Vàng thế giới trong xu hướng tăng
Bất ổn kinh tế toàn cầu gây ra những lo ngại về suy thoái kinh tế thế giới là lý do một số nền kinh tế trụ cột như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu… đẩy giá vàng liên tục gia tăng.
Những diễn biến gần đây khi đại dịch Covid-19 tái nhiễm ở một số quốc gia được cho đã kiểm soát được dịch bệnh, lại càng gây lo ngại những bất ổn suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra cao hơn. Trong khi đó, nhiều quốc gia vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh như Mỹ, đã làm mối lo ngại của kinh tế Mỹ suy thoái càng cao và sự suy yếu của đồng USD cũng là lý do củng cố cho giá vàng đi lên.Thực tế, nhà đầu tư toàn cầu luôn xem vàng là công cụ đầu tư được thêm vào danh mục đầu tư, nhằm đa dạng hóa danh mục nắm giữ. Điều đó đã làm cầu về vàng tăng cao, đưa đến sự gia tăng giá vàng thế giới.
Việt Nam là một trong số các quốc gia có cầu vàng rất lớn trong nền kinh tế, lo ngại cho tác động này đã khiến người dân tiếp tục mua vàng. Cầu vàng càng mạnh, chênh lệch giá mua bán vàng được niêm yết (spread) càng lớn.
Nhìn vào hoạt động của Quỹ vàng thế giới SPDR thời gian qua liên tục mua vào, cũng sẽ thấy sự lo ngại cho những bất ổn đó. Kể từ đầu năm 2020, tổng lượng vàng mua ròng của quỹ này đạt 295,35 tấn. Tính đến 7-7, quỹ này đang dự trữ số vàng lên đến 1.199,36 tấn, mức kỷ lục kể từ đợt suy thoái kinh tế 2008-2009. Điều này cho thấy tổ chức này đang tìm kiếm các tài sản an toàn nhằm tránh rủi ro trước bất ổn kinh tế thế giới hiện nay.
Kịch bản giảm giá vàng chờ thời gian
Những quan ngại về giá vàng giảm cũng thể hiện trên thị trường thế giới như vấn đề giảm phát trong kinh tế, hay có sự gián đoạn trong thị trường giao ngay vàng vật chất và thị trường vàng giấy (thị trường phái sinh).
Song rủi ro từ sự gián đoạn này được đánh giá là khá thấp nhưng không có nghĩa không tồn tại. Đứng trước những khó khăn trong kinh tế, một số quốc gia cần sử dụng lượng vàng dự trữ đang được gửi tại các quốc gia lớn như Mỹ, Anh. Nếu điều này xảy ra có tính hệ thống, sẽ đưa đến sự thiếu hụt về vàng vật chất đảm bảo cho công cụ vàng giấy.
Tuy nhiên, lý do khác cho những lo ngại này đến từ sự suy thoái kinh tế đi kèm với giảm phát nền kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ thất nghiệp đang rất cao dù việc giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ phần lớn trong các nền kinh tế. Đi kèm với thất nghiệp cao là tình trạng tỷ lệ nợ lớn gây ra sự suy giảm kép trong tiêu dùng.
Những hoạt động kích thích nền kinh tế đang được nhiều chính phủ các nền kinh tế lớn đưa ra vẫn chưa thấy tác động tích cực của nó… lại gây ra những lo ngại trong dài hạn về nguy cơ giảm phát. Nếu điều này diễn ra, vàng sẽ có kịch bản tồi tệ như bao hàng hóa khác.
Như vậy, nếu nhìn về kịch bản giảm giá của vàng, nhà đầu tư có thể ước lượng được xác suất xảy ra cho kịch bản giảm giá vàng khá thấp, để đặt cược cho kịch bản tăng giá của vàng.
Cơ hội giá vàng trong nước thẳng tiến
Vậy kịch bản nào cho giá vàng Việt Nam? Bỏ qua tác động từ giá vàng thế giới, nhìn vào việc quản lý thị trường vàng của NHNN. Theo đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định rõ vai trò điều tiết thị trường vàng của NHNN khi nhập khẩu vàng vật chất của thế giới để sản xuất ra vàng miếng bán ra thị trường trong nước.
Câu hỏi được đặt ra sau hành động mua vàng của NHNN khi giá vàng thế giới quay đầu giảm giá, nghĩa là lượng vàng tồn kho đã bị lỗ. Vậy với trách nhiệm giải trình, NHNN có chấp nhận bán ra số vàng đã mua theo giá thế giới hay chấp nhận sự chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước với giá thế giới?
Về phía các công ty kinh doanh vàng, đặc biệt là kinh doanh vàng miếng, liệu có giảm giá bán theo giá thế giới trong khi ảnh hưởng đến toàn bộ lượng vàng tồn kho đang kinh doanh, thậm chí lượng tồn kho đang có giá vốn cao?
Như vậy, về yếu tố hành vi, gần như toàn bộ hệ thống kinh doanh vàng sẽ không mua vàng từ NHNN với giá thấp. Hoặc do giá trị định giá trên lượng tồn kho vàng đang nắm giữ, các công ty kinh doanh vàng sẽ không thể giảm giá vàng trong nước, làm xuất hiện chênh lệch giá vàng cao trong nước so với thế giới.
Nếu có bằng chứng cho thấy chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn thế giới gây ra áp lực lên tỷ giá ngoại tệ, NHNN sẽ bình ổn thị trường này một cách chính danh hơn. Thay vì cũng xuất ra ngoại tệ mua vàng thế giới để bán lại cho nhu cầu người dân với giá thấp gây thua lỗ trong hoạt động vàng nhằm thu hẹp chênh lệch với giá thế giới, NHNN sẽ xuất ngoại tệ để bình ổn tỷ giá nếu có tác động bất lợi từ chênh lệch này.
Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động của thị trường vàng truyền thống theo Nghị định 24, vô hình chung NHNN đã tạo ra cơ hội kiếm tiền cho các công ty kinh doanh vàng miếng bằng chênh lệch giá mua bán trong cùng thời điểm do chính vàng mình sản xuất ra.
Thay vì thiết lập sàn giao dịch vàng miếng được chuẩn hóa từ Nghị định 24, NHNN sẽ thu phí giao dịch thông qua hoạt động mua và bán của chính nhà đầu tư tham gia. Nay khoản phí này được tồn tại dưới dạng chênh lệch mua bán để vào tay các trung gian kinh doanh vàng miếng.
Chính vì bản chất của Nghị định 24 đã đưa đến hành xử cho những người mua vàng. Giá vàng càng cao họ càng mua, miễn là xu hướng cơ bản vẫn hỗ trợ cho giá thế giới tăng. Do vậy, bằng việc nhận định xu hướng giá vàng thế giới trong trung hạn tăng, bất chấp những dao động bất lợi trong ngắn hạn, người mua vàng sẽ ít bị lỗ.