Tham vọng biến trà đậu đen xanh lòng thành "trà quốc dân"
Nguyễn Thị Hoài là một cô gái 9X còn rất trẻ nhưng đã làm Giám đốc Công ty TNHH Mộc Thanh Trà Việt Nam, có trụ sở ở phường Kim Dinh, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Hoài vốn là tín đồ của trà và cà phê Việt, sau thời gian nghiên cứu và rong ruổi qua các vùng miền của cả nước, Hoài quyết tâm khởi nghiệp với loại trà đậu đen xanh lòng, bởi theo Hoài nghiên cứu, tìm tòi từ các tư liệu của đông y, đậu đen vốn có nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe, giải độc cho cơ thể... Để giữ được hàm lượng dinh dưỡng cao trong hạt đậu, Hoài chọn cách rang mộc hạt đậu đen.
Chị Hoài cho biết, có người quen giới thiệu về một loại trà từ đậu đen xanh lòng đến từ Nhật Bản, loại trà đó rất đặc biệt, rất tinh tế và thuộc dòng cao cấp. Mùi vị khác hẳn so với cách rang đậu đen mà cửa hàng nhỏ lẻ hay bán trên mạng. Vậy nên chị đã nghĩ tại sao người Nhật làm được mà sao mình không thử làm.
Bên cạnh đó, chị nhận thấy Việt Nam đang có nguồn nguyên liệu khá lớn về loại cây đậu đen xanh lòng, dược tính của hạt này cao và nhiều dinh dưỡng. Tại sao nông sản Việt cứ xuất thô qua Trung Quốc làm thuốc. Vậy nên, chị quyết tâm khởi nghiệp với đậu đen xanh lòng.
"Mình muốn biến đậu đen xanh lòng thành một thức trà của Việt Nam, thật đặc biệt lại mang tính truyền thống. Nguyên liệu được chọn từ đất Việt Nam mình đang trồng chứ không phải tìm giống gì thật lạ ở nước ngoài. Còn trà từ đậu đen xanh lòng tương lai trở thành một thức trà "quốc dân" hay không phụ thuộc và cố gắng của mình", chị Hoài chia sẻ.
Điểm đặc biệt của Mộc Thanh Trà Việt Nam là "quy chuẩn hóa kỹ thuật rang" và "chuẩn nguyên liệu giống đậu". Công dụng chủ yếu trị chứng mất ngủ và giúp làm mát gan. Các nguyên liệu chính là đậu đen xanh lòng, cỏ ngọt và hà thủ ô… mùi vị tinh tế không lẫn được với các loại trà khác. Sản phẩm hướng đến dòng sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường.
Ước mơ "vươn ra biển lớn"
Sau 2 năm tạo dựng thương hiệu cho công ty, đến nay Công ty TNHH Mộc Thanh Trà Việt Nam của Nguyễn Thị Hoài đã xây dựng được các vùng nguyên liệu sản xuất đạt chứng nhận an toàn về thực phẩm được triển khai ngay tại thành phố Bà Rịa và khu vực Tây Nguyên.
Sản phẩm từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước từ Nam ra Bắc, với sức tiêu thị khoảng 25 tấn sản phẩm/năm, với doanh thu trên 2 tỷ trong năm 2019. Hiện, công ty cũng đang giải quyết việc làm cho một số lao động ngay tại địa phương, xây dựng được vùng nguyên liệu sạch nhờ liên kết sản xuất với bà con nông dân trên địa bàn tỉnh và Tây Nguyên. Sau 2 năm tạo dựng thương hiệu Mộc thanh trà, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hoài lại đang nỗ lực tìm cách đưa sản phẩm mộc thanh trà tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. |
Nói về những dự định trong tương lai, Nguyễn Thị Hoài cho biết, sắp tới công ty sẽ tập trung nhiều hơn về sản xuất và tìm kiếm thị trường trong nước và nước ngoài. Theo đó mục tiêu trong năm 2020 sẽ xuất khẩu đơn hàng đầu tiên đi nước ngoài. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ mở rộng mô hình sản xuất ngay tại trụ sở công ty thành mô hình xưởng rang và điểm bán sản phẩm, mở các tour tham quan cho khách du lịch có thể trải nghiệm việc sản xuất và thưởng thức trà ngay tại xưởng.
Sản phẩm mộc thanh trà sớm có chỗ đứng trên thị trường đã khẳng định tinh thần nỗ lực học hỏi, vượt lên những khó khăn của bản thân của người sáng lập và các cộng sự. |
Không chỉ khởi nghiệp thành công, Hoài còn trích lợi nhuận của công ty từ mỗi gói trà để đóng góp vào các chương trình thiện nguyện, với mức đóng góp 5% trên mức doanh thu của một sản phẩm. Hiện, Công ty TNHH Mộc Thanh Trà Việt Nam đang phối hợp với Công ty du lịch thiện nguyện Color Việt Nam xây dựng chương trình sinh kế bền vững cho các ngôi làng còn khó khăn ở các vùng khó khăn của cả nước.