Na rừng có tên gọi khác: Nắm cơm, na dây; xưn xe, ngũ vị tử nam; có tên khoa học là: Kadsura Coccinea (Lem.); quy kinh vị, đại trường. Thời gian gần đây, na rừng được nhiều người săn lùng về làm thuốc, chữa bệnh.
Na rừng là một thảo dược quý được đồng bào dân tộc sử dụng từ rất lâu, một trong ba vị thuốc quan trọng để bổ dương, điều trị yếu sinh lý. Ảnh: Thiên Minh.
Khi mùa na dai, na bở chuẩn bị hết vụ thì cũng là lúc na rừng Tây Bắc vỏ xanh ruột đỏ, chín thơm lừng vào mùa. Do có giá trị cao về dược liệu nên na rừng được rất nhiều thương lái tìm mua và trả giá cao.
Nếu như các loại na dai, na bở đúng mùa được bán với giá chỉ từ 35.000 - 40.000 ngàn đồng/kg hay loại na núi ở Chi Lăng (Lạng Sơn) nổi tiếng thơm ngon bởi thổ nhưỡng có giá lên tới 45.000 - 55.000 đồng/kg thì na rừng có giá lên tới 100.000 đồng/kg, đắt gấp ba lần na thường.
Na rừng có kích thước khá lớn, trung bình một quả nặng từ 600 – 1kg, cá biệt những quả na to có thể nặng lên tới 3 - 4 kg/ quả.
Tuy nhiên, đây cũng chưa phải là mức giá cao nhất của loại na rừng này. Trước đây, na rừng Tây Bắc rất được giá vì loại na này được coi là một dược liệu quý, khoảng 500.000 đồng/kg với na chín cây, một quả nặng từ 3 – 4kg có giá vài triệu đồng/ quả. Vài năm trở lại đây, do nhiều người vào rừng tìm hái loại quả này nên giá na rừng giảm sâu.
Một đầu mối thu mua na rừng ở Lạng Sơn cho biết, ra rừng có hai loại là na trắng và na đỏ. Na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, trong khi na đỏ toàn thân màu đỏ tươi, mùi nhựa thơm rất đặc trưng. Trên thị trường, na trắng có giá rẻ hơn do ít có giá trị về dược liệu. Loại quả này không ra quanh năm mà chỉ bắt đầu mùa từ tháng 4 đến hết tháng 10 hàng năm.
Na rừng không chỉ được các thương lái trong nước săn lùng mà nhiều người Trung Quốc cũng rất ưa chuộng. Ở Trung Quốc người ta gọi quả này là bufuna nghĩa là quả trường thọ. Quả ăn có vị ngọt nhẹ, cắn thêm một phần vỏ múi mềm sẽ có vị thơm đặc trưng của quả. Đặc biệt quả có thể để chín ăn tươi ngay, ngâm rượu hoặc ủ rượu vang đều rất tốt.
Ở Trung Quốc đã nghiên cứu và viết thành sách hướng dẫn cách dùng cây na rừng. Theo đó, cây na rừng có rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh. Rễ cây, thân cây và quả của cây na rừng đều có tác dụng chữa bệnh.
Quả na rừng có thể trị phong thấp, hay làm thuốc an thần trị chứng mất ngủ, giúp điều hòa khí huyết, hồi sức. Ngoài ra, quả na rừng đem ngâm rượu có thể trở thành bài thuốc bổ dương rất hiệu quả, mà người Mông hay gọi là rượu Tứn khửn – "thần dược phòng the".
Rễ cây thu hái quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng dần. Rễ dùng trị viêm ruột mạn tính, viêm dạ dày ruột cấp tính, viêm loét dạ dày và hành tá tràng; Phong thấp đau xương; Đau bụng trước khi hành kinh, hậu sản...
Na rừng thường mọc trong rừng sâu, chính vì thế để hái loại quả này rất nguy hiểm. Na rừng đạt yêu cầu là quả không bị thối hỏng, các mắt, khe nứt to. Theo các thương lái, sở dĩ na rừng có giá cao là bởi số lượng khan hiếm. Dù giá cao nhưng do số lượng na rừng không nhiều, muốn đặt mua cũng phải chờ nhiều ngày.
Hiện nay, trên các trang rao bán online, na rừng cũng được rao bán rầm rộ với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, hầu như chỉ có hàng phơi khô, hàng tươi muốn mua phải chờ ít nhất từ 3 – 7 ngày.