HoREA kiến nghị 6 vấn đề hoàn thiện khung pháp lý đối với Condotel

Trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình dự án căn hộ du lịch (Condotel) mà chưa có một khuôn khổ hành lang pháp lý cụ thể.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình dự án căn hộ du lịch (Condotel) mà chưa có một khuôn khổ hành lang pháp lý cụ thể, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan về việc hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh loại hình dự án này.

Sự phát triển mạnh mẽ các dự án Condotel trong hơn 10 năm qua đã đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành Du lịch và của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng (Ảnh minh họa).

Theo đó, HoREA đã kiến nghị 6 vấn đề quan trọng để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đối với Condotel, như sau:

Thứ nhất, cần thống nhất sử dụng khái niệm “căn hộ du lịch (Condotel)” trong các văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung loại cơ sở lưu trú du lịch là “nhà phố du lịch” vào Điều 48, Luật Du lịch để thống nhất quản lý.

Trước đó, Bộ Xây dựng có Thông tư số 21/2019/TT-BXD ngày 31/12/2019 về việc “Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư”, quy định “căn hộ lưu trú (Condotel)” là “căn hộ nằm trong nhà chung cư hỗn hợp (Condotel), phục vụ mục đích cho thuê lưu trú, có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết để người thuê có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú”.

Tuy nhiên, hiện nay đa số “căn hộ du lịch (Condotel)” nằm gọn trong tòa nhà cao tầng độc lập thuộc các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng. Do vậy, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật về căn hộ du lịch (Condotel) trong các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng”.

Thứ hai, Hiệp hội thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cấp sổ đỏ có thời hạn cho “căn hộ du lịch (Condotel)”, như sau: Đề nghị cấp sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án cho “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp”, là người mua “biệt thự du lịch, căn hộ du lịch” và cả “nhà phố du lịch”, do Công văn 703/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ hướng dẫn cấp sổ đỏ cho “biệt thự du lịch, căn hộ du lịch”, không có “nhà phố du lịch”.

Về quy trình thủ tục, trước hết, chủ đầu tư dự án Condotel xin cấp sổ đỏ “căn hộ du lịch (Condotel)” cho chủ đầu tư. Sau khi thực hiện hợp đồng mua bán Condotel, chủ đầu tư làm tiếp thủ tục chuyển tên trên sổ đỏ cho “khách hàng - nhà đầu tư thứ cấp”. Khi hết thời hạn sử dụng đất thì được gia hạn nếu có nhu cầu, theo quy định của pháp luật đất đai.

Về xử lý chuyển tiếp, Hiệp hội cũng đề nghị xem xét, giải quyết có lý có tình đối với các trường hợp khách hàng mua “căn hộ du lịch (Condotel)” trước đây và đã được cấp sổ đỏ đất ở ổn định lâu dài không hình thành đơn vị ở (trái pháp luật), nhưng nay bị thu hồi và được cấp lại sổ đỏ có thời hạn theo thời hạn của dự án. Hiệp hội đề nghị xem xét tính thời hạn sử dụng đất cho khách hàng mua “căn hộ du lịch (Condotel)” kể từ ngày dự án có quyết định giao đất, để khách hàng đỡ bị thiệt thòi.

Thứ ba, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa nhà căn hộ du lịch (Condotel)”, làm căn cứ để Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương ghi diện tích “phần sở hữu riêng của căn hộ du lịch (Condotel)” vào “Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở” cho khách hàng mua “căn hộ du lịch (Condotel)”.

Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị quy định “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa nhà căn hộ du lịch (Condotel)” trong Luật Kinh doanh bất động sản, tương tự như Luật Nhà ở quy định “phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong tòa nhà chung cư”.

Thứ tư, đề nghị sửa đổi, bổ sung “Quy chế quản lý, kinh doanh loại hình căn hộ du lịch và biệt thự du lịch” (“Quy chế”) ban hành kèm theo Quyết định 3720/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, cụ thể: Đề nghị bổ sung cụm từ “trừ trường hợp căn hộ du lịch, biệt thự du lịch do mình sở hữu thuộc cùng một dự án”, vào Khoản (1.a) Điều 4 “Quy chế” quy định: “a) Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch do mình sở hữu hoặc có quyền sử dụng hợp pháp, trừ trường hợp căn hộ du lịch, biệt thự du lịch do mình sở hữu thuộc cùng một dự án”.

Đề nghị bỏ từ “khuyến khích” và thay thế bằng từ “yêu cầu” tại Khoản 2, Điều 4, “Quy chế”, như sau: “2. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân sở hữu căn hộ du lịch biệt thự du lịch thuộc cùng một dự án thống nhất, lựa chọn một tổ chức để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch”.

Thứ năm, Hiệp hội tán thành kiến nghị của Bộ Công an, vì nếu “hợp thức hóa” các dự án Condotel thành nhà ở sẽ phá vỡ quy hoạch, làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, làm giảm đi giá trị của cả khu vực được quy hoạch phát triển du lịch, kinh doanh dịch vụ, thương mại và làm giảm nguồn thu bền vững cho ngân sách Nhà nước.

Thứ sáu, về loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới “farmstay”, HoREA đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định tại Điều 143 và Điều 144 Luật Đất đai, chỉ cho phép tách thửa đối với “đất ở nông thôn” và “đất ở đô thị”, không cho phép tách thửa đối với các loại đất không phải “đất ở”.

Đối với các loại đất khác xen cài trong khu vực đô thị, điểm dân cư nông thôn mà người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa để làm nhà ở, thì trước hết phải lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành “đất ở”, rồi sau đó mới thực hiện thủ tục tách thửa “đất ở” theo quy định.

Các doanh nghiệp muốn chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng thành đất thương mại, dịch vụ, để thực hiện các dự án đầu tư, kể cả dự án “farmstay”, thì phải lập “dự án đầu tư” theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về du lịch, phải phù hợp với quy hoạch và phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét chấp thuận.

Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch xem xét đề xuất bổ sung loại cơ sở lưu trú du lịch (mới) là “khu du lịch trải nghiệm nông thôn - farmstay” vào Điều 48, Luật Du lịch để thống nhất quản lý và sửa đổi Quyết định 3720/QĐ-BVHTTDL ngày 28/10/2019 của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, để bổ sung cơ chế quản lý vận hành đối với loại hình “farmstay”.

Theo Báo Xây Dựng