn.

“Giống như việc đo ni đóng giày, món đó sinh ra là dành cho bạn và chỉ dành cho mỗi bạn”, Hải Yến chia sẻ.

Chứng kiến và sử dụng những sản phẩm handmade do Yến tạo ra, cô Dee Elle, vị khách người Úc cho biết: "Tôi thực sự rất thích khi tới thăm cửa hàng của Yến. Tôi thấy những sản phẩm này rất hữu ích, với nhiều chức năng khác nhau. Chúng đặc biệt vì được làm từ chất liệu jean tái chế. Những sản phẩm này rất đẹp và tôi chưa từng thấy những món đồ nào như thế trước đây."

Được biết, những sản phẩm này được Yến bán ra với giá dao động từ 100.000 - 400.000 đồng. Với giá bán đó Yến đã có thể tự trang trải cuộc sống của mình và hỗ trợ việc làm thường xuyên cho ít nhất 4 lao động với thu nhập 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng.

Qua công việc hàng ngày Hải Yến đang truyền đi thông điệp hãy hạn chế việc rác thải để bảo vệ môi trường sống 

Từ bước rẽ cuộc đời ngay từ khi chập chững ra trường, đến nay Hải Yến đã hoàn toàn tự tin với lựa chọn và công việc của mình. Đó cũng là lúc Yến nghĩ đến những điều xa xôi hơn.

“Tăng vòng đời cho những chiếc quần áo jean, tức là sẽ hạn chế sản xuất, hạn chế được nhiều rác thải đến từ ngành công nghiệp thời trang”, Hải Yến tâm sự.

Để làm được điều như đã nói, trên Fanpage với hơn 10.000 lượt theo dõi Yến thường xuyên chia sẻ các video hướng dẫn cách tự làm túi xách, balo… bằng vải tái chế để góp phần bảo vệ môi trường. Thấy được ý nghĩa của thông điệp mà Yến truyền tải, đông đảo bạn trẻ đã dần đón nhận và lan tỏa.

“Thời gian tới mình dự định sẽ mở thêm các buổi Workshop và kết nối với các bạn tình nguyện viên tại Hà Nội và TP. HCM để thành lập các điểm thu gom đồ jean cũ nhằm duy trì nguồn nguyên liệu đồng thời lan tỏa rộng rãi ý tưởng tái chế góp phần hạn chế rác thải ra môi trường”, Yến chia sẻ thêm. 


Theo Gia Đình Việt Nam